- "Những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Chính phủ thời gian qua là nguyên nhân trực tiếp làm cho những yếu kém vốn có của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn và tác động sâu rộng hơn", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, QH khóa XII sáng 6/5, khi báo cáo về việc phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Bấm vào đây để xem toàn văn Báo cáo của Thủ tướng
Chính phủ thừa nhận quản lý yếu kém
Người đứng đầu Chính phủ giải trình rõ, những bất cập trong quản lý, điều hành thể hiện ở năm vấn đề.
Thủ tướng thẳng thắn, cuối 2007, trong khí thế lạc quan chung về những thành tích đạt được, vẫn nhìn nhận nhiều về thời cơ thuận lợi hơn là phân tích những thách thức. Ảnh: VNA
Thứ nhất, việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007 đã làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát. Thắt chặt tiền tệ để ưu tiên kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng một số biện pháp xử lý chưa thật đồng bộ, thiếu phối hợp đã làm nảy sinh thêm khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc quản lý nhà nước với hoạt động của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, đặc biệt trong kiểm tra, giám sát hoạt động các ngân hàng thương mại còn kém hiệu quả, để các ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản, sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
"Cuối 2007, trong khí thế lạc quan chung về những thành tích đạt được, vẫn nhìn nhận nhiều về thời cơ thuận lợi hơn là phân tích những thách thức".
Nguyên nhân thứ hai, theo Thủ tướng, chi đầu tư từ khu vực nhà nước vẫn còn lớn nhưng hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 5% đã được giữ liên tục trong nhiều năm trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nhưng chưa đặt ra kế hoạch phấn đấu giảm dần bội chi, vì vậy đã không tạo ra được áp lực đối với việc kiểm soát và tiết kiệm chi tiêu ngân sách.
Thứ ba, vai trò nhà nước trong quản lý thị trường (trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản) còn yếu kém, chậm đề ra chính sách thích hợp.
Thứ tư, công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức, đặc biệt là năng lực tham mưu tổng hợp kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành.
Thủ tướng thẳng thắn, cuối 2007, trong khí thế lạc quan chung về những thành tích đạt được, vẫn nhìn nhận nhiều về thời cơ thuận lợi hơn là phân tích những thách thức.
Việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007 đã làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát. (Số liệu theo Báo cáo Chính phủ 6/5/2008) |
Nguyên nhân cuối cùng, theo Thủ tướng là do chưa có sự giải trình rõ ràng trước những diễn biến mới và khi ban hành các chính sách, giải pháp nhạy cảm nên đã gây ra trạng thái lo âu cho toàn xã hội.
"Những yếu kém trong quản lý của Chính phủ cùng với những yếu kém nội sinh của nền kinh tế đã làm cho kinh tế nước ta bị tổn thương. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận sâu sắc khuyết điểm trong điều hành", Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp lấn sang ngân hàng, chứng khoán
Thống nhất mục tiêu cấp bách của 2008 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng đề nghị QH xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống mức 7%.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại một số nhiệm vụ cấp bách gấp rút thực hiện trong 8 tháng còn lại.
Yêu cầu khẩn thiết nhất là thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ hiệu quả theo hướng tiết kiệm chi, đặc biệt chi thường xuyên và kiểm soát đầu tư công, giảm dần bội chi ngân sách.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Thực hiện nghiêm việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trừ các khoản chi liên quan đến người lao động theo chế độ quy định, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cấp bách và giảm tối thiểu 10% mức sử dụng xăng dầu, điện nước, vé máy bay. Rà soát để cắt giảm khoảng 25% các khoản chi liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 2008 và việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ sẽ được xem xét ở thời điểm thích hợp".
Đồng thời, phấn đấu thu ngân sách 2008 vượt dự toán tối thiểu 5%, dành toàn bộ các khoản vượt thu để bổ sung dự phòng ngân sách, ưu tiên chi cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bù giá xăng dầu và bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt thời gian tới sẽ rà soát các dự án do DN nhà nước triển khai đầu tư, kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, đặc biệt "lấn" sang tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải báo cáo Thủ tướng kế hoạch thực hiện cụ thể việc rà soát điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, xử lý nghiêm trường hợp sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Về tiền tệ, Thủ tướng khẳng định trước QH sẽ kiểm soát chặt việc tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng nhưng phải bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động lành mạnh của ngân hàng.
"Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ việc thành lập mới, mở thêm chi nhánh ngân hàng đảm bảo việc tuân thủ các quy định về phát hành cổ phiếu, cho vay đúng mục đích, đối tượng", Thủ tướng nói.
Đại biểu trao đổi bên hành lang phiên họp (Ảnh: VA) |
Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu. "Yêu cầu ủy ban nhân dân các cấp phải nắm tình hình và cung ứng lương thực kịp thời, không để xảy ra khan hiếm cục bộ, ngăn chặn bằng được đầu cơ"
Thủ tướng cũng nói rõ, do được bù giá nên giá cả nhiều mặt hàng trong nước thấp hơn giá thế giới, vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời kiểm soát giá bán các hàng hóa và dịch vụ độc quyền.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008 đã xuất khoảng 80.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho hộ thiếu đói và thiên tai, mức trợ cấp cao nhất từ trước đến nay. Điều này nhằm giảm thiểu tác động tăng giá đến những đối tượng dễ bị thương tổn trong quá trình phát triển như người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, dịch bệnh, để người nghèo được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng.
"Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, đồng thời mở rộng thêm các chính sách mới cấp bách", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cơ bản, lâu dài, chẳng hạn rà soát cắt giảm các loại phí thu của nông dân, thực hiện chương trình QG về nhà ở...
Để người nghèo được hưởng thành quả tăng trưởng
Người đứng đầu Chính phủ cũng trình ra QH chín giải pháp có tính lâu dài nhằm tạo lập tiền đề cho tăng trưởng bền vững.
Theo đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Thời gian tới, công tác quy hoạch sẽ chuyển mạnh theo hướng coi trọng hơn các chỉ tiêu chất lượng, đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút mạnh các dự án đầu tư công nghệ cao.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định cần tạo mọi điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường "Sẽ hoàn thiện thể chế luật pháp và cơ chế quản lý để xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh".
Cùng với kế hoạch chuẩn bị đề án về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình QG đối phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách và mở rộng mạng lưới an sinh để người nghèo được thụ hưởng hợp lý thành quả tăng trưởng.
Thủ tướng cũng cam kết, sẽ đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và bảo đảm an ninh chính trị tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.
"Cần bình tĩnh, thận trọng phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, mặt khác phải tận dụng tối đa những thời cơ mới xuất hiện", Thủ tướng nói.
-
Lê Nhung - Vân Anh