- Sáng 18/4, 3 Phó Chủ tịch Hà Nội lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của HĐND TP về 7 vấn đề nóng: Giải pháp kiềm chế lạm phát, lạm dụng thuốc phun trên rau, "loạn" phí trông xe, nhà siêu mỏng, siêu méo...
Không hoãn xây Bảo tàng Hà Nội
Nội dung đầu tiên mà các đại biểu HĐND chất vấn thành phố là những giải pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt việc cắt giảm các dự án, công trình đầu tư chưa bức thiết.
Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung rà soát, loại bỏ ngay các công trình chưa bức thiết được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước bị kéo dài, kém hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển (Ảnh: Phạm Hải) |
Một trong 4 công trình xây dựng cơ bản, dự án đã được bố trí vốn ngân sách bị tạm dừng là trụ sở Sở Kế hoạch Đầu tư trên đường Trần Hưng Đạo. "Thành phố quyết định tạm dừng, dù trụ sở hiện tại chật chội, quá tải, bộ phận cấp giấy phép kinh doanh còn phải đang đi thuê. Hà Nội cũng quyết định giãn tiến độ 7 dự án khác, trong năm nay sẽ cắt giảm vốn cho 102 dự án", ông Hiển nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiển, Hà Nội cũng cắt giảm 10% sử dụng điện, nước và các chi phí thường xuyên khác, đồng thời sẽ nghiên cứu cắt giảm 10% nữa. Thành phố sẽ tiết kiệm chi tiêu hành chính, hội họp, đi công tác nước ngoài và sẽ phân bổ cụ thể cho các ngành.
"Sẽ tập trung vốn điều chỉnh bổ sung vào các dự án xác định có thể hoàn thành ngay trong năm và sớm phát huy hiệu quả phục vụ KTXH: giao thông, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhu cầu an sinh xã hội và dành lượng vốn nhất định cho yếu tố trượt giá để sớm xong các dự án này", ông Hiển nói.
Trả lời đại biểu Nguyễn Việt Hưng về công trình Bảo tàng Hà Nội, ông Hiển khẳng định: "Vốn cho dự án này chỉ trong phạm vi 1.000 tỷ đồng. Bảo tàng Hà Nội có ý nghĩa văn hóa, lịch sử hết sức quan trọng. Thủ đô đã chính thức đề nghị Thủ tướng không hoãn công trình này. Thủ tướng đã đồng tình tập trung hoàn thành vào dịp 1.000 năm Thăng Long".
Lại chất vấn "loạn" phí giữ xe, nhà "siêu mỏng", công trình "rùa"
Đại biểu chất vấn (Ảnh: Phạm Hải) |
Nhiều câu hỏi phản ánh không chỉ bức xúc của cử tri Hà Nội mà của ngay chính các đại biểu HĐND, vì đây không phải là lần đầu tiên họ chất vấn lãnh đạo thành phố.
Về nạn "loạn" phí trông giữ xe máy, ô tô, đại biểu Nguyễn Minh Đạo cho hay mình cũng là nạn nhân: "Quy định của thành phố 2.000 đồng/xe máy nhưng cá nhân tôi cách đây ba ngày đến phòng công chứng số 6, phố Kim Đồng phải rút 3.000 đồng ra trả. Quy định của UBND có được cơ quan công quyền, các bãi đỗ xe tôn trọng không? Phải khẩn trương kiểm tra xử lý nghiêm".
Đại biểu Vũ Mạnh Hải bức xúc: "Giá trông giữ ô tô rất bất cập, không có niêm yết, thu phí rất tùy tiện, thành phố có biết không? Muốn lập lại trật tự phải có giải pháp gì để đảm bảo nguồn thu cho thành phố và quyền lợi dân? Chứ người ta thu 15.000, 20.000 hay 30.000 đồng thì chúng tôi vẫn phải đỗ xe, vẫn phải trả".
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho hay, sau 6 tháng phân cấp quản lý hè phố cho các quận, phường, đã có 200 điểm trông giữ xe "mọc ra" ở quận Hoàn Kiếm. Nguyên nhân thì có nhiều: lượng xe không ngừng tăng cao, quỹ đất ít, chưa có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây các bãi đỗ...
