- Chiều 14/5/2008, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đã chủ trì cuộc họp báo xung quanh vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Cùng dự cuộc họp và trả lời phỏng vấn của các phóng viên còn có một số lãnh đạo Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ này...
Chưa đủ cơ sở pháp lý để triển lãm
Cũng như phát biểu của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi thảo luận tại tổ Hải Phòng - Lạng Sơn sáng 14/5, Thứ trưởng Trần Ngọc Chính khẳng định đề án qui hoạch Vùng Thủ đô trong đó có vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã trải qua một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu lâu dài, công phu, khoa học và kỹ lưỡng.
Sẽ hòa nhập hay hòa tan một xứ Đoài? (Ảnh: Hoàng Huy) |
"Ban Chỉ đạo qui hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội dưới sự chỉ đạo và điều hành của các Trưởng Ban chỉ đạo từ Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng trước đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và nay là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhiều lần nghe báo cáo, trao đổi và tiếp tục chỉ đạo đề án nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, khớp nối với các qui hoạch trong Vùng kinh tế trọng điểm, qui hoạch kinh tế xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng và các qui hoạch chuyên ngành khác" - lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng theo Bộ này, gần 6 năm kể từ khi chuẩn bị nhiệm vụ, tiến hành nghiên cứu Đề án Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội - các chuyên gia Bộ Xây dựng đã nhận được sự phối hợp trực tiếp từ các chuyên gia qui hoạch Vùng Ide de France (Pháp) và Vùng Melbourne (Australia). Từ 2004 - 2007, hơn 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương trong Vùng và nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức quốc tế (WB, JICA, KOIKA, ADB...) xung quanh qui hoạch này đã diễn ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Song, nói qua về việc tại sao "bí mật đến cùng" việc mở rộng địa giới Thủ đô (hầu như không công bố với báo giới, nhân dân mãi cho đến gần đây), Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cho biết: "Chúng tôi không thể nói được ngay lúc đó. Tôi nhớ cách đây khoảng gần 2 năm, lần tôi họp với Hà Nội, có đồng chí phóng viên vào họp rồi vô tình đưa lên báo chí là Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu vấn đề Hà Nội sắp mở rộng đến đây, đến đây... và trước đó ông Triệu (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội - PV) cũng có nói một điều gì đó.
Thế là báo chí bắt đầu đưa lên là Hà Nội sắp mở rộng đến đây, lấy đất ngần này... Lập tức ngay sau đó, UBND các tỉnh gửi thư về Bộ Xây dựng mà đặc biệt là gửi thư cho ông Triệu: Tại sao anh đang ở Hà Nội mà tôi đang ở đây, anh lại bảo lấy đất của tôi là thế nào?! Đồng chí Triệu đã hết sức khổ với Chính phủ về việc đó, trong khi chúng tôi chỉ mới trao đổi với nhau có tính chất chuyên môn thôi, nhưng đã gặp ngay sự phản ứng của chính lãnh đạo các địa phương...".
Theo Thứ trưởng Chính, Quốc hội chưa duyệt ranh giới Thủ đô Hà Nội thì không ai có quyền tuyên bố Hà Nội mở rộng đến đâu, càng không thể đưa ra một "bản vẽ" chưa có cơ sở pháp lý để triển lãm cho nhân dân xem, xin ý kiến. Những người làm đề án chỉ có quyền vẽ để nghiên cứu, xin ý kiến các nhà khoa học và những cán bộ, lãnh đạo liên quan và chỉ trong khuôn khổ đó mà thôi!
"Sau khi qui hoạch này được Quốc hội xem xét xong, chúng ta mời các tư vấn quốc tế hàng đầu xây dựng đề án trong khoảng 1 năm, sau đó mới mang ra triển lãm cho dân đóng góp ý kiến vì đã đủ cơ sở pháp lý"- ông Chính nói.
Sẽ không là qui hoạch treo
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về "mốc" 1/7/2008 cũng như "số phận" của Hà Đông và Sơn Tây - hai "thành phố trẻ" và một Thủ đô "phình to" tới 29 đơn vị hành chính cấp huyện, Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cho biết Bộ Xây dựng không đưa ra "mốc" 1/7 này, và Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ giao xem xét vấn đề hành chính, quản lý trong việc mở rộng địa giới Thủ đô.
"Việc Hà Đông và Sơn Tây vừa được công nhận là Thành phố, nay mở rộng địa giới hành chính Thủ đô lấy cả 2 thành phố này vào, đây là việc chúng ta sẽ tiếp tục làm trong quá trình đô thị hoá, không ảnh hưởng gì cả!" - Thứ trưởng Chính nhận định.
Cuộc họp báo tại Bộ Xây dựng chiều 14/5 xung quanh vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (Ảnh: Hoàng Huy). |
Phóng viên đặt vấn đề: "Dư luận cho rằng nếu không được thông qua, đồ án này sẽ trở thành một qui hoạch treo rất lớn, không biết đến bao giờ mới thực hiện. Lùi ngày nào, qui hoạch sẽ treo đến ngày đó. Dân và đặc biệt là nhiều doanh nghiệp rất lo lắng điều này".
Ông Trần Ngọc Chính khẳng định: "Không thể gọi đây là qui hoạch treo được, vì một qui hoạch chỉ gọi là treo khi nó đã được xác định và được "đóng dấu" thì mới bắt đầu có cơ sở pháp lý. Hiện qui hoạch này còn đang được thảo luận, xem xét, chứ không phải đã quyết định mở rộng Hà Nội rồi nay lại chưa mở!".
Tuy nhiên, do thời gian cuộc họp báo có hạn (chỉ khoảng 2 tiếng cho cả trình bày và hỏi đáp), khá nhiều câu hỏi được các phóng viên "ấp ủ" chưa có điều kiện đặt ra, hoặc đã đặt ra mà chưa cảm thấy thỏa mãn với phần trả lời...
Ví dụ như: Cho rằng cần thiết phải "ôm trọn" Hà Tây vì nếu để lại mấy huyện khó khăn (trở thành "Hà Tây còn lại") sẽ khó xoay xở cho họ, vậy cơ sở khoa học nào cho thấy chắc chắn rằng khi các huyện này về Hà Nội đời sống sẽ khá hơn? Thủ đô có thể coi như nơi hội tụ những tinh hoa, văn minh, tri thức cao nhất của một đất nước, vậy Hà Nội nếu mở rộng tức sẵn sàng đổi cái "tinh" lấy cái "to", bởi sẽ "ôm" thêm về Thủ đô không ít làng xóm với khá đông hộ nghèo, hủ tục, người mù chữ, thất nghiệp, lao động không nghề, trẻ bỏ học; với các "lệ làng" chẳng sợ "phép vua"?
-
Tràng An Nguyễn