- Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM và ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP, mổ xẻ những hạn chế của đề án sau cai nghiện, thực hiện nghị quyết 16 của Quốc hội, sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp vào ngày 21/4 với nhiều ý kiến đề nghị chấm dứt thực hiện đề án.
Cần liệu sức mà làm
Ông Lê Hiếu Đằng. (Ảnh: PC) |
Tập trung ồ ạt, cho nhiều đối tượng sống lẫn với nhau dễ sinh lây nhiễm mạnh, khiến việc cai nghiện không có hiệu quả.
Mặt khác, thời gian cai nghiện quá dài. Về tâm lý, người sau cai nghiện, nhất là mới chớm nghiện, bị cách ly xã hội dễ sinh uất ức, bất mãn, dẫn tới khi ra trại dễ nghiện nặng hơn.
Cần liệu sức mà làm. TP có tham vọng đào tạo những người vừa dứt cơn thành thợ bậc 3/7 nhưng với tình trạng sức khoẻ của họ thì làm sao thực hiện được. Trong trường trại chỉ dạy nghề như bóc tách hạt điều, may đơn giản, khi về cộng đồng không áp dụng được.
Khu vực nguy cơ cao tái nghiện là không có việc làm và việc làm bấp bênh. Nhưng, đào tạo nghề chỉ là mong muốn chủ quan, không thực hiện được. Ở Nhị Xuân, một ngày người sau cai chỉ lao động được 6 tiếng. Suất ăn như vậy không đủ nâng thể lực của họ nên cứ yếu dài dài.
Chương trình này có nhiều điểm xuất phát từ ý muốn chủ quan. Theo tôi, hướng giải quyết cho ở lại trường trại để làm việc, định cư là thất bại.
Trong quá trình đi thực tế, tôi thấy, trại Phú Vân tập trung 200 người đến nay chỉ còn 31 người. Trung tâm Nhị Xuân tập trung 700 người chỉ còn một trăm mấy chục người. Nhiều người trong số này không biết đi đâu về đâu.
Ông Đặng Văn Khoa. (Ảnh: PC) |
Mục đích của TP là tốt, nhưng cách thức tổ chức chương trình sau cai nghiện có phần nóng vội, thiếu chặt chẽ. Có thể giảm chi phí nếu được nếu thực hiện chương trình chặt chẽ hơn. Cách nhìn vào chương trình chưa đủ tầm xa. Đây là chương trình ngắn hạn mà đầu tư xây dựng trường trại ồ ạt tốn kém thì 3-5 năm sau sẽ ra sao. Đây là sự lãng phí.
Chỉ là giải pháp tình thế
- Tuy nhiên, nhìn vào chương trình sau cai nghiện của TP.HCM, nhiều ý kiến đánh giá nhờ thu gom được các đối tượng nghiện, tình hình an ninh, trật tự được cải thiện rõ rệt so với khoảng 5 năm trước?
- Ông Lê Hiếu Đằng: Đây chỉ là giải pháp tình thế. Quả thực đề án bước đầu cải thiện được tình hình an ninh dưới cơ sở, trấn an nhân dân mấy năm. Nhưng, rồi cũng phải cho người cai nghiện về địa phương, và hậu quả về an ninh, trật tự của tệ nạn ma tuý quay trở lại.
TP vừa qua đã xuất hiện nhiều vụ cướp táo tợn, nguồn gốc sâu xa không phải hoàn toàn do ma tuý.
- Ông Đặng Văn Khoa: Biện pháp này mới tạo sự nhẹ nhõm trong xã hội trong một thời hạn nhất định. Có ý kiến thắc mắc, đổ gần 1.500 tỷ đồng đầu tư vào giải pháp nhưng không biết nhiều người đi đâu về đâu. Sau thời gian này, nỗi lo lại tiếp tục và bài toán rất nan giải. Cần huy động mọi người chung sức đóng góp giải pháp.
Hiệu quả lao động của những người cai nghiện rất hạn chế. (Ảnh: Tấn Thuấn) |
- Vậy, giải pháp căn cơ giải quyết tệ nạn nghiện ma tuý là gì?
- Ông Lê Hiếu Đằng: Có nhiều giải pháp thay thế cho chương trình sau cai thời gian qua. Đó là huy động gia đình, cộng đồng, sử dụng biện pháp mới: thuốc Methadone thay thế ma tuý. Điều đáng mừng là Bộ Y tế đã cho thí điểm dùng thuốc Methadone. Cần có đội ngũ cán sự xã hội ở các cơ sở động viên người cai nghiện đến áp dụng biện pháp trên.
Cần đa dạng hoá các loại hình tập trung cai nghiện, như cho tư nhân tổ chức, không nên để một mình Nhà nước ôm.
Ngoài ra, lực lượng y tế, công an, hệ thống chính trị cần vào cuộc triệt để, kiên quyết xử lý các trường hợp phạm pháp. Cương quyết chặn đứng các đường dây vận chuyển ma tuý. Từng bước kiểm soát, hạn chế, đi tới đẩy lùi tệ nạn này.
- Ông Đặng Văn Khoa: Theo kinh nghiệm khảo sát của tôi, con người đã dính ma tuý, tuy có những giây phút bừng sáng lương tâm, nhưng không thể chỉ dùng nghị lực, ý chí bản thân để thoát ra. Vì vậy, cần xem xét kỹ, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, kể cả dùng thuốc thay thế.
-
Phạm Cường (thực hiện)
Bài 2: Nhìn nhận thẳng thắn về hiệu quả của đề án sau cai nghiện (qua cuộc trao đổi giữa VietNamNet và Giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân).