221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1058265
Mặt trận Tổ quốc miễn cưỡng đồng ý mở rộng Hà Nội
1
Article
null
Mặt trận Tổ quốc miễn cưỡng đồng ý mở rộng Hà Nội
,

 Sửng sốt, lo lắng, băn khoăn, tán thành có mức độ... là cảm giác chung của các đại biểu dự Hội nghị đóng góp ý kiến vào phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được Ủy ban trung ương MTTQ tổ chức sáng 26/4.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn về việc mở rộng Hà Nội và của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính về định hướng quy hoạch Thủ đô, các đại biểu dự hội nghị thấy "chưa đủ sức thuyết phục".

Bộ Nội vụ cần quan tâm"chỗ đứng, chỗ ngồi" cho cán bộ

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Vũ Trọng Kim: "Người dân nói đồng ý hợp nhất với Hà Nội nhưng phải quan tâm cách làm". Ảnh: VA

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, phương án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu nhiều năm. HĐND đại diện cho nhân dân các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và thành phố Hà Nội đã thảo luận và ra nghị quyết tán thành. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã thảo luận, nhất trí thông qua phương án, Bộ Chính trị đồng ý.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Vũ Trọng Kim cho hay, cách đây ít ngày đã cùng một đoàn MTTQ về Hà Tây. "Người dân nói đồng ý hợp nhất với Hà Nội nhưng phải quan tâm cách làm. Tại sao dân không được hỏi ý kiến?", ông Kim nói.

Ông Kim phản ánh những băn khoăn có thật của người dân Hà Tây: "Đã có 7 lần nhập vào rồi tách ra, lần lâu nhất 6 huyện nhập vào Hà Nội trong 12 năm, liệu lần này nhập vào có được lâu dài không? Sẽ nông thôn hóa thành thị, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên. Bộ máy trước mắt nhập vào không loại được ai, cấp phó sẽ nhiều lắm, cán bộ Hà Tây nói sẽ có sở có 15 phó vì mới nhập một số sở với nhau, nay lại nhập tiếp với Hà Nội. Làm sao phải để dân không thấ y bộ máy cồng kềnh, sách nhiễu".

GS Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của MTTQ cho rằng lý lẽ đưa ra để mở rộng Hà Nội là "chưa thuyết phục" do chưa có cơ sở khoa học, kinh tế rõ nét. Ông đặt một loạt câu hỏi cần "phải trả lời cho dân": "Có phải do dân số đông mà mở rộng không? Hay là muốn đẩy mạnh khoa học, kỹ thuật thì nhất thiết phải mở rộng? Khi mở rộng rồi, sẽ có lợi ích thế nào với các khu vực kinh tế của đất nước? Hay là lại gây khó khăn?"

Lấy ví dụ về việc từ nhiều năm nay, không trường đại học nào muốn lên Hòa Lạc dù có quy hoạch thành khu đại học được Nhà nước đầu tư cả nghìn tỷ đồng, ông Bách thẳng thắn: "Không mở nhà máy, xí nghiệp được ở Hà Nội thì doanh nghiệp đi chỗ khác ngay và vẫn đẩy mạnh được kinh tế đất nước. Xu hướng thế giới là mở rộng các thành phố vệ tinh chứ không tập trung vào một thành phố thật lớn".

"Đừng nghĩ cứ Thủ đô là phải có GDP cao nhất nước hay phải có 3 - 4 sân bay. Quan điểm này hơi duy ý chí, giống như với chỉ tiêu tăng trưởng hay lạm phát vậy", Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế nhấn mạnh.

Xu hướng thế giới là mở rộng các thành phố vệ tinh chứ không tập trung vào một thành phố thật lớn.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Nguyễn Túc cho rằng dân đồng tình nhiều với chủ trương mở rộng Hà Nội vì "nghiễm nhiên thành dân Thủ đô, đất thì tăng giá. Nhưng cán bộ thì chưa chắc".

