- "Chính phủ nên chỉ đạo Hà Nội và các địa phương có liên quan thực hiện tốt quy hoạch vùng (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đến một thời gian nhất định sẽ tiến hành việc xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Nguyễn Văn Thuận kiến nghị chiều 13/5, sau khi nghe Bộ trưởng Nội vụ đọc tờ trình về mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận. Ảnh: TTXVN
Chưa rõ lộ trình, dự kiến nguồn lực tài chính
Ông Thuận nhấn mạnh: "Thống nhất với chủ trương mở rộng Hà Nội nhưng QH đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu và trình ra một đề án khả thi với những giải pháp, lộ trình rõ ràng, cụ thể, kể cả việc dự kiến nguồn lực về con người và tài chính cho việc thực hiện đề án, để bảo đảm sau khi được QH quyết định thì có thể thực hiện được ngay".
Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, qua tham khảo kinh nghiệm thế giới, thủ đô vừa là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, vừa là trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vì vậy, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội theo hướng tăng cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, UB Pháp luật của QH nhận định, điều chỉnh địa giới là vấn đề mang tính lịch sử, phức tạp, nhạy cảm song "tờ trình Chính phủ lại rất sơ sài, chưa đủ các luận cứ khoa học, các chỉ số kinh tế".
"Một số nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội sau khi được mở rộng cũng chưa rõ giải pháp cụ thể, lộ trình, bước đi trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề án… Do thiếu những thông tin như vậy rất khó cho việc xem xét quyết định", ông Nguyễn Văn Thuận khẳng định.
"Vì sao nhất thiết phải phát triển Thủ đô theo hướng mở rộng diện tích?". Ảnh: Internet
UB Pháp luật chỉ ra một loạt "lập luận giản đơn, thiếu thuyết phục" của đề án như việc sáp nhập huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào Hà Nội là vì đã có thời gian huyện này thuộc Hà Nội, đồng thời nhằm khắc phục độ lõm về địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc với đường địa giới hành chính của Hà Nội mới.
Một lập luận nữa không thuyết phục được UB Pháp luật là việc sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là nhằm "khắc phục việc tranh chấp giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình", hoặc "vùng rau xanh hiện nay chủ yếu phục vụ Hà Nội và các đô thị vùng phụ cận, nay chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân Thủ đô mới".
Ông Thuận cũng đặt một loạt câu hỏi: Vì sao nhất thiết phải phát triển Thủ đô theo hướng mở rộng diện tích? Nếu mở rộng thì nên theo hướng nào, như đề án được trình hay còn có phương án nào khác?
Cần công bố rộng rãi, tạo sự đồng thuận trong dân
Theo Đề án định hướng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo tờ trình của Chính phủ, trung tâm hành chính quốc gia sẽ được đặt tại đô thị Hòa Lạc.
"Cần cân nhắc kỹ việc làm giảm một đơn vị hành chính cấp tỉnh". Ảnh: Internet
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, nên công bố, triển lãm rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân tương tự như một số công trình quan trọng bởi Hà Nội là trái tim của cả nước.
UB Pháp luật cũng nhận định: Đề án định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng "dường như được chuyển hóa từ Đề án quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội". "Tuy nhiên, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về mặt ý nghĩa. Bởi vì việc xác định địa giới hành chính của một địa phương có hai yếu tố không thể không tính đến: yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương".
"Tờ trình và các tài liệu kèm theo mới chú ý nhiều đến yêu cầu bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhu cầu về không gian, diện tích và những lợi thế để phát triển Thủ đô. Trong khi đó việc hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội làm giảm một đơn vị hành chính cấp tỉnh với nét văn hóa xứ Đoài là vấn đề rất đáng được quan tâm, cân nhắc kỹ", ông Thuận nhấn mạnh.
UB Pháp luật cũng đặc biệt lưu ý "tình trạng yếu kém, bất cập trong công tác quản lý đô thị ở Hà Nội", đồng thời nêu nguyên nhân "do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ".
"Sau khi mở rộng, dân số sẽ tăng gấp 2 lần, diện tích tăng gấp 3,6 lần, phạm vi quản lý rộng hơn, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, khối lượng, quy mô công việc quản lý, điều hành phức tạp hơn. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội sẽ được hợp nhất từ các địa phương khác nhau, chắc chắn sẽ đông hơn, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý không đồng đều. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng cũng chưa được làm rõ", ông Nguyễn Văn Thuận nói.
Cần cân nhắc kỹ thời điểm quyết định điều chỉnh địa giới hệ trọng này!
UB Pháp luật của QH cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội đòi hỏi một khoản ngân sách nhà nước rất lớn. Tuy nhiên, trong tờ trình của Chính phủ chưa thấy đề cập đến việc dự kiến nguồn kinh phí là bao nhiêu, lấy từ nguồn nào.
"Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện đang ở trong tình trạng rất khó khăn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2008 và thời gian tiếp theo là kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế; thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại đang đến gần. Do đó, cần cân nhắc kỹ thời điểm quyết định điều chỉnh địa giới hệ trọng này", Chủ nhiệm UB, ông Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Thuận cũng đề nghị Chính phủ phải giải trình rõ phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, đặc biệt phải tổ chức lại 2 đô thị cấp huyện là TP. Hà Đông và TP. Sơn Tây cho phù hợp với Hiến pháp, bởi theo quy định tại điều 118 của Hiến pháp, thành phố trực thuộc trung ương không có đơn vị hành chính cấp huyện là thành phố.
TP Hà Nội mới có diện tích 334. 470,02 ha diện tích tự nhiên và 6.232 940 nhân khẩu
Hiện diện tích tự nhiên của Hà Nội là 92.180,46 ha. Dân số: 3.457.424 người có đăng ký hộ khẩu và khoảng 2 triệu người lưu trú.
Báo cáo của Chính phủ
Mặt khác, UB Pháp luật của QH chỉ ra rằng tờ trình và dự thảo nghị quyết còn thiếu những nội dung liên quan đến việc điều chỉnh, phân vạch địa giới hành chính như sau khi được điều chỉnh thì diện tích tự nhiên và dân số của các tỉnh được điều chỉnh là bao nhiêu? Tiếp giáp với địa phương nào? 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) sẽ sáp nhập vào huyện nào?
Về hiệu lực thi hành "từ ngày 01/7/2008", ông Nguyễn Văn Thuận nhận định: "Các cơ quan, tổ chức không thể có đủ thời gian, vật chất chuẩn bị, sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các cơ quan, tổ chức và công dân ở những địa phương được sáp nhập đang được giải quyết sẽ được tiếp tục xử lý như thế nào? Đối với cơ quan tiến hành tố tụng thì không chỉ đơn giản là việc đổi tên mà còn phụ thuộc vào thẩm quyền cụ thể trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".
Ông Nguyễn Văn Thuận kiến nghị, Nhà nước ta đã nhiều lần tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì vậy, cần có sự đánh giá, tổng kết những mặt được hoặc chưa được, nhất là các lần điều chỉnh địa giới hành chính của TP. Hà Nội để có cách nhìn tổng thể, tạo sự ổn định lâu dài đối với các đơn vị hành chính.
Theo chương trình, ngày 14/5, QH sẽ thảo luận ở tổ về đề án. Ngày 19/5, các đại biểu sẽ thảo luận tại Hội trường, trước khi bấm nút quyết định vào ngày 22/5.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã trình bày những thuận lợi và khó khăn, hạn chế và định hướng khắc phục khi mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Về thuận lợi, Bộ trưởng Tuấn cho rằng phương án mở rộng sẽ giúp "xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, bền vững; có đủ yếu tố và điều kiện để Hà Nội phát triển theo mô hình “đa chức năng”, xứng tầm với thủ đô của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định phương án này "đảm bảo các đơn vị hành chính ổn định nhanh, do không quá xáo trộn tại các địa phương xung quanh". "Dân cư thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Tây và tỉnh Vĩnh Phúc đã có thời kỳ được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội (1978-1991) sẽ nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng dân cư Thủ đô", ông Tuấn cho biết. Thay mặt Chính phủ, ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh các lợi thế mà Thủ đô mới sẽ có khi sáp nhập với Hà Tây: vùng tiêu lũ được chỉ đạo kịp thời, vùng rau xanh tạo ra độ an toàn hơn... đồng thời sẽ giữ được truyền thống làng nghề.. Bộ trưởng Nội vụ cũng lường trước một số khó khăn khi mở rộng Hà Nội: Tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Tây; lo lắng của 4 xã tỉnh Hòa Bình và một số xã Hà Tây rằng chính quyền mới sẽ không có thời gian quan tâm đến đời sống của họ... Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng thừa nhận hiện còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị của thành phố Hà Nội, nếu mở rộng sẽ khó khăn hơn. "Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh Hà Tây, nay hợp nhất với thành phố Hà Nội thì sẽ phải tổng kiểm tra, điều chỉnh lại cho phù hợp với các nội dung quy hoạch Thủ đô mới gây tốn kém, lãng phí. |
-
Lê Nhung - Vân Anh
Ý kiến của bạn về vấn đề này: