- Những lo lắng, băn khoăn về mở rộng Hà Nội là chính đáng và cần thiết, nhưng cũng cần xem xét vấn đề trong xu thế vận động, phát triển. Việc khó, nhưng quyết tâm cao sẽ làm được - Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nói.
"Việc khó, nhưng nếu quyết tâm cao, lại được Trung ương và cả nước góp sức thì cũng có thể giải quyết được" (Ảnh: VNN) |
Cùng lắng nghe và xử lý thông tin
-Thưa ông, trước và ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đang là đề tài thảo luận rất sôi nổi của báo chí và dư luận. Ông có bình luận gì xung quanh việc này?
Tờ trình của Chính phủ và nhất là Báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng chuẩn bị đã nói khá chi tiết vấn đề này. Đây là vấn đề lớn, chỉ nói mấy dòng thì thật là khó.
Câu chuyện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, về mặt chủ trương, đã được đề ra khá sớm, suốt gần hai nhiệm kỳ Chính phủ. Các cơ quan chức năng nghiên cứu khá công phu, đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành.
Lý do hay là căn cứ lớn nhất, theo tôi hiểu, đó là Thủ đô Hà Nội đang đứng trước những yêu cầu mở rộng, phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng gặp phải những sự bất cập, quá tải về nhiều mặt: dân số, diện tích, môi trường…
Còn vì sao bây giờ mới đặt ra, thì cũng chính là lúc này chúng ta mới có đủ điều kiện và những đòi hỏi trên cũng đủ độ cấp bách, những khó khăn cũng bộc lộ rõ hơn, hầu như ai cũng thấy.
Việc khó, quyết tâm cao có thể giải quyết được
- Liệu có giải pháp nào khác, hay cứ phải mở rộng và mở rộng như chúng ta đang dự kiến là hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh và 4 xã của Hoà Bình?
Đây là câu hỏi rất then chốt của vấn đề. Tôi nghĩ câu hỏi đó cũng có thể đặt ra với mọi người, xem có ai đề xuất được phương án nào tốt hơn, hay hơn không? Nếu có, tôi chắc rằng sẽ được Quốc hội xem xét một cách nghiêm túc.
Thực sự thì Bộ Xây dựng đã trình ra tất cả 5 phương án để so sánh, lựa chọn. Qua thảo luận, thu hẹp dần còn 2. Từ hai phương án chọn 1 phương án có nhiều ưu điểm hơn cả, nhưng ngay với phương án đó, theo tôi cũng không phải chỉ toàn là thuận lợi, ưu điểm mà cũng có khó khăn, có nhược điểm, nhưng qua thảo luận, mọi người thấy đó là phương án tốt hơn các phương án khác.
Tôi theo dõi, thấy có nhiều ý kiến không đồng ý, nhưng cũng không nêu ra phương án nào khác. Giả thiết có phương án thứ 5, thứ 6 đi nữa, thì chắc rằng nó cũng không đáp ứng được tất cả mọi khía cạnh.
Vấn đề là chúng ta phải chọn lựa những gì là cơ bản, chính yếu nhất.
- Nhưng trong Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Pháp luật và nhiều ý kiến đang chỉ ra những bất cập và những cái không hợp lý của phương án mà chúng ta dự tính thông qua ?
Lo lắng, băn khoăn là cần thiết, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần xem xét vấn đề trong xu thế vận động, phát triển, trong mối quan hệ nhiều mặt. Việc khó, nhưng nếu quyết tâm cao, lại được Trung ương và cả nước góp sức thì cũng có thể giải quyết được.
- Nhiều ý kiến đề cập đến công tác bố trí cán bộ sau khi Thủ đô mở rộng. Ý kiến của ông về vấn đề quan trọng này ra sao?
Dù cán bộ từ nhiều nguồn hợp lại, và Thăng Long - Hà Nội vốn là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của dân tộc, thì việc tiếp nhận những giá trị văn hoá các vùng, miền khác nhau cũng như khả năng nhanh chóng ổn định bộ máy, cán bộ để cùng nhau xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là điều chúng ta có thể làm được. Vì ngoài nguồn lực cán bộ tại chỗ, chúng ta còn có sự quan tâm của Trung ương và cả nước.
Tất nhiên, đội ngũ cán bộ Thủ đô Hà Nội phải là những người trực tiếp nhất, phải nỗ lực, cố gắng trong quá trình tổ chức thực hiện sau khi Quốc hội thông qua.
-
Khuê Anh (thực hiện)