221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1057875
Đề án chống ngập TP.HCM: Lo nước xa, quên lửa gần
1
Article
null
Đề án chống ngập TP.HCM: Lo nước xa, quên lửa gần
,

 - “Đừng ngộ nhận sau khi triển khai quy hoạch chống ngập nước cho TP.HCM, thành phố sẽ hết ngập” - đại diện của tổ nghiên cứu chống ngập nói. 

 

 

Sáng 24/4, báo cáo với HĐND TP.HCM về đề án chống ngập, ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nếu bản quy hoạch thủy lợi được thông qua, sẽ làm nền cho việc giải quyết vấn nạn ngập úng tại thành phố, vốn  gây ra thiệt hại từ 1.500-2.000 tỷ đồng/năm.

 

Theo ông Học, bản quy hoạch thoát nước cho TP.HCM đã được thông qua năm 2001 chưa nhìn nhận một cách toàn diện về nạn ngập úng tại thành phố. Nạn san lấp kênh rạch làm cho nhiều vùng trũng thu nước triều biến mất. Ngoài ra, ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng lên làm cho nạn ngập úng tại TP.HCM trong tương lai càng thêm nghiêm trọng. “Ngăn triều phải ngăn từ xa. Giải quyết vấn đề ngập do lũ và triều không có giải pháp nào khác là làm đê” - Thứ trưởng Học nói.  

 

tranduy

Ngập nước tại TP.HCM luôn là bài toán nan giải trong nhiều năm qua. (Ảnh: Trần Duy).

Ông Trịnh Công Vấn, đại diện tổ nghiên cứu chống ngập cho biết, ngoại trừ phần diện tích phía bắc TP.HCM có cao độ khá cao, hầu hết phần diện tích còn lại đều là vùng thấp vì thành phố nằm trong vùng hạ lưu của những con sông lớn.  

Ông Vấn chỉ rõ thêm, bản quy hoạch về thoát nước đã được phê duyệt trước đó chưa xem xét mối quan hệ giữa TP.HCM và các vùng lân cận. Quy hoạch trước đây chủ yếu quan tâm đến vấn đề ngập do mưa. Do vậy, đề án chống ngập lần này sẽ bổ sung hoàn thiện cho bản quy hoạch trước bằng cách xây dựng hệ thống kiểm soát triều, tăng diện tích chứa nước. “Tuy nhiên, đừng ngộ nhận khi triển khai quy hoạch thủy lợi thì thành phố sẽ hết ngập” - TS Vấn nói.

 

Ông Vấn cũng chỉ rõ mặt trái khi triển khai quy hoạch. Đó là làm giảm bớt mực nước sông, ô nhiễm cục bộ và ảnh hưởng đến giao thông thủy trong khi TP.HCM đang kỳ vọng nhiều vào ngành du lịch sinh thái, sông nước. “Nhưng nếu không có hệ thống kiểm soát triều thì thành phố sẽ ngập sâu hơn nữa” - ông Vấn khẳng định.

 

“Lo nước xa mà không lo lửa gần”

 

Sau khi nghe đại diện của tổ nghiên cứu đề án chống ngập trình bày, đại biểu HĐND TP.HCM Phạm Minh Trí đứng bật dậy: “Rất tiếc là vấn đề lớn, ý tưởng lớn mang tầm chiến lược chống ngập úng cho TP.HCM lại nặng về các biện pháp chống ngập úng do triều và lũ gây ra mà bỏ qua yếu tố nước mưa trong khi nước mưa là nguy cơ gây ngập thường xuyên tại TP.HCM”.

 

Ông Trí cho rằng ở TP.HCM, chỉ cần cơn mưa nhỏ kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ là thành phố sẽ ngập. “Yếu tố ngập do mưa rõ lắm rồi vì sao không xét đến mà tính chuyện xa vời mực nước biển sẽ dâng vào năm 2020? Lo nước xa mà không lo lửa gần” - ông Trí thắc mắc.

TIN LIÊN QUAN

 

Theo ông Trí, việc chống ngập tại thành phố phải bắt đầu từ các giải pháp chống ngập do mưa và lũ. Sau đó hãy tính tiếp đến phương án kiểm soát triều cường. “Chọn phương án chống ngập bằng cách kiểm soát thủy triều là không chính xác. Đừng vội vàng đề nghị cái này” - ông Trí nói.

 

Lo ngại về tình trạng “quy hoạch trước đá quy hoạch sau”, đại biểu Nguyễn Thế Dũng cho rằng quy hoạch phải khớp. Đã đến lúc các bên hoạch định đề án phải ngồi lại với nhau để có tầm nhìn xuyên suốt thống nhất. Đừng để xảy ra tình trạng quy hoạch thủy lợi “chõi” với quy hoạch đô thị.

 

Đại biểu Dũng cho rằng, TP.HCM có các con sông bao bọc nhưng chưa nghe trong đề án chống ngập đưa ra các biện pháp đối phó với thiên tai như bão, sóng thần. “Lẽ ra tất cả vấn đề này phải được đặt ra trong bản tổng thể quy hoạch. Chúng tôi chưa được nghe nên chưa yên tâm” - ông Dũng bày tỏ quan ngại. Ông Dũng còn cho rằng, những người đi sau nên kế thừa và phát triển những tầm nhìn tiến bộ về quy hoạch đô thị của thế hệ đi trước trong quá trình xây dựng phát triển Sài Gòn-TP.HCM trong vòng 300 năm qua.

 

Hướng thoát

 

Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu băn khoăn về quy chế triển khai bản quy hoạch và mối tương tác lẫn nhau với các bản quy hoạch thuộc các lĩnh vực khác. Theo ông Nghĩa, ý đồ của bản quy hoạch thủy lợi phục vụ cho công tác chống ngập tại TP.HCM là nhằm tạo ra một hệ thống nhân tạo khép kín khổng lồ với các loại cống, kênh để điều tiết nước. Với quy mô rộng lớn như vậy, liệu TP.HCM sẽ làm được gì nếu không có sự phối hợp với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.

 

“Nếu làm bản quy hoạch này xong mà không tương tác với quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thì liệu có phát triển được kinh tế thành phố không? Nội chuyện đào đường, điện nước nói nhiều, nói mãi từ 4-5 năm nay rồi; các ngành cũng ngồi lại với nhau rồi nhưng có giải quyết được gì đâu” - đại biểu Nghĩa băn khoăn.

tranduy
Ở TP.HCM, năm sau ngập sâu hơn năm trước. (Ảnh: Trần Duy).

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến phản biện của các đại biểu nhằm hoàn chỉnh đề án trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo kết luận giải quyết nạn ngập lụt là bài toán khó. Hiện nay, thành phố còn hơn 100 điểm ngập, trong đó có 61 điểm, khu vực nằm trong nội thành ngập dài từ năm này sang năm khác.

Theo bà Thảo, kết hợp được các phương án xử lý các yếu tố ngập do mưa, triều cường và lũ mới mong giải quyết căn cơ được nạn ngập nước. Bà Thảo nói rất vui mừng vì Bộ NN&PTNT xắn tay vào thực hiện đề án và hy vọng đề án sớm được hoàn chỉnh để việc chống ngập của thành phố căn cơ hơn, tạo niềm tin cho người dân. “Thực tế đã có nhiều cuộc họp, nói đi nói lại nhưng không thấy lối ra. Đề án này đã mở ra hướng thoát với lộ trình tích cực. Dù có đầu tư 500-700 triệu USD hay 4 tỉ USD đi chăng nữa mà giải quyết được căn cơ thì vẫn tốt hơn” - bà Thảo nói.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>