221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1061247
Cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ về lạm phát
1
Article
null
Đại biểu QH thảo luận tổ :
Cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ về lạm phát
,

 - Thảo luận ở tổ chiều 6/5, nhiều đại biểu QH cho rằng, Chính phủ tỏ ra lúng túng trước những biến động trong thời gian vừa qua. Đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, thậm chí của cá nhân các Bộ trưởng trong việc để xảy ra lạm phát.

Mô tả ảnh.

Đại biểu Phạm Thị Loan: Các giải pháp kiềm chế lạm phát mới chỉ dừng ở xử lý tình huống, chưa triệt để, lâu dài. (Ảnh: VA)

"Không thể thỏa hiệp mãi"

Đại biểu Phạm Thị Loan, đoàn Hà Nội bày tỏ: "Tôi thấy mừng vì Chính phủ đã nhận ra nhiều thiếu sót, những yếu kém của nền kinh tế, tuy nhiên, các giải pháp đưa ra mới chỉ dừng lại ở trạng thái xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt chứ chưa triệt để, lâu dài".

Sau khi "hiến kế" cho Chính phủ "cần xác định các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để có chiến lược ưu tiên đúng, phân bổ chính sách phù hợp", bà Loan bức xúc: "QH phải bàn thật sâu vấn đề các tập đoàn kinh tế đã bỏ một lượng vốn lớn của Nhà nước vào bất động sản và chứng khoán, trong khi đó không phải là chức năng của họ. Chính phủ phải kiểm tra xem họ mua vào mấy "chấm", nay không còn "chấm" nào thì lỗ bao nhiêu, ai chịu".

Không khí ở tổ Hà Nội mỗi lúc một nóng khi đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) hỏi: "Thị trường chứng khoán là một thất bại thảm hại, lỗi quản lý thuộc về ai? Báo cáo Chính phủ nêu các khó khăn khách quan như thị trường thế giới, thiên tai... Nhưng chả lẽ cứ lấy lý do mãi như thế?".

Ông Đào thẳng thắn: "Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát là gì, trách nhiệm các bộ, ngành, thậm chí của cá nhân các Bộ trưởng ra sao, không thể cứ thỏa hiệp thế này mãi".

"Chính phủ tỏ ra lúng túng trước những biến động trong thời gian vừa qua, mà chủ yếu do dự báo kém. Chúng ta có đủ các viện nghiên cứu nhưng không dự báo nổi biến động, có lẽ phải đầu tư nhiều vào công tác này", ông Đào đề nghị.

Ở tổ Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy) cũng có cùng nhận định này: "Dự báo của Chính phủ còn quá yếu". Ông Thanh đề xuất lập Ủy ban khẩn cấp về tình hình giá cả.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc cũng cho rằng Chính phủ đã "thiếu nhanh nhạy trong điều hành", các nhà nghiên cứu thì "chủ quan, phản biện không kịp thời, cảnh báo không mạnh mẽ" khiến lạm phát tăng cao.

Ở tổ đại biểu tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận yếu kém trong công tác dự báo. Tuy nhiên, ông cho rằng đất nước đang ở trong tình trạng lạm phát cơ cấu.

"Tình trạng này diễn ra từ trước đến nay rồi. Trong ngành dược, chỉ có 50% sản phẩm được sản xuất trong nước, trong số đó có tới 80% nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Việt Nam hiện đang nhập 100% dầu, trong khi phải xuất dầu thô do không có nhà máy lọc dầu", ông Hùng nói.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học để điều chỉnh giảm GDP xuống mức 7%. Đại biểu Phan Đức Hưởng đề nghị sau khi các đại biểu QH góp ý về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, QH nên tiến hành lấy ý kiến đại biểu một lần nữa bằng hình thức phiếu thăm dò để vấn đề được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Lý giải về con số 7%, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là mức điều chỉnh hợp lý sau khi đã xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan. Trong đó xuất khẩu là nhân tố chủ yếu với mức tăng 22 - 25%, chiếm 60% tổng thu ngân sách Nhà nước.

"Ít nhất đến hết năm 2008, sang năm 2009, kinh tế nước ta mới đi lên được và mức lạm phát sẽ giảm ngang bằng năm 2007. Sang năm 2010, kinh tế nước ta sẽ ổn định và lạm phát sẽ giảm xuống 1 con số", ông Hùng dự báo.

Toa thuốc đã có nhưng các bộ có uống?

Đồng tình với các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát Chính phủ nêu vào buổi sáng nhưng Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch đề xuất phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng bộ, đặc biệt Bộ Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lịch nhấn mạnh, báo cáo Chính phủ có những dòng "giật mình" khi nhận định về chính sách tiền tệ đã gây áp lực trực tiếp lên lạm phát "nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm".

Hoặc, đầu năm, Bộ Công thương khẳng định nhập siêu vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng mới 4 tháng đã nhập siêu trên 11 tỷ đô la. "Nhập như vậy không dự trữ ngoại tệ nào chịu nổi, vậy mà vẫn nói đang trong tầm kiểm soát?". 

Ông Lịch gay gắt: "Từ đầu năm tới nay, đã có khá nhiều nhóm giải pháp, nhưng vai trò nhạc trưởng phát huy đến đâu? Các tổ chức quốc tế đều thừa nhận toa thuốc đã có nhưng các bộ có uống không và uống có đúng liều hay không?".

Theo ông, nếu không giải trình rõ trách nhiệm thì Thủ tướng có nhận lỗi về 5 yếu kém cũng không có mấy ý nghĩa.

