221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1049935
Thủ tướng: Dứt khoát không tăng giá các mặt hàng trọng yếu
1
Article
null
Thủ tướng: Dứt khoát không tăng giá các mặt hàng trọng yếu
,

 - Gọi cuộc gặp của Thủ tướng với khu vực làm ra 40% GDP đất nước (Các tập đoàn, tổng công ty...) chiều nay (1/4) là một "Hội nghị Diên Hồng", ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN đề xuất Chính phủ thành lập ngay một UB lâm thời kết nối các bộ ngành địa phương sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Phát biểu ngắn gọn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian để đại diện các ngành kinh tế chủ lực của đất nước như điện, than, thép, xi măng...  bày tỏ sự đồng thuận và tranh thủ "kêu" chỗ khó, chỗ vướng nếu chưa được tăng giá trước tháng 6/2008.  Mỗi ý kiến đưa ra đều được Thủ tướng đối thoại lại, thậm chí phản biện bằng cách đưa ra những con số dẫn chứng.

Mô tả ảnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy trong giờ giải lao. Ảnh: L.N

 

Chưa tăng giá: Điện, thép, xi măng...thi nhau kêu khổ

Năm 2007, Bộ Công thương đã báo cáo với Thủ tướng là Tập đoàn điện lực VN phải mua ngoài hơn 17 nghìn kWh điện, chịu lỗ hơn 4 nghìn tỷ. Theo tính toán, năm 2008 này, sẽ phải mua ngoài hơn 24 nghìn kWh điện, lỗ hơn 6 nghìn tỷ.

"Nếu không tăng giá điện, đến 2010 chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu điện bởi vì không ai dám bỏ vốn ra đầu tư", đại diện EVN kiến nghị.

Trước đó, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN đã diễn giải tương đối dài về sự lãng phí điện của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Theo ông Thanh, có hộ dân ở Hải Phòng đã tiêu tới hơn 10 triệu tiền điện/tháng chỉ để đun nóng nước sục bể bơi gia đình.

"Ngành thép là ngành mà 90% vốn đều phải đi vay. Tính từ 2003 đến nay, chúng tôi luôn phải bù giá cho mặt hàng này, không hề có tích lũy nào để tái đầu tư", ông Đậu Văn Hùng, TGĐ Tổng Công ty Thép VN phân bua với Chính phủ.

Ông Hùng cũng khẳng định, nguy cơ thiếu hụt thép là điều dễ nhìn thấy nếu Chính phủ không cho phép tăng giá từ trước tháng 6.

"Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát, chỉ xuất khẩu sản phẩm nguyên. Ấn Độ và nhiều nước khác cũng yêu cầu cấm xuất khẩu phôi thép... Trong điều kiện đó, ngay cả khi Tổng Công ty giữ nguyên mức giá thì các liên doanh sản xuất thép bên ngoài cũng khó có điều kiện tiếp tục sản xuất, vì giá nhập khẩu tăng mà giá bán không tăng là lập tức sẽ thiếu thép. Nếu các Tổng Công ty không tăng giá còn tạo ra chênh lệch giữa Tổng công ty và các liên doanh", ông Hùng nói.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xi măng VN cũng khiếu nại: "Nguyên liệu nhập khẩu tăng lên hàng tuần. Tính chi phí đầu vào, mỗi tấn xi măng đã tăng lên 60 - 65 ngàn đồng. Hiệp hội xi măng đã nghiến răng để chia lửa cùng Chính phủ nên chỉ thống nhất tăng 30 - 35 nghìn đồng. Mà ngành xi măng, 7 năm liền vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Trong bối cảnh lạm phát, mức giá hiện nay đã giảm đi 30% giá trị thực", ông này phân trần.

Trước yêu cầu của Thủ tướng đề nghị giải thích rõ hơn về mức bù giá, Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trước mắt, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với Chính phủ. Nhưng về lâu dài sẽ có những hậu quả không hay".

Xin thúc đẩy dự án vì là trọng điểm quốc gia!

Quy định mới đây của Chính phủ về việc Tập đoàn Kinh tế chỉ được phép dành 30% vốn đầu tư cho lĩnh vực khác cũng là chủ đề làm "nóng" các tranh luận trong và ngoài hội trường.

Đại diện Tổng Công ty Du  lịch VN đề xuất: "Chính phủ nên quy định rõ hơn cho các Tập đoàn Kinh tế và Tổng Công ty để số tiền dự trữ đó đầu tư chiều sâu phát triển nguồn nhân lực. Không nên dành quá nhiều tiền dư thừa để lấn sang đầu tư những ngành nghề khác".