Ông Khôi cũng khẳng định năm nay, sẽ có 2 bãi xe được hoàn thành, 9 bãi khác đi vào hoạt động. Trong 2 năm tới thành phố, đồng thời Sở GTCC sẽ sắp xếp lại các điểm đỗ xe và quy định với các đồ án xây khu cao tầng "dứt khoát phải có các tầng hầm phục vụ nhu cầu để xe".
4 công trình tạm dừng:Trụ sở Sở Kế hoạch Đầu tư; Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội; Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin (giai đoạn II); Hệ thống thu gom và xử lý nước thải Hồ Tây.
Về diện tích đất bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đại biểu Nguyễn Việt Hưng thắc mắc: "Lần họp trước, tôi đã hỏi Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh về công ty chất đốt tại phường Kim Giang bị bỏ hoang, đồng chí hứa giải quyết, nhưng tôi đi qua vẫn thấy nguyên như cũ?"
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết đã trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường xuống xem xét, đang lập hồ sơ để thu hồi.
Ông Khanh cũng cho hay, từ năm 2001 đến nay, có đến 64 quyết định được Hà Nội ban hành và đã thực hiện 47 quyết định, thu hồi 4,8 triệu mét vuông đất.
Với 17 quyết định chậm thực hiện, ông Khanh nói: "Các đơn vị bị thu hồi đất phản đối, một số khiếu nại, thậm chí tố cáo để trì hoãn thi hành. Chính quyền các cấp cũng có trách nhiệm là lập hồ sơ chưa chặt chẽ nhất, nhất là trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Một số nơi buông lỏng, thiếu trách nhiệm, có nơi né tránh, đùn đẩy, thành phố phải thúc giục nhiều lần".
Đại biểu Phạm Xuân Hằng bất bình: "Những dự án đầu tư không đúng mục đích, sử dụng đất sai, bỏ hoang, là bài học kinh nghiệm cho thành phố, ngay từ đầu đã không nắm được tính khả thi dự án. Tôi không nhất trí với việc chuẩn bị kinh phí cho các đơn vị di chuyển. Để hoang hóa 5-7 năm mà lại đền bù, thành phố trả học phí không đúng chỗ, tạo điều kiện cho người ta thực hiện sai. Dứt khoát không dùng ngân sách cho việc này".
Đây cũng là bức xúc của các đại biểu HĐND Hà Nội đối với 3 công trình "rùa" được cải tạo là các công viên Đống Đa, Tuổi trẻ và Thống Nhất.
Lấy ví dụ công viên Tuổi trẻ được phê duyệt từ năm 2002, nay tiến độ dự án vẫn dậm chân tại chỗ do có nhiều vi phạm của công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội. Về quản lý đầu tư xây dựng, trong tổng số 30 hạng mục, công trình thì có 3 hạng mục không có giấy phép xây dựng, 19 hạng mục không có quy hoạch và không có phép xây dựng.
Về nhà "siêu mỏng, siêu méo" - nội dung từng bị chất vấn HĐND đến 2 lần năm ngoái, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định "nhìn chung các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được tập trung xử lí". Nhưng đại biểu Nguyễn Hoài Nam không đồng tình: "Tôi không thỏa mãn với cách triển khai xử lí nhà siêu mỏng, siêu méo. Có bao nhiêu nhà siêu mỏng siêu méo có phép và không phép, tại sao lại cấp phép? Nếu không có phép, vi phạm qui hoạch thì tại sao không xử lí được?"
Phó Chủ tịch Khôi cho hay còn đến 173 nhà siêu mỏng, siêu méo, chủ yếu là không phép do quản lí không chặt chẽ, thành phố sẽ xử lí.
Các đại biểu HĐND cũng đã chất vấn UBND về hiệu quả quá thấp của Cổng thông tin điện tử của Hà Nội, dù hoạt động từ năm 2004 nhưng chưa cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.
Cứ 5 hộ nông dân ở Hà Nôi trồng rau thì có 1 hộ phun hỗn hợp các loại thuốc theo định kỳ lên rau. Thành phố chỉ đáp ứng 40% nhu cầu rau và chỉ 8,6% trong số đó là rau an toàn. Những con số do Phó Chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh cung cấp khiến các đại biểu giật mình, tại phiên chất vấn của HĐND. Theo Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh, 60% rau cho người Hà Nội tiêu thụ nhập từ Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và cả Trung Quốc, Thái Lan. "Rau nhập về Hà Nội, theo số liệu kiểm tra tại các siêu thị, về cơ bản không đảm bảo tiêu chuẩn rau an toàn". |
-
Vân Anh