221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1064981
QH còn tranh luận việc bỏ tội danh sử dụng ma túy
1
Article
null
QH còn tranh luận việc bỏ tội danh sử dụng ma túy
,

 - Trái với quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH, nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 16/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy nói không thể coi người nghiện là bệnh nhân.

Mô tả ảnh.

GĐ Công an Hải Phòng Trần Bá Thiều: "Nếu bỏ điều 199 Bộ Luật Hình sự, sẽ là một thảm họa”. Ảnh: TTXVN 

Đối xử nhân đạo hay trừng trị mạnh tay?

ĐB, bác sĩ Trần Đông A (TP.HCM) và Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long) cho rằng nên coi người nghiện là bệnh nhân, thậm chí cần được đối xử như với một người mắc bệnh “mãn tính”, cần sự cảm thông và đối xử nhân đạo. 

Cũng là bác sĩ nhưng ĐB Nghệ An Nguyễn Minh Hồng viện dẫn Luật Phòng, chống ma túy của Trung Quốc: "Ngay từ chương I, phần quy định chung của họ đã có một sức mạnh rất thuyết phục. Ngay phút đầu tiên người ta nói thẳng ra trừng trị luôn, chứ người ta không nói gì nhẹ nhàng cả".

Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Trần Bá Thiều cũng "cam đoan với QH nếu bỏ điều 199 thì sẽ là mạo hiểm, một thảm họa quốc gia”. “Đến một lúc nào đó, xã hội phát triển hơn thì có thể tính toán đến việc đối xử khác với người sử dụng chất ma túy còn bây giờ thì không”, ông Thiều khẳng định.

Sau khi dẫn ví dụ Myanmar, Pháp, Trung Quốc vẫn coi sử dụng ma túy trái phép là tội phạm và bị phạt tù, ông Thiều nhấn mạnh: "Chúng ta đối xử nhân văn với người nghiện nhưng còn nhiều đối tượng phải quan tâm: nạn nhân da cam, gia đình chính sách... Chúng ta không bỏ mặc người nghiện, nhưng nghiện ma túy có phải do vi-rút gây ra đâu mà hoàn toàn do ý thức chủ quan, suy thoái đạo đức, lối sống".

ĐB Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Công an Thừa Thiên - Huế lập tức chia sẻ quan điểm này: “Chúng tôi đồng tình có một số nước Bắc Âu quan niệm ma túy là bệnh, nhưng tình hình của họ khác với Việt Nam, chúng ta không thể áp dụng máy móc được". 

Theo ông Toàn, cần phải xem ma túy là một tệ nạn xã hội, giống cờ bạc, mại dâm. "Nếu coi ma túy là bệnh thì vô hình trung, pháp luật thừa nhận, cũng như thừa nhận cờ bạc và thừa nhận mại dâm thì những giải pháp sau này sẽ rất khó khăn".

"Nếu nhìn nhận dưới góc độ nhẹ nhàng như một bệnh, tôi e rằng tình hình nghiện ma túy sau này sẽ như ong vỡ tổ", ông Toàn cảnh báo.

Xử lý cha mẹ nếu con cái nghiện?

Mô tả ảnh.

ĐB Vi Thị Hương: "Nhiều thanh niên khỏe mạnh, không nghiện còn chưa có việc làm". Ảnh: TTXVN

ĐB Nguyễn Thanh Toàn cho rằng gia đình phải có trách nhiệm với người nghiện, "không thể đổ hết trách nhiệm cho xã hội".

Ông Toàn đề xuất: "Nên chăng giao cho Chính phủ quy định chế tài xử lý, thực hiện trách nhiệm liên đới của bố mẹ là cán bộ công chức để con em nghiện nặng". 

Ngược lại, ĐB Vi Trọng Lễ ( Phú Thọ) đề nghị có cái nhìn "nhân ái hơn" với người nghiện. "Chúng ta nên xem xét và thay đổi lại những quan niệm, thậm chí quy định về việc không đề bạt, bổ nhiệm cất nhắc cán bộ công chức khi họ có con là người nghiện ma túy, vì bản thân cha mẹ không bao giờ dung túng cho con cái của mình đi vào con đường nghiện ngập".

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đề nghị phải xác định rõ trong luật này "cơ quan chủ trì tổ chức phối hợp, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy ở cấp trung ương và địa phương", bởi nhiệm vụ của Bộ Công an chủ yếu là chống tội phạm ma túy, chứ không phải phòng chống ma túy nói chung.

Cụ thể, theo ông Dũng, cần tổng kết hiệu quả công tác của Ủy ban quốc gia về phòng chống ma túy và các ban chỉ đạo phòng chống ma túy ở địa phương, những cơ quan đóng vai trò "rất lớn trong việc phòng chống tệ nạn ma túy", để đưa vào luật.

Vấn đề tạo việc làm cũng được nhiều đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó chủ yếu cho rằng cần giao cho chính quyền cấp huyện, tỉnh, chứ không phải cấp xã. ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) giải thích: "Ở các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất của xã thiếu thốn, trường lớp cho các em học sinh còn chưa được đáp ứng đầy đủ, nơi làm việc cho cán bộ còn thiếu, nhiều thanh niên khỏe mạnh, không nghiện còn chưa có việc làm".

ĐB Hương khẳng định, xã khó mà tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện, thời gian cai nghiện tại cộng đồng 6 đến 12 tháng là ngắn với người nghiện nhưng lại quá dài đối với chính quyền cấp xã.

Về Nghị quyết 16 của QH triển khai thực hiện thí điểm tổ chức, quản lý dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ở 7 địa phương, ĐB Đinh Văn Nhã ( Phú Yên) nói: 

Tôi thấy rất ít đại biểu đề cập đến nghị quyết này. Mặc dù ở đây chúng ta đánh giá 5 năm triển khai nghị quyết, nhưng qua ý kiến của các đại biểu thì chỉ có một số đại biểu TP. Hồ Chí Minh phát biểu, còn các đại biểu khác không đề cập. 

Nghị quyết 16 mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu, còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, nhất là ở TP.HCM. Mục tiêu dạy nghề kết quả còn rất khiêm tốn, bởi mới chỉ được khoảng trên 10.000 con em có nghề, phần lớn là những nghề phổ thông, ít cơ hội để tìm kiếm việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp, nếu có sức khỏe là những ngành nghề tự do như sửa xe, môi trường tôi cho là bập vào nghiện, tái nghiện cũng rất dễ.

Còn việc tạo việc làm thì có thể nói là so với mục tiêu là quá ít, khoảng 1.000 người thôi. Phải chăng cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng các mục tiêu nhiệm vụ của các đề án? 

 

  • Vân Anh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,