221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1047019
Phản biện vẫn còn xa lạ
1
Article
null
Phản biện vẫn còn xa lạ
,

 - Đã có những dự án tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng nhờ được… phản biện! Thế nhưng trong thực tế, xã hội còn chưa quen với hoạt động phản biện…

Nhờ phản biện, đỡ lãng phí hơn 1.100 tỷ đồng!

Mô tả ảnh.

Các nhà khoa học của Liên hiệp hội TP.HCM đi thực địa khảo sát bãi rác Đông Thạnh, TP.HCM (Ảnh: Liên hiệp hội TP.HCM)

Câu chuyện về phản biện đến mức nảy lửa xung quanh dự án 1 triệu hécta lúa mà Hội Giống cây trồng Việt Nam tham gia là một kỷ niệm không bao giờ quên với GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội.

GS Long nhớ lại, khi Bộ NN&PTNT đưa ra dự án “Phát triển 1 triệu ha lúa lai giai đoạn 2000-2010” thì ngay lập tức, các nhà khoa học thuộc Hội Giống cây trồng Việt Nam đã nhận thấy nhiều điều bất ổn, không có cơ sở khoa học từ dự án này. Sau khi nghiên cứu, thẩm định trên cơ sở phản biện của Hội Giống cây trồng, Bộ NN&PTNT đã rút kinh phí dự án ban đầu từ 1.200 tỷ đồng xuống còn… 46 tỷ đồng mà vẫn thực hiện được cùng một mục tiêu, nhiệm vụ dự án đặt ra.

Hoạt động tư vấn, phản biện này đã tiết kiệm được tới… 1.154 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước!

Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Hội còn tư vấn biện pháp triển khai dự án như chọn lựa vùng đất thích hợp để trồng lúa lai, không nên áp đặt chỉ tiêu 1 triệu ha mà nên thực hiện linh hoạt; xây dựng cơ chế điều hành với việc mạnh dạn xoá bỏ bao cấp (cấp miễn phí giống, vật tư sản xuất…) mà hỗ trợ người nông dân phát triển lúa lai; từng bước xã hội hoá ứng dụng thành quả nghiên cứu lúa lai của các nhà khoa học để khoa học thực sự đem lại lợi ích cho người dân.

Có một câu chuyện khác về lợi ích to lớn mà phản biện đem lại mà nhắc đến hẳn ai cũng nhớ. Đó là câu chuyện “thay nước Hồ Tây”.

Cách đây 4-5 năm, dư luận xôn xao về một dự án rất táo bạo và nhận được tài trợ của nước ngoài về việc sẽ lấy nước sông Hồng thay thế toàn bộ nước Hồ Tây.

Một viễn cảnh tươi sáng của Hồ Tây được vẽ ra!

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã lên tiếng và xuất phát điểm có lẽ là ý kiến của Hội Sử học. Tại cuộc hội thảo tháng 5/2000, do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức, lấy ý kiến của các nhà khoa học về dự án này, khi đó, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Lịch sử Việt Nam nhận xét: “Hồ Tây chưa ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, vẫn còn là một trong những hồ sạch nhất Hà Nội.

Trong khi đó, nguồn nước dự định thay thế là nước sông Hồng lại chưa được nghiên cứu kỹ. Nếu theo kết luận của dự án là chất lượng nước sông Hồng dường như tốt hơn Hồ Tây, vậy tại sao không đổ thẳng vào, cần gì phải qua xử lý?”.

Còn Phó Giáo sư Hà Đình Đức, Hội Các ngành sinh học nhận định: “Mục tiêu của dự án là cải tạo chất lượng nước hồ đạt tiêu chuẩn nước hồ bơi. Vậy liệu các sinh vật sống lâu năm trong hồ có còn tồn tại khi dự án này thực hiện? Bởi vì hồ bơi không phải là nơi gìn giữ đa dạng sinh học”…

Sau đó, rất nhiều hội chuyên ngành đã tham gia góp ý cho dự án như Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Thủy lợi, Hội Xây dựng và Kiến trúc, Hội Lịch sử, Hội Các ngành sinh học. Và cuối cùng, một bản kiến nghị dừng dự án từ những đóng góp trên đã được trình UBND TP. Hà Nội.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho biết, kiến nghị trên đã tiết kiệm được 45 triệu USD tiền đầu tư cho dự án. Nhưng một kiến nghị nữa mà ít ai biết đến, đó là thay vì trả số tiền đầu tư, các nhà khoa học đã đề xuất dùng số tiền đó xây dựng nhà máy xử lý nước thải đặt ngay tại hồ Trúc Bạch… Vậy là tiền không mất và đã được dùng đúng chỗ, góp phần làm đẹp Thủ đô.

