- Ông Nguyễn Thành Công, chuyên viên Bệnh viện Bình Triệu (TP.HCM), người có 27 năm trực tiếp điều trị cai nghiện, cho rằng, đề án hậu cai nghiện giải quyết vấn đề nghiện ma tuý "phi khoa học, phi văn hoá, không căn cơ, giống như đặt cái cày đi trước con trâu".
"Lực lượng cán sự xã hội sẽ giúp lớp người trẻ định hình một nếp sống đúng, giúp người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện giành lại cái đã mất là nhân cách và hoài bão để trở lại bình thường" - ông Công nói.
"Dù dạy bao nhiêu nghề cũng không làm được"
- Thưa ông, đội ngũ cán sự xã hội hiện tại có thể thay thế hình thức tập trung sau cai nghiện được không?
- Nếu đội ngũ này vào cuộc ngay bây giờ thì vẫn có hiệu quả, dù chưa đủ. Đợi lực lượng này đủ giỏi thì biết đến bao giờ. Ngay cả lực lượng giáo dục viên trong các trung tâm cai nghiện cũng vừa làm vừa học. Lực lượng cán sự xã hội cơ bản đã được tập huấn ít nhất một khoá, nhiều người từng là thành viên MTTQ nên đã nắm cơ bản các vấn đề xã hội.
"Khi con người không còn chú tâm (do nghiện ma tuý) thì dù dạy bao nhiêu nghề cũng không làm được". (Ảnh chụp tại Trung tâm Nhị Xuân: Thanh Mận)
Trên 2/3 lực lượng cán sự xã hội có thể đảm đương được việc này. Chỉ cần khơi dậy, tập hợp, cung cấp cho họ thông tin hai chiều bằng giao ban nghiệp vụ hằng tuần, thì họ sẽ làm tốt.
Có những quận làm tốt công tác này như quận 5, 11, 3, 1, 4, Bình Thạnh.
Nên coi người nghiện ma tuý là người mang tật chứ không phải người mang bệnh. Tật này không có thuốc chữa mà phải chữa bằng các giải pháp xã hội. Giải pháp tạo việc làm chỉ cái đuôi, là điều kiện có và đủ.
Khi con người không còn chú tâm (do nghiện ma tuý) thì dù dạy bao nhiêu nghề cũng không làm được.
Cái mất lớn nhất của người nghiện là hoài bão, ước mơ. Người nghiện cần được phục hồi về nhân cách, đạo đức. Cán sự xã hội giúp họ lấy lại, phục hồi những thứ đã mất đó.
VN có đặc thù là có tổ dân phố, ban điều hành khu phố mà nhiều nước không có. Các nước phương Tây không có mà còn làm cai nghiện cộng đồng được, tại sao nước ta không thể làm?
- Cụ thể, các cán sự xã hội tại cộng đồng làm những gì để giúp cai nghiện, phòng chống nghiện hiệu quả?
- Hoạt động của lực lượng này gắn liền với chủ trương của cấp uỷ và UBND địa phương. Họ nắm được danh sách người nghiện trở về cộng đồng, người nghiện đang có nguy cơ nghiện nặng phải chữa trị tại cộng đồng, người nghiện phải cách ly cộng đồng để đi chữa trị.
Họ có nhiệm vụ xem xét các vấn đề xã hội tại cộng đồng dân cư chứ không riêng ma tuý để can thiệp, hỗ trợ, trên cơ sở nắm bắt hoàn cảnh nhân thân của từng người. Tuỳ bệnh lý của mỗi người, họ can thiệp với cấp uỷ, UBND địa phương chọn phương án chữa trị tại cộng đồng hoặc đưa đi tập trung. Đối với đối tượng tái hoà nhập cộng đồng, họ xây dựng câu lạc bộ để những người này sinh hoạt.
Tiêu chí đầu tiên tuyển cán sự xã hội là họ phải là người địa phương, am tường phong tục tập quán, con người địa phương.
TP.HCM còn có đội ngũ nhân viên xã hội dân sự từ trên 100 tổ chức tình nguyện của các nhà hảo tâm, tổ chức tôn giáo. Nếu gắn kết lực lượng này với lực lượng cán sự xã hội do TP thành lập thì thành tổ chức rất lớn. Lực lượng này sẽ là cầu nối giữa người dân và các tổ chức xã hội, cơ quan, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...
Cai nghiện tại cộng đồng: Chưa thành công do thiếu tầm
- Có ý kiến cho rằng, trước đây TP từng cai nghiện tại cộng đồng nhưng tỷ lệ tái nghiện lên tới 90%, không nên quay về mô hình này nữa. Ông nhận xét gì về mô hình này?