"Thủ tướng nên đi khảo sát ngay các dự án đang chậm, cắt giảm ngay các dự án kém hiệu quả. Báo chí sẽ công khai kết quả này để thấy được nỗ lực của Chính phủ".

Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Du lịch Việt Nam

Trao đổi tại hành lang, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí VN cho biết, đầu tư ra bên ngoài của Tập đoàn dầu khí mới chỉ chiếm 7% trong tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, do nhiều đơn vị khác hiện đang chiếm tới 40 - 50% tổng đầu tư nên Chính phủ cần có quy định cụ thể tập đoàn nào được đầu tư bao nhiêu, với tỷ lệ khống chế nên là bao nhiêu phần trăm.

Khẳng định hầu hết tập đoàn, công ty của mình đều đang tập trung mũi nhọn vào lĩnh vực chính, đại diện các tập đoàn và công ty cho rằng những dự án mà ngành đang triển khai đều là dự án trọng điểm quốc gia, cần thúc đẩy tiến độ thay vì cắt giảm.

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than công nghiệp Than-Khoáng sản VN khẳng định: "Tất cả các dự án của than - khoáng sản đều là dự án hiệu quả, chúng tôi sẽ thúc đẩy để sớm hoàn thành".

Dẫn ra bài học trong đợt khủng hoảng cách đây mười năm trước, nhờ đón đầu khủng hoảng thế giới, tập đoàn Than - Khoáng sản đã mua được 70 xe Huyndai với giá rẻ bằng 1/2 giá thường "lãi tới 2 triệu đô la" để phục vụ sản xuất, ông Kiển cho rằng, Chính phủ nên cho phép Hội đồng quản trị các Tổng Công ty lớn được phép đấu thầu làm nhanh các dự án lớn "vì đây là cách làm thiết thực thúc đẩy sản xuất hiệu quả nhất".

"Đây là thời điểm đặc biệt, cần áp dụng những cách làm đặc biệt, cho dù trái quy định, vì nếu  không sẽ lỡ thời cơ", ông Kiển nói.

Theo ông Kiển, năm 1998, khi tập đoàn của ông phá rào mua xe với giá rẻ, thanh tra vào cuộc kết luận "than khoáng sản vi phạm pháp luật" nhưng Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó đã khẳng định rằng cách làm táo bạo trên là đúng.

Tập đoàn nên tập trung ngành chính

Nhiều lần khẳng định "ngồi tại đây là lực lượng chủ lực của nền kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chốt lại: "Chính phủ đang xây dựng Nghị định về cơ chế hoạt động của các Tập đoàn Kinh tế. Từ giờ đến cuối năm sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của 8 tập đoàn. Sẽ có khung pháp lý cho các tập đoàn hoạt động, không nên lĩnh vực nào cũng đầu tư, nên tập trung vào ngành chính".

 
"Không kiềm chế được lạm phát, đừng nói đến ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng khẳng định, không cần lập Ủy ban kiềm chế lạm phát vì Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giao ban hàng tuần với các bộ, ngành, có chuyên gia kinh tế tham dự để góp ý kiến.

Người đứng đầu chính phủ cũng giải thích, kiềm chế tăng giá không có nghĩa quay lại thời bao cấp, "sẽ có lộ trình cụ thể cho tăng giá than, điện, xi măng sau này", Thủ tướng nói.

"Chúng tôi mời các Tập đoàn, Tổng Công ty lên đây là để lắng nghe các kế hoạch cụ thể triển khai 8 giải pháp chính phủ đề ra. Kiềm chế được lạm phát vừa là làm tròn trách nhiệm với đất nước vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Ông cũng giải thích rõ hơn, về sản xuất, phải thực hiện đạt được chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, xem xét rà soát lại những dự án đầu tư kém hiệu quả, cơ cấu lại đầu tư, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, các dịch vụ tối thiểu.

Với các kiến nghị về ngân hàng, lãi suất, tỷ giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp. "Anh có một đồng vốn nhưng mở ngân hàng lấy được của xã hội thêm 13 đồng vốn. Thành lập mới các ngân hàng, quan trọng là điều kiện và tiêu chí, còn trong hay ngoài nước đều được chấp nhận. Có trong tay 100 triệu đôla và chuẩn bị nguồn lực rồi hãy nói tới chuyện lập ngân hàng", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại thông điệp: "Các Tập đoàn, Tổng Công ty kinh tế chủ lực trước hết cần giữ ổn định kỷ cương, xin tăng giá sau. Dứt khoát đảm bảo cân đối các mặt hàng trọng yếu, không đầu cơ, không tăng giá. Gốc của vấn đề là đảm bảo khả năng sản xuất của nền kinh tế. Không kiềm chế được lạm phát, đừng nói đến ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội".

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;