- Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi chiều 12/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nên có quy định cụ thể quyền được trình dự án luật của đại biểu Quốc hội.
Tăng tính chủ động của Quốc hội
Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung một điều quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật.
"Nếu đại biểu có nghiên cứu sâu, có khả năng về một lĩnh vực cụ thể, lại có thể cùng với các chuyên gia khác xây dựng dự án luật thì quy định như vậy sẽ khuyến khích được các đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng luật và giảm bớt các thủ tục rườm rà”, bà Khánh nói
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đồng tình với đề nghị này: “Ví dụ đại biểu Quốc hội Trần Đông A ngồi cạnh tôi đây muốn trình ra Quốc hội một dự án luật, nhưng Bộ Tư pháp không đồng ý thì dù Ủy ban Pháp luật có đồng tình cũng không làm được. Bởi vậy, lần sửa Luật này nên có quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật để tăng tính chủ động của Quốc hội lên, mặc dù Chính phủ là nơi chủ yếu đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề xuất khi một đại biểu Quốc hội phát hiện văn bản luật có vi phạm pháp luật thì cũng nên có quy định cho phép đại biểu Quốc hội đề nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa luật đó ra xem xét.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần có quy định để luật thông qua sớm đi vào cuộc sống. Theo bà Quốc Khánh, quy định như dự thảo vẫn kéo dài, Quốc hội đã thông qua, luật đã có hiệu lực nhưng vẫn phải đăng công bố, chờ nghị định hướng dẫn luật mới có hiệu lực, làm cho hiệu lực thực tế của luật còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu thực tế lấy ý kiến của bộ đã nảy sinh mâu thuẫn giữa quan điểm của bộ với quan điểm của cá nhân đi họp: "Mời một bộ sang góp ý thì bộ trưởng không đi, thứ trưởng không đi, cử một vị chuyên viên đi, khi phát biểu thì bảo đây là ý kiến cá nhân tôi. Vậy đề nghị quan điểm của bộ phải thể hiện bằng văn bản, bộ trưởng đóng dấu vào".
Đại biểu Trần Du Lịch thắc mắc, trong trường hợp cơ quan soạn thảo không đáp ứng yêu cầu, có được thay cơ quan soạn thảo không. Điều này không thấy trong dự thảo Luật VBQPPL.
Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) lưu ý Quốc hội nên cân nhắc khi quy định Chính phủ giao bộ chủ trì làm trưởng ban soạn thảo luật.
"Dư luận băn khoăn là các dự án luật trình ra Quốc hội thường có tư tưởng cục bộ. Nên tính lại cơ quan soạn thảo sao cho phù hợp hơn", ông Vượng nói.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật này vào ngày 3/6 tới.
-
Vân Anh