- 39 đại biểu đăng ký nhưng thời gian chỉ đủ cho 31 người, trong đó có 6 thành viên Chính phủ phát biểu... Kể từ khi khai mạc kỳ họp, chưa hôm nào hội trường QH lại "nóng" như sáng 19/5, khi đại biểu thảo luận về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
Sau phiên thảo luận ở tổ cách đây 4 ngày, đại biểu QH vẫn