-"Nếu đơn thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không được Tòa phúc thẩm chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ", ông Jonathan Clifford Moore, Trưởng đoàn luật sư Mỹ biện hộ cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện đòi bồi thường các công ty hóa chất Mỹ nói.
Chiều 22/3 tại Hà Nội, sau 5 ngày làm việc chung, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và đoàn luật sư Mỹ đã có cuộc họp báo.
Luật sư Jonathan Moore cho biết, sau khi Tòa phúc thẩm Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 7/3 vừa qua, các luật sư Mỹ đã chính thức nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa phúc thẩm Mỹ yêu cầu xem xét lại đơn kiện.
Nếu đơn thỉnh cầu được chấp thuận, các luật sư biện hộ cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện sẽ quay trở lại tranh tụng trước toàn bộ 13 vị thẩm phán thường trực của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm Mỹ. Trong trường hợp Tòa án phúc thẩm không chấp nhận đơn thỉnh cầu, các luật sư sẽ đưa đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Ông Jonathan Moore cho biết các luật sư Mỹ đã bàn bạc với VAVA các tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị các phương án hành động trong tiến trình tiếp theo của vụ kiện.
Những phán quyết vô lý
Bình luận về phán quyết của Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm Mỹ đối với vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Luật sư Jonathan Moore cho rằng đó là phán quyết sai ở cả góc độ đạo lý và pháp lý.
"Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải thừa nhận tác hại của chất độc dioxin đối với môi trường và con người ở Việt Nam". Ảnh: XL |
Theo luật sư Mỹ, khi đưa ra phán quyết, Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm đã bỏ qua thực tế rằng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tiến hành vụ kiện dựa trên luận điểm là các công ty Mỹ đã sản xuất chất diệt cỏ có chứa độc tố để Chính phủ Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Căn cứ theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng chất diệt cỏ có chứa độc tố được quy là phạm luật.
"Về mặt nào đó, chính Chính phủ Mỹ đã thừa nhận tác hại của chất độc da cam khi hàng năm chuẩn chi 1,5 tỷ USD hỗ trợ cho những cựu binh Mỹ chịu ảnh hưởng của chất độc trong chiến tranh", ông Jonathan Moore nói.
Ngoài việc sử dụng luật pháp quốc tế, các luật sư Mỹ cũng sử dụng luật quốc nội Mỹ làm căn cứ để tiến hành vụ kiện. Đây là cách thức trùng hợp với một vụ kiện tương tự đang diễn ra của các cựu chiến Mỹ kiện các công ty hóa chất Mỹ bồi thường cho những thiệt hại mà họ gánh chịu. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ Tòa án Mỹ đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Về những bước đi tiếp theo, luật sư Mỹ nói "điều quan trọng phải buộc Chính phủ, các công ty hóa chất Mỹ thừa nhận tác hại của chất độc da cam đối với môi trường và con người ở Việt Nam".
Thắng lợi về dư luận
Tại cuộc họp báo, ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAVA nói việc "thắng" hay "thua" trong vụ kiện này vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng về cơ bản, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thắng lợi về mặt chính trị và nhân văn trong việc đánh động dư luận quốc tế, trong đó có dư luận Mỹ về tác hại của chất độc dioxin đối với môi trường và con người ở Việt Nam. Vụ kiện đã được biết đến trên tất cả châu lục khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của đông đảo cộng đồng quốc tế.
Luật sư Jonathan Moore đồng tình rằng nhờ vụ kiện và các phong trào quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Chính phủ Mỹ đã có những động thái trao đổi thông tin, xem xét chi những khoản tiền cho việc tẩy độc môi trường ở Việt Nam. "Nếu không có vụ kiện do VAVA khởi xướng vào năm 2004, Chính phủ Mỹ không bao giờ có động thái như vậy", luật sư quả quyết.
Luật sư Jonathan Moore nói "trong trường hợp Tòa án Mỹ không chấp thuận đơn thỉnh cầu, vụ kiện kết thúc về mặt pháp lý thì những chiến dịch về mặt chính trị cho việc giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam vẫn tiếp diễn".
Hỗ trợ 1 USD cho một nạn nhân da cam chỉ là tượng trưng. Ảnh: Hà Trường |
Hỗ trợ 1 USD cho một nạn nhân da cam : sự tượng trưng
Các luật sư Mỹ và đại diện VAVA cho rằng việc Chính phủ Mỹ vừa qua phê chuẩn 3 triệu USD để tẩy độc môi trường ở sân bay Đà Nẵng là động thái ban đầu thừa nhận tác hại của chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, khoản viện trợ 3 triệu USD vẫn nằm trên giấy bởi đến nay vẫn chưa có bất cứ phương hướng giải ngân để thực hiện dự án ở Đà Nẵng.
Theo ông Thu, ở Việt Nam hiện có 3 điểm nóng về chất độc dioxin được phát hiện là Biên Hòa - Đồng Nai, Phù Cát - Bình Định và khu vực sân bay Đà Nẵng. Còn nhiều điểm nóng vẫn đang tiếp tục phát hiện và nghiên cứu. Chi phí tẩy độc cho mỗi một điểm nóng này ước tính ít nhất từ 20 đến 30 triệu USD.
Ông Trần Xuân Thu và luật sư Jonathan Moore cho rằng số tiền trên không thể đủ để tiến hành tẩy độc ở một điểm nóng như Đà Nẵng. "Không thể ảo tưởng 3 triệu USD có thể giải quyết vấn đề" , luật sư Mỹ nói.
Ông Thu còn quy đổi nếu tính về hỗ trợ cho sức khỏe, với mức 3 triệu USD mà Mỹ chuẩn chi, trung bình mỗi nạn nhân da cam/dioxin chỉ được....1 USD.
Về cơ bản, việc hỗ trợ tẩy độc dioxin ở các điểm nóng phải tiến hành song song, không thể thay thế vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đại diện VAVA nói.
-
Xuân Linh