"Phải giải quyết êm vấn đề cán bộ. Lo nhất là trong tình hình lạm phát, lại chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đội ngũ cán bộ án binh bất động vì mất đoàn kết. Thời hạn Chính phủ đưa ra là 1/7/2008 để bộ máy chính quyền mới đi vào hoạt động nghe chừng đơn giản quá, cần có bước đi phù hợp. Bộ trưởng Tuấn cần chú ý "chỗ đứng, chỗ ngồi" cho cán bộ chủ chốt, nhất là trong tình hình hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất", ông Túc lo lắng.

Thay đổi lớn có nên quyết định đột ngột?

Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ nhận xét, thời gian quá ít và không đủ thông tin để có ý kiến chất lượng: "Đóng góp ở đây cũng chỉ là biểu thị tấm lòng. Mấy hôm nữa chắc Quốc hội cũng biểu quyết thôi, nhưng nếu chỉ làm việc với cái "chắc" đó thì hiệu lực quản lý thế nào? Phải làm sao hiệu quả, hiệu lực, tiết kiệm. Kinh nghiệm những lần tách nhập, mục tiêu không tăng biên chế, không tăng kinh phí không bao giờ thực hiện được cả. Nếu cứ đất chật người đông mà lấy đất của tỉnh khác thì tỉnh nào cũng có thể làm như vậy, xã nào chật cũng lấn luôn xã khác".

“Vùng rau xanh của Hà Tây lâu nay chủ yếu phục vụ Thủ đô Hà Nội và các đô thị vùng phụ cận của các tỉnh. Nay chính quyền Hà Nội mới sẽ trực tiếp quản lý, sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân Thủ đô.

Tỉnh Hà Tây có nhiều làng nghề truyền thống, Thủ đô Hà Nội cũng có nhiều làng nghề truyền thống. Nay chính quyền Hà Nội mới sẽ có một chính sách, chủ trương phát triển chung chắc chắn giữ được “bản sắc truyền thống” đồng thời có điều kiện phát triển hơn”.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày trước Ủy ban trung ương MTTQ

Phó Chủ tịch MTTQ Cư Hòa Vần cũng nhận xét cách Chính phủ lấy ý kiến MTTQ "quá cập rập": "Hôm qua chúng tôi nhận được giấy mời, hôm nay đến mới có tài liệu thì phát biểu chỉ là ngẫu hứng thôi".

"Tôi đã nghiên cứu luật rồi, không có luật nào nói HĐND có quyền quyết định sáp nhập anh khác vào mình. Không hỏi ý kiến nhân dân là không phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tối thiểu cũng phải làm điều tra xã hội học chứ. Dân còn có quyền dân chủ trực tiếp chứ không phải lúc nào cũng chỉ thông qua đại diện là MTTQ, HĐND hay Quốc hội".

Một băn khoăn nữa của ông Cư Hòa Vần là sự bất lợi khi "khoảng cách giàu - nghèo giữa 3 dân tộc Kinh, Dao, Mường sống ở Thủ đô sẽ rất xa". "Tôi tán thành mở rộng Hà Nội nhưng tán thành có mức độ", ông Vần nói.

Dù không phải là người Hà Nội "gốc" nhưng GS Phan Đình Diệu không giấu cảm giác sửng sốt như các đồng nghiệp trong giới khoa học trước chủ trương mở rộng Thủ đô. Ông cho hay, mọi lý do đưa ra đều không có sức thuyết phục: "Thay đổi to lớn có nên quyết định đột ngột hay không? Mọi vận động đều phải có quá trình tiến hóa để thích nghi về xã hội, môi trường... Tiến một ít nhưng đổ vỡ ít thì dễ sửa chữa, ham một bước tiến thật lớn nhưng nếu đổ vỡ sẽ khó khắc phục".

"Một thành phố không phải cứ tách riêng các khu hành chính, đại học, khoa học... riêng ra mới là tiện đâu, mà chính sự liên kết hữu cơ, đan xen nhau mới tạo thuận lợi. Nước ta dù công nghiệp hóa nhưng vẫn nên giữ một nền nông nghiệp truyền thống, giữ một thành phố có màu xanh ruộng đồng xung quanh có lẽ cũng là niềm tự hào. Hà Nội đâu nhất thiết phải là New York, Washington mà hãy mãi mãi là Hà Nội", GS Phan Đình Diệu nói.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,