- Qua 27 năm làm nghề cai nghiện, tôi khẳng định, đừng nói cai nghiện tại cộng đồng không thể thành công mà vấn đề là không có người đủ tầm để làm.
Trước đây, chúng tôi từng thực hiện mô hình này, nhưng do điều kiện nên mới chỉ thực hiện trong phạm vi nhỏ. Có nhiều học viên cai nghiện khi đó đã trở lại bình thường và trưởng thành. Có người đã trở thành tổng giám đốc doanh nghiệp lớn. Tôi có đủ cơ sở để khẳng định sự thành công của mô hình này.
- Tuy vậy, vẫn có ý kiến lập luận rằng, tập trung người sau cai nghiện là giải pháp cấp bách và cần thiết trong tình hình "nóng" về an ninh, trật tự, nạn HIV-AIDS vào năm 2003, cũng để khắc phục lây nghiện?
- Theo nghiên cứu của tôi, trừ một số đối tượng mới chớm nghiện, còn sức lực, tất cả người nghiện ma tuý không có khả năng đi ăn cướp vì lái xe còn không vững, mà chỉ có thể trộm vặt, chủ yếu trộm trong gia đình.
Liệu thiệt hại này có đáng khắc phục bằng chi phí 1.500 tỷ đồng?
Nghị quyết 16 đã đặt cái cày đi trước con trâu. Trước hết, không nên kéo dài thời gian cai nghiện mà nên phân loại đối tượng, có giải pháp trị liệu khác nhau với mỗi đối tượng. Không thể để trường hợp nghiện 6 tháng ở với nghiện 10 năm, hút lẫn với chích.
Chúng tôi đã nhiều lần đứng lớp đào tạo lực lượng giáo dục trung tâm cai nghiện. Việc học như cưỡi ngựa xem hoa. Chúng tôi cũng không có thời gian để tổ chức thực hành, kiểm nghiệm. Có những người học một thời gian rất ngắn đã thành cán bộ, hôm trước còn hầm than đốn củi, hôm sau đã là thầy.
Còn về lây nghiện, cần hiểu cho đúng. Lớp trẻ bị nghiện, do bị hụt hẫng trong tâm lý từ nhỏ, xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, chẳng hạn bố mẹ ít gần gũi, động viên con và "bù lỗ" bằng cách cho tiền, mua sắm đồ đắt tiền. Mặt khác, do ảnh hưởng từ xã hội, trong đó có giới truyền thông, trẻ bị nhầm lẫn: ăn mặc phải dị hợm, biết dùng ma tuý mới oai phong, sành điệu.
Còn về HIV-AIDS, để sống tập trung sẽ dễ lây lan hơn để sống tại cộng đồng có giáo dục phòng chống.
"Chấm dứt càng sớm càng có lợi"
- Vậy, theo ông, có nên chấm dứt thí điểm đề án này không?
- Nên chấm dứt càng sớm càng có lợi cho cả hai phía: Nhà nước và nhân dân. Giải pháp tập trung vừa phi văn hoá, vừa phản khoa học. Chỉ cần lấy 1/3 chi phí của đề án này đầu tư cho lực lượng cán sự xã hội sẽ có mỗi phường 5 nhân viên với mức lương 1,5 triệu/tháng.
Hãy tính, 5 năm qua, 30.000 hộ gia đình đi thăm người thân 60 lần (mỗi tháng đi thăm người thân một lần), mỗi lần chi phí khoảng 300.000đ. Chưa kể công sức, thời gian. Như thế, sự tốn kém không chỉ dừng lại ở gần 1.500 tỷ đồng ngân sách.
Thử tưởng tượng, một học sinh lớp 12 sau khi cắt cơn được về cộng đồng luôn, sau 5 năm có thể tốt nghiệp đại học, thay vì trở nên hư hỏng do phải sống chung với những đối tượng cộm cán trong trường.
Dùng lực lượng cán sự xã hội là giải pháp căn cơ. Sao không thực hiện giải pháp này mà đi làm việc cả thế giới không làm là bao cấp cho người nghiện?
Chỉ nên giữ lại vài trường để tập trung những đối tượng nghiện nặng, có tiền án tiền sự, đe doạ an ninh trật tự, nhưng chỉ nên kéo dài tối đa 18 tháng. Bởi vì, theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cần 12 tháng là thực hiện xong giáo trình cho người nghiện, thêm 6 tháng để giáo dục lao động.
Phạm Cường - Tấn Thuấn (thực hiện)