Hay như kiến nghị của các nhà khoa học về việc xem xét lại quy hoạch hướng tuyến của đường Hồ Chí Minh vì có liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có đoạn đi qua Vườn quốc gia Cúc Phương. Trước những cơ sở khoa học về bảo tồn, phát triển bền vững, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 4 phương án điều chỉnh, nắn tuyến đường ra khỏi Vườn: Vừa đảm bảo bảo vệ được Vườn quốc gia Cúc Phương, vừa đảm bảo tổ chức thi công đường một cách thuận lợi và đúng tiến độ.

Phản biện… chưa được coi trọng

Mô tả ảnh.

GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: Nhờ phản biện, Hội đã tiết kiệm được tới… 1.154 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước!  

Rõ ràng, hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội đã đem lại những lợi ích rất to lớn, nhất là những dự án mang tầm cỡ quốc gia. Nhưng thực tế, dường như các bộ, ngành lại không mấy “mặn mà” với hoạt động này.

Lý giải về cái gọi là “mâu thuẫn” trên, GS. VS Trần Đình Long cho rằng: thứ nhất, chưa có chế tài bắt buộc các dự án lớn phải có tư vấn, phản biện, không có sự ràng buộc để các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện điều này. Trong khi đây phải được xem là một kênh bắt buộc bên cạnh những kênh tư vấn khác.

Thứ hai, chưa có thể chế tài chính đi kèm để động viên các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giám định xã hội. Ví dụ, từ tư vấn phản biện, dự án của Nhà nước có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng thì nhà khoa học tham gia phải được hưởng lợi từ số tiền đó. Nhà khoa học không thể ngồi một chỗ mà phán nên thế này hay thế kia mà cũng phải tập hợp lực lượng, đi thực tế cơ sở, điều tra, thí nghiệm… mới có được tư vấn cụ thể, chính xác.

Một vấn đề đưa ra thẩm định, phản biện cần phải có thời gian, kinh phí. Phản biện của các nhà khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam là phản biện độc lập, nó mang tính khách quan lớn và không chịu một sự tác động nào nên rất thẳng thắn, thậm chí là "động chạm". Điều này sẽ phần nào gây những phiền hà nhất định cho phía dự án được phản biện. Thay vì họ được làm cái mình nghĩ ra thì nay lại mất thời gian, công sức để làm lại theo ý người khác.

Còn TS Phạm Sĩ Liêm thì nhận xét: Hoạt động phản biện nói chung cũng như vai trò của xã hội dân sự cũng chỉ mới hình thành trên thế giới cách đây 15 năm, có lẽ vì thế mà còn khá mới mẻ nên chúng ta chưa bắt kịp chăng?

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn: các nhà khoa học vẫn ở thế bị động, mời thì làm, không thì thôi. Nếu họ mạnh dạn thay vì ngồi chờ, hãy chủ động đề nghị được tư vấn, phản biện những dự án nào mà các nhà khoa học cho là cần phải có sự tham gia của mình thì sẽ đem lợi cho sự phát triển KTXH của đất nước thì có lẽ câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều.

Nhưng giải thích về tâm lý này, GS.VS Trần Đình Long cho rằng không phải là không có người dám mạnh dạn mà vì họ đã bị từ chối. Đã có những nhà khoa học thực sự tâm huyết. Họ mạnh dạn gửi kiến nghị, trình bày ý tưởng lên các cấp lãnh đạo nhưng thay vì ủng hộ, ghi nhận, họ bị quy kết là tác nhân phá hoại, làm cản trở tiến trình phát triển của dự án… Còn một sự thật nữa, nếu nhà khoa học nói thẳng, nói thật nhưng làm mất lòng lãnh đạo thì chỉ được mời tham gia hội đồng tư vấn một lần thôi, lần sau “xin miễn”.

Điều này đã làm các nhà khoa học ngại, không muốn va chạm và sinh ra tâm lý: hỏi thì trả lời nhưng cũng ở mức độ cầm chừng. Thực trạng này ngày càng ăn sâu vào tâm thức của giới khoa học, nhất là những nhà khoa học làm quản lý.

Theo GS Long, để vai trò phản biện thực sự được phát huy, trước hết cần định hướng hoạt động của các nhà khoa học phải chủ động bám vào các vấn đề phát triển KTXH của đất nước. Nhà nước cũng nên cung cấp thông tin thường xuyên về những dự án lớn đã và sẽ triển khai. Có nghĩa là: Chính phủ và các nhà khoa học hãy chủ động hơn nữa để tiến lại gần nhau. Đừng thụ động như hiện nay, có vấn đề phát sinh mới tìm đến nhau. Cũng nên có số liệu thống kê chính xác và công bố chính thức về lực lượng, khả năng chuyên môn của từng ngành chuyên môn để khi có vấn đề phát sinh, Chính phủ có thể biết các nhà khoa học có đủ sức thực hiện ở mức nào.

  • Liên Cơ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,