221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1062975
Dự báo chưa sát, Chính phủ và Quốc hội đều bị động
1
Article
null
Dự báo chưa sát, Chính phủ và Quốc hội đều bị động
,

 - Tại các phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Quốc hội trong tuần làm việc vừa qua, lần đầu tiên, các Đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề gay gắt về sự yếu kém trong năng lực tham mưu, dự báo tình hình kinh tế như một nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Một số kiến nghị Chính phủ nên có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực và dám chịu trách nhiệm trong dự báo. Thậm chí, thành lập một Hội đồng tư vấn cao cấp, thu hút những trí tuệ hàng đầu xã hội.

VietNamNet ghi nhận ý kiến một số đại biểu quanh vấn đề này. 

Quốc hội cũng chưa coi trọng vấn đề dự báo

"Dự báo thời tiết sai sót, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng để xảy ra tình hình lạm phát như vừa qua là vì chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực dự báo tình hình kinh tế", ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) nêu ý kiến.

 

 

Mô tả ảnh.

ĐBQH đề nghị Chính phủ lập cơ quan dự báo biến động kinh tế để chủ động đối phó. Ảnh: TTXVN

Ông Mạo đề nghị Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên trách dự báo kinh tế, trong đó có dự báo về giá cả và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu dự báo thiếu chuẩn xác.

"Cơ quan này phải có đủ năng lực, đủ khả năng phát hiện sớm những vấn đề, những nhân tố mới, kể cả nhân tố lợi, bất lợi để tham mưu giải pháp chủ động đối phó tình hình", ông Mạo giải thích.

Đại biểu này băn khoăn, "Mặc dù Thủ tướng đã thừa nhận để xảy ra những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ là do công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức nhưng ngay cả Quốc hội chúng ta cũng chưa thật sự coi trọng điều này. Chúng ta nhớ lại Kỳ họp thứ hai cuối tháng 11 năm 2007, Quốc hội đã bàn về kinh tế - xã hội, kể cả Chính phủ và Quốc hội đã không đưa ra cảnh báo mạnh về lạm phát nên đã thông qua một Nghị quyết mà ngay đầu năm sau đã phải cân nhắc điều chỉnh".

"Nói bất ngờ mà đúng ra là không ai bất ngờ", ông Mạo khẳng định. Vì diễn biến xấu này vốn đã có nguyên nhân từ lâu "mà nếu chúng ta quan tâm đến công tác dự báo, chắc chắn đã có giải pháp ngăn chặn".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói thẳng: "Tôi rất tin Chính phủ mà tôi đã biểu quyết để bầu, nhưng tôi không tin lắm bộ phận tham mưu cho Chính phủ".

Ông Đào đề nghị các Bộ trưởng: Kiểm tra xem bộ phận tham mưu của mình làm việc như thế nào? Làm rõ trách nhiệm như vậy thì chúng ta mới có một Chính phủ hoạt động minh bạch, Chính phủ không can thiệp sâu vào đời sống dân sự nhưng Chính phủ hết sức có trách nhiệm trước dân.

"Chúng ta nên nhìn về dư chấn và động đất là nguyên nhân của sóng thần, chứ đừng nhìn vào sóng thần", ông Nguyễn Ngọc Đào cảnh báo.

ĐB Võ Thanh Khiết (An Giang) cũng chung quan điểm: "Cần hoàn thiện ngay dự báo kinh tế để chủ động kiểm soát lạm phát. Nền kinh tế của chúng ta mới phát triển, sức đề kháng còn rất yếu, nên khi biến động xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nhanh ".

Trọng tâm của tuần làm việc 12/5 - 18/5 là điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

13/5, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn sẽ trình bày các tờ trình. Sau đó, UB Pháp luật của QH sẽ có báo cáo thẩm tra và các đoàn sẽ thảo luận tại tổ.

Ngày 14/5, QH sẽ thảo luận kín về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN.

Ngoài ra, QH còn thảo luận nhiều dự án luật khác: Luật năng lượng nguyên tử, Luật phòng chống ma túy sửa đổi...

Ông Khiết thẳng thắn, do chưa coi trọng dự báo và chưa xây dựng được những phương án đối phó nên cả Chính phủ và Quốc hội đều bị động.

ĐB Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) khẳng định: "Chúng ta đang có tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo điều hành. Phải chăng chúng ta đang say sưa với những thành tựu đã có?".

Lập Hội đồng tư vấn cấp cao

Lo ngại tình hình sẽ diễn biến xấu sau tháng sáu, khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu bị kiềm chế sẽ "bùng phát", ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) yêu cầu công tác dự báo phải được tính kỹ ngay từ bây giờ.

Bài toán đầu tiên là đưa ra những phương án để đối phó với biến động sau tháng sáu.

"Nếu có thể thì phải trình trước Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến. Sau đó, chúng ta có những biện pháp cụ thể để khắc phục vì với phương châm bù giá như vừa rồi, tôi nghĩ chắc chắn là Chính phủ không thể kéo dài lâu được nữa, bởi vì chúng ta biết là nếu cái gì cũng bù lỗ, cũng hỗ trợ thì chúng ta không thể đủ tiền làm mãi", ông Ba khuyến cáo.

Ông Nguyễn Ngọc Đào kiến nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng tư vấn cao cấp như kinh nghiệm của Chính phủ các nước trong tình huống khó khăn.

"Hãy lựa chọn những trí tuệ lớn nhất của Việt Nam để giải quyết vấn đề, giảm bớt những cái gọi là Ban thư ký này, Ban thư ký kia, vì cuối cùng một vấn đề rất đơn giản là VN gạo nhiều mà vẫn 20.000 đồng/1kg. Tôi tin rằng đất nước ta có thể có nhiều trí tuệ giúp cho Thủ tướng trực tiếp thành lập Hội đồng tư vấn cao cấp trong trường hợp này", ông Đào bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức  Kiên cho biết, QH sẽ kiến nghị Chính phủ tổ chức có chất lượng các hoạt động cung cấp hệ thống thông tin và dự báo tình hình. Sao cho, dự báo phải hệ thống, bảo đảm chính xác, có tầm nhìn xa. "Đây là những căn cứ quan trọng để quy định các chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp đúng", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,