221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1043895
Thảm sát Mỹ Lai: Vĩ cầm tưởng niệm những linh hồn
1
Article
null
Thảm sát Mỹ Lai: Vĩ cầm tưởng niệm những linh hồn
,

 - 16 năm qua, Roy Mike Boehm, cựu binh Mỹ, đều đặn trở lại Mỹ Lai, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Mỗi mùa tưởng niệm vụ thảm sát đau thương từng xảy ra ở mảnh đất này, Mike đều kéo vĩ cầm cầu nguyện yên nghỉ cho những linh hồn nằm xuống.



Mô tả ảnh.

"Tiếng vĩ cầm là nỗi buồn về cuộc thảm sát, sự đồng cảm và ước vọng về những điều tốt đẹp hơn với Sơn Mỹ". Ảnh : XL

Năm nay, ở lễ tưởng niệm 40 năm thảm sát Mỹ Lai, Mike lại kéo vĩ cầm cầu nguyện. 50 nhà sư tụng kinh để cầu cho những người nằm xuống siêu thoát, an nghỉ. Lời cầu nguyện đã luôn đều đặn, nhưng thời gian đã thêm dài. Và trong sâu thẳm, nỗi đau vẫn còn nhói.

“Mỹ Lai hay cuộc chiến tranh ở Việt Nam là mối nợ lớn. Làm thế nào để tôi được tha thứ, làm thế nào để tôi hàn gắn nỗi đau trong tim?”, Mike đau đáu tự hỏi.

Roy Mike Boehm là cựu binh tham chiến ở chiến trường miền Nam, Việt Nam. Một tuần trước sự kiện chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mike có mặt ở Củ Chi. Gia nhập quân ngũ theo lời kêu gọi của chính quyền, sự thúc giục của cha, nhưng đến Củ Chi, cảm giác đầu tiên ập đến với quân nhân Mỹ này là sợ hãi.

“Chiến tranh quá tàn khốc. Chỉ có chết chóc, đau thương”. Hai năm ở mặt trận, nói như Mike : “Tôi đã bị dối lừa khi dấn thân vào cuộc chiến”.

Chiến tranh ám ảnh. Năm 1970, khi đọc một bài viết trên tờ báo địa phương về vụ thảm sát ở Mỹ Lai ở Quảng Ngãi, Mike đã nghĩ về sự trở lại.

Năm 1992, cựu binh này đã trở lại để tìm đến nơi “cả thế giới biết”: thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Điều duy nhất tôi làm khi đến Sơn Mỹ lúc đó là “xin cho tôi được cầu nguyện linh hồn những người đã khuất”, giọng trùng xuống, Mike rớm lệ kể. Cây vĩ cầm và lời nguyện cầu bằng âm nhạc gắn với Mỹ Lai từ đó. 

Sau lần đầu trở lại Quảng Ngãi, Mike giải tỏa được sự hoang mang, trống rỗng một thời kỳ dài. “Tôi muốn khi nằm xuống sẽ làm được điều ý nghĩa nào đó”. Madison Quakers, một tổ chức phi chính phủ nhỏ do Mike góp phần sáng lập, đã có những chương trình hỗ trợ người dân ở Mỹ Lai, Sơn Tịnh như xây trường tiểu học, tín dụng hỗ trợ phụ nữ nghèo... 
 

Mô tả ảnh.
Với Mike, tất cả các cuộc chiến tranh đều là thảm sát. Ảnh: Internet

Tiếng vĩ cầm của đồng cảm và ước vọng

Người ta dễ viện dẫn “không can cớ thì không có tội”. Ông đã không làm điều gì ở Mỹ Lai sao lại gắn cuộc đời mình với nơi đây?

Với tôi, Mỹ Lai là biểu tượng của tội ác chiến tranh. Tất cả các cuộc chiến tranh đều là thảm sát. Số phận đã sắp đặt để tôi gắn bó với Mỹ Lai. Tôi trở lại Mỹ Lai bằng sự thôi thúc con tim. Rất khó để giải thích cảm xúc. Tôi chỉ nghĩ mình phải có phần trách nhiệm. Tôi đã hỏi chuyện nhiều cựu binh Mỹ: Tại sao thảm sát Mỹ Lai lại khủng khiếp như vậy? Các ông không cảm thấy nó khủng khiếp sao?

Trong chiến tranh, có những lính Mỹ nghĩ người Việt Nam chỉ là súc vật nên đã dễ dàng xả súng, giết chết những người vô tội đó. Tôi không bắn ai cả. Nhưng tôi nghĩ mình không tốt hơn họ.

Vậy thảm sát Mỹ Lai thức tỉnh ông?

Không, tôi đã thức tỉnh khi đặt chân đến Việt Nam, bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến của Mỹ ở đây. Nhưng thảm sát Mỹ Lai là biểu tượng của cuộc chiến đó. Nó thực sự khủng khiếp. Trong trái tim và khối óc của tôi, Mỹ Lai là biểu tượng của chết chóc đau thương và sự huỷ diệt. Khi còn bé, tôi được dạy bảo về điều xấu và điều tốt, được dạy bảo không bao giờ làm điều xấu xa. Nhưng khi bước vào cuộc chiến tranh, tôi đã gián tiếp giúp người khác làm điều sai trái.


Ngày 16/3/2008, 40 năm ngày thảm sát Mỹ Lai, Mike lại kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài Sơn Mỹ, tiếng đàn mong xoa dịu nỗi đau.

Tại sao ông nghĩ tiếng vĩ cầm sẽ giúp những người nằm xuống yên nghỉ? Ông đã nghĩ gì khi kéo vĩ cầm?

Tôi không biết tại sao lại chơi vĩ cầm để cầu nguyện. Kể từ lần đầu trở lại Quảng Ngãi đến nay, lúc nào tôi cũng mang theo cây vĩ cầm nhỏ. Âm nhạc mang đến hạnh phúc. Nó có thể xoa dịu trái tim tôi. Tiếng vĩ cầm là nỗi buồn của tôi, nỗi buồn đau thương của cuộc thảm sát, của sự đồng cảm và ước vọng về những điều tốt đẹp hơn đến với mọi người ở Sơn Mỹ.

Ông có nhiều chất chứa trong tim. Nhưng ông đã có cơ hội nói lên điều đó trong bộ phim "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" của đạo diễn Trần Văn Thủy. Ông có nghĩ mình may mắn?

Bộ phim là cơ hội để tôi được trực tiếp nói lên nỗi lòng với người Việt Nam. Lời thoại trong phim không phải sự sắp đặt của kịch bản. Tất cả xuất phát từ trái tim tôi. Ông Thủy đã cho tôi vinh hạnh lớn này.

Mô tả ảnh.
"Người Mỹ cố quên cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Với tôi, nỗi đau trong trái tim không bao giờ hết". Ảnh: Internet
Mỹ Lai: Cuộc đời còn lại của tôi

Đã 40 năm rồi, nhưng những bức hình về thảm sát ở Mỹ Lai vẫn khiến tôi nhói tim. Ông nghĩ vết thương sẽ lành?

Tôi không biết sẽ ra sao nếu tôi không trở lại. Tôi phải làm gì đó giống như việc đưa tôi đi về trên con đường của sự xoa dịu ký ức. Người Mỹ cố quên đi cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thảm sát Mỹ Lai không được nhắc đến ở trường trung học ở Mỹ mà chỉ là một vài dòng ngắn ngủi. Với tôi, nỗi đau trong trái tim không bao giờ hết.

Tại sao dự án của Madison Quakers lại có tên "Công viên Hoà bình Mỹ Lai"?

Vì tôi muốn gắn tên Mỹ Lai với Hoà bình. Với người Mỹ, khi nhắc đến Mỹ Lai, họ nghĩ đến sự chết chóc, những điều sai trái. Tôi muốn mọi người nghĩ khác. Tôi muốn mọi người nhìn thấy hy vọng. Cách đây 16 năm, tôi đã đi khắp nước Mỹ để chiếu hình về thảm sát ở Mỹ Lai quyên tiền thực hiện dự án. Đó cũng là mong muốn mọi người không quên những gì đã xảy ra.

Ông sẽ tiếp tục chứ?

Đó là nhiệm vụ của tôi, là cuộc đời tôi. Đó không phải một công việc đơn thuần. Tôi đã hoang mang một thời kỳ dài cho đến khi tôi đến Việt Nam năm 1992. Từ sâu thẳm, tôi biết Mỹ Lai là cuộc đời còn lại của mình.

Tới khi nào ông kết thúc công việc này?

Khi tôi nằm xuống. Tôi sẽ không về hưu. Tôi muốn khi chết, tôi làm được điều gì đó ý nghĩa.

Ngày 16 tháng 3 năm 1968, đại đội Charlie thuộc lữ đoàn bộ binh 11, Mỹ dưới sự chỉ huy của William Calley đã đến chiếm đóng thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với "cái cớ" tìm du kích Việt Cộng. Chỉ trong vài giờ, 504 người dân làng Sơn Mỹ đã bị lính Mỹ giết chết. Phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em và người già bị đàn áp tàn bạo.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ, hay còn gọi là thảm sát Mỹ Lai chỉ được tường trình đầy đủ trong một bài báo đăng trên tạp chí Life tháng 12 năm 1969. Các tạp chí Newsweek và Time sau này cũng tường thuật vụ thảm sát khiến thế giới chấn động. Tuy nhiên, chỉ có một vài quân nhân Mỹ liên quan đến vụ thảm sát bị đưa ra tòa án quân sự xét xử. 

Nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài đã ghi lại trong các bức bình cảnh tượng xác chết chồng chất, phụ nữ, trẻ em, người già bị cưỡng bức, đàn áp thô bạo ở Mỹ Lai như bằng cớ xác thực nhất về tội ác kinh hoàng của quân đội Mỹ trong chiến tranh.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>