221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1064821
Lần đầu tiên QH Mỹ điều trần về chất độc da cam
1
Article
null
Lần đầu tiên QH Mỹ điều trần về chất độc da cam
,

 - Trong hai ngày 14-15/5, lần đầu tiên, Quốc hội Mỹ đã tiến hành điều trần về vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam, Nghị sĩ Eni F.H.Faleomavaega - Chủ tịch tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu của Hạ viện Mỹ đề xuất và điều hành.

Cần thiết để dư luận Mỹ hiểu, biết về những gì đã xảy ra

Mô tả ảnh.
Những nạn nhân da cam Việt Nam (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Hơn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, lần đầu tiên, vấn đề trách nhiệm của người Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được chính thức đặt ra tại một phiên điều trần của nghị viện Mỹ. Phiên điều trần có chủ đề "Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: Chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam".

Phó trợ lý ngoại trưởng Marciel xác định, đây là vấn đề nhạy cảm với cả hai nước, có sự khác biệt trong việc đánh giá tác động của cuộc chiến đối với Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ hôm 15/5 đã dẫn lời Nghị sĩ Faleomavaega khẳng định, với kết quả nghiên cứu thu thập được, ông đã nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng trong câu chuyện dioxin Việt Nam, điều ông không nghĩ có thể nghiêm trọng đến thế. "Phiên điều trần là cần thiết để dư luận Mỹ hiểu và biết về những gì đã xảy ra".

Ông cho rằng, vấn đề này nước Mỹ đã lãng quên quá lâu. "Không thể giả vờ rằng chuyện đó không xảy ra. Chúng ta nên có trách nhiệm với vấn đề này".

“Da cam là vấn đề nhân đạo” - Nghị sĩ Faleomavaega nhấn mạnh và kêu gọi tìm cách để “hai chính phủ và các công ty cùng chung nguồn lực để giúp đỡ các nạn nhân da cam thay vì chỉ để hàng triệu các nạn nhân da cam nghèo khó của VN tự gánh chịu lấy hậu quả thảm khốc này.”

Nước Mỹ là cường quốc chính bởi khả năng dám nhận lỗi và sửa chữa sai lầm của mình…”

Hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh

Ngay tại phiên điều trần, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia y tế của Việt Nam, người đã từng nhiều lần làm bà đỡ của những đứa trẻ dị dạng do tác động của dioxin, cung cấp những bằng chứng khoa học được nghiên cứu trong nhiều năm qua.

Ông Walter Isaacson, Chủ tịch viện ASPEN không tham dự nhưng cũng gửi bài trình bày mang tên “Hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh” trong đó khẳng định “không thể lượng hóa hết được những thiệt hại đối với sức khỏe con người và môi trường tại VN” và kêu gọi tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho những người bị tàn tật.

Trong khi đó, là người đại diện của Chính phủ Mỹ, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương Scot Marciel vẫn tuyên bố "Chính phủ và nhân dân Việt Nam quan tâm đến những ảnh hưởng nguy hại của chất độc da cam và dioxin, trong khi đó, phía Mỹ không xác nhận sự đáng tin cậy về mặt pháp lý của những nguy hại do chất độc da cam gây ra".

Chính phủ Mỹ cho rằng, hai bên sẽ cần tiếp tục trao đổi dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, bất chấp việc bản thân các nạn nhân dioxin Việt Nam đã từng trực tiếp sang Mỹ, gặp gỡ nhân dân và chính giới nước này.

Bản thân Nghị sĩ Faleomavaega cũng thừa nhận trong bài phỏng vấn với Tuổi Trẻ, tại Mỹ, cho đến giờ đã có nhiều thông tin thiếu chính xác, những chối bỏ như chất độc da cam không có hậu quả gì.

Bà Catharin E.Dalpino của ĐH Georgetown, Rich Weiman từ Hội cựu chiến binh Mỹ, Vaughan C.Turekian của nhóm đối thoại Việt Mỹ về chất độc da cam dioxin đều có các bài điều trần kêu gọi chính phủ Mỹ nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Hy vọng với mong muốn "đi tới tận cùng vấn đề" của Nghị sỹ Faleomavaega và những người có trách nhiệm của Mỹ, đây sẽ không phải là phiên điều trần cuối cùng về vấn đề chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ. Và những thông tin sẽ không chỉ đến với 2 Nghị sỹ của tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương trong Hạ viện Mỹ có mặt tại buổi điều trần.

  • Phương Loan (tổng hợp)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,