- Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng sắp tới không nên tiếp tục duy trì mức bội chi ngân sách 5% như lâu nay.
Chỉ thấy Thủ tướng nhận lỗi, chưa thấy trách nhiệm Bộ trưởng
- Báo cáo Chính phủ trước QH sáng nay, Thủ tướng thừa nhận trong khí thế lạc quan chung về thành tích đạt được, vẫn nhìn nhận nhiều về thời cơ thuận lợi hơn là phân tích thách thức trong khi thực tế sốt giá và chính sách tiền tệ đã được đại biểu QH cảnh báo quyết liệt từ kỳ họp trước. Phải chăng những cảnh báo này vẫn chưa tới?
ĐB Trần Du Lịch
Về khả năng dự báo, chính Thủ tướng cũng đã thừa nhận là còn chưa tốt, nhưng về khách quan, cho tới nay, chưa có một tổ chức quốc tế nào dự báo được rằng tình hình quốc tế đầu năm 2008 tồi tệ và nghiêm trọng đến như vậy.
Không ai ngờ sự phá sản thị trường bất động sản Mỹ lại có ảnh hưởng đến tình hình tài chính thế giới chung mạnh như vậy. Chưa tính, thị trường nhiên liệu, kim loại và lương thực tăng cao nhất trong 40 năm qua.
Đại diện của IMF cũng nói rằng, tuy có mường tượng ra tình hình nhưng không thể hình dung hết và sắp tới cũng không biết dự đoán thế nào. Chỉ biết cả nền kinh tế thế giới đang đi vào mắt bão.
Tuy nhiên ở đây có vấn đề về sự chủ quan trong điều hành, có sự lơi lỏng trong quản lý tín dụng và chưa dự kiến hết dòng vốn đầu tư gián tiếp.
- Nhưng Chính phủ cũng đã thừa nhận trước QH những yếu kém trong quản lý, điều hành. Ông đánh giá điều này thế nào?
Từng ngành đều có bộ trưởng đứng đầu, vậy trách nhiệm những vị bộ trưởng này đến đâu, tại sao lại để xảy ra tình trạng lạm phát? Thủ tướng đã nêu 8 nhóm giải pháp từ tháng ba. Nêu như vậy hoàn toàn đúng tình hình nhưng cần phải nói rõ hơn từng giải pháp. Người ta thấy Thủ tướng nhận lỗi hết mà không thấy bóng dáng bộ trưởng ở đâu.
Nếu buông tăng trưởng sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội
Nhiều năm qua, ĐBQH luôn kêu ca tình trạng chi vượt dự toán, thâm hụt ngân sách nhưng vẫn bỏ phiếu thông qua tỷ lệ bội chi ngân sách 5%. Trong bối cảnh lạm phát, ĐBQH có nên cân nhắc lại vấn đề này?
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Cao Sĩ Kiêm": "Chúng ta chỉ chấp nhận bội chi 5% trong điều kiện kinh tế thế giới ổn định. Nhưng vì chúng ta có nhiều căn bệnh mãn tính, nền kinh tế yếu, cơ cấu kinh tế chưa đủ mạnh nên trái gió, trở trời là hắt hơi, sổ mũi ngay".
- Quan điểm của tôi là không nên lấy mốc bội chi ngân sách 5%. Nếu cách đây 5 năm, GDP thấp, tỷ lệ bội chi như vậy là đúng nhưng đến nay tình hình đã thay đổi nhiều.
Vấn đề là tính toán nhu cầu và hiệu quả đầu tư. Phải tính toán được là bội chi cái gì, ở đâu, nên theo tỷ lệ thế nào, dự án nào cần làm và nên tính ra tiền.
Chính phủ vừa đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 - 9% xuống 7%. Theo ông liệu có nên ấn định một con số cứng như vậy?
- Mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng nên đặt ra một chỉ tiêu nào đó để làm sao phấn đấu huy động được tối đa nhiều nguồn lực còn rải rác trong xã hội. Không nên vì ổn định vĩ mô mà buông trôi. Khi buông tăng trưởng sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề xã hội.
Về lạm phát, tôi kỳ vọng năm nay có thể kiềm chế ở mức dưới 15%, năm tới dưới 10% và dần dà là 5 - 6%...
Đang có nhiều lo ngại cho là sau tháng 6 tới, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác sẽ đồng loạt tăng giá. Các đại biểu Quốc hội sẽ có kiến nghị gì với Chính phủ để xử lý tình huống này?
- Chính phủ đã cam kết không tăng giá dầu, nhưng hiện nay giá dầu đang ở mức 120 đô la/thùng, sắp tới lên đến 150 đô la/thùng và cũng chưa biết sẽ đi đến đâu. Chính phủ cũng không thể mãi mãi tạo ra vùng trũng, bù giá để dẫn đến các hiện tượng buôn lậu.
Còn cam kết kiềm giữ giá đến tháng 6 là xem xét trong tương quan tình hình thế giới. Còn sau đó có diễn biến mới sẽ tiếp tục đối phó, chẳng hạn giá dầu mà tăng đột biến, phải tính xem bù đến cỡ nào còn lại sẽ phải đưa ra thị trường. Thủ tướng đã nhấn mạnh, trong trường hợp xấu, cả nhà nước, DN và người dân đều phải cùng chia sẻ.
Chính phủ cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ giá bán các hàng hóa và dịch vụ độc quyền, ông thấy điều này khả thi đến đâu trong bối cảnh này?
- Không thể giải quyết ngay trong năm nay mà độc quyền cần phải giải quyết có lộ trình. Nhưng trước mắt cần chấm dứt tình trạng chính phủ bảo lãnh vay tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà Vinashin là một điển hình.
Thâm hụt ngân sách ở VN hiện nay đã tới mức đáng báo động. Theo số liệu chính thức, thâm hụt ngân sách nước ta hiện nay là 5% GDP (bao gồm cả tiền trả nợ gốc và không bao gồm các khoản chi ngoài dự toán). Nhưng theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á thì thâm hụt ngân sách của Việt Nam, theo cách tính quốc tế, không bao gồm tiền trả nợ gốc nhưng bao gồm các khoản chi ngoài dự toán, lên tới 7%. Không những thế, thâm hụt ngân sách của VN trong mấy năm trở lại đây luôn được duy trì ở mức cao, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2007.(TS Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright).
-
Lê Nhung (thực hiện)