Tán đồng ý kiến này, Tổng giám đốc Co.op Mart Nguyễn Ngọc Hòa  cũng khẳng định: "Chính phủ nên quy rõ địa chỉ, bộ, ngành, địa phương nào phải chịu từng trách nhiệm khi để xảy ra lạm phát".

"Vì sao điều hành Chính phủ lại là nguyên nhân chủ quan, trực tiếp? Nên nói rõ, cụ thể hơn về trách nhiệm của các thành viên bộ, ngành có liên quan đã dẫn đến điều hành yếu kém", Trưởng đoàn ĐBQH Trần Hoàng Thám bổ sung.

Ông Nguyễn Việt Dũng, GĐ Bưu điện thành phố thì nhấn sâu vào vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.

"Trong khi ngân hàng đang có động thái rút tiền về thì có 50.000 tỷ của Kho bạc Nhà nước lại đang cho vay ở đâu đó, không thấy vai trò nhạc trưởng trong điều hành tiền tệ tài chính quốc gia. Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm hết nhưng trách nhiệm cụ thể thế nào? Hay thậm chí, vai trò bộ, ngành trong phát triển công nghiệp phụ trợ, nói mãi rồi, nhưng cụ thể ai bắt tay vào, ai sẽ làm gì lại chưa rõ", ông Dũng bức xúc.

Hiệp hội Lương thực đứng đâu, Bộ Công thương ngủ chỗ nào?

Mô tả ảnh.

Nhiều tập đoàn đã được Nhà nước ưu đãi quá nhiều. Tại sao không nghiêm cấm luôn để họ không còn dám đem tiền của dân làm những việc theo ý muốn của một nhóm người? (Ảnh: LN)

Kiến nghị Chính phủ làm rõ vấn đề các tập đoàn nhà nước thay vì làm việc của mình lại ném hàng trăm ngàn tỷ sang lĩnh vực khác, ông Trần Du Lịch bức xúc: "Đề nghị CP chấm dứt bảo lãnh tín dụng, bao cấp cho tập đoàn nhà nước. Chẳng hạn riêng Vinashin đã được bao cấp vay 750 triệu đôla vốn trái phiếu". 

Theo ông Lịch, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để tái cấu trúc tín dụng, cắt giảm những khoản tiền bất hợp lý đầu tư vào bất động sản, ngân hàng đầu tư cho những lĩnh vực thiếu vốn là chủ trương hợp lý, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy vì "Những anh nợ nần lôi thôi thì chưa thu hồi được vốn, còn những anh thiếu vốn kêu mấy vẫn thiếu".

Đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh dứt khoát: "Nhiều tập đoàn đã được Nhà nước ưu đãi quá nhiều, Chính phủ đã nhận ra nhưng chỉ nói "kiểm soát chặt chẽ" việc đầu tư không đúng ngành nghề. Tại sao không nghiêm cấm luôn để từ nay họ không còn dám đem tiền của dân làm những việc theo ý muốn của một nhóm người?".

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu đưa ra con số, trong đợt sốt gạo "ảo" vừa qua, một đại lý bán gạo "khoe" mỗi ngày kiếm được 400 triệu đồng tiền lãi, người buôn bán lẻ chí ít cũng thu được 50 triệu. "Sở dĩ tôi biết rõ điều này là vì nhà tôi cũng là đại lý bán gạo", ông Hữu giải thích.

Đại biểu này khẳng định, giá tăng nhưng thực chất người dân không hề được hưởng lợi, "vậy khi giá gạo tăng, Hiệp hội Lương thực đứng ở đâu, Bộ Công thương ngủ chỗ nào?", ông Hữu bức xúc.

Ông Hữu kiến nghị Chính phủ phải có tiếng nói mạnh mẽ, đánh giá tổng thể về tất cả chương trình nhà nước về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. "Giá gạo tăng có thể xem như một tiếng sét, để Chính phủ có thể thức tỉnh trong thái độ đối xử với nông dân". 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Quốc hội sẽ mổ xẻ trách nhiệm từng cá nhân

Nhiều ý kiến cho rằng trong bộ máy Chính phủ có những chi tiết chưa sẵn sàng để đối phó với những cú sốc lớn đối với nền kinh tế, ví dụ như năng lực điều hành tiền tệ và năng lực dự báo. Quan điểm của ông?

Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này. Trong báo cáo, Thủ tướng cũng đã đề cập đến. Tôi tin rằng sắp tới Chính phủ, cũng như toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta nên rà lại từng khâu, từng chi tiết cụ thể trong bộ máy, từng con người cụ thể để điều chỉnh, nâng cao năng lực điều hành đất nước.

Dường như chức danh lãnh đạo ở một số bộ, ngành chưa được chuẩn bị kỹ nên chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều người cho rằng năng lực của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có vấn đề nên để xảy ra những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ?

Sự đời khó có cái gì cũng hoàn hảo cả, không có cái gì mười phân vẹn mười được. Trong quá trình điều hành, mọi tổ chức và cá nhân cần đánh giá mình để khắc phục mặt yếu và phát huy mặt tốt.

Chính phủ nhận trách nhiệm trong báo cáo có khái quát quá không?

Chính phủ nhận trách nhiệm khái quát. Còn đối với trách nhiệm cụ thể ở từng bộ, từng ngành, từng cá nhân thì các đại biểu QH sẽ mổ xẻ chi tiết.

  • Lê Nhung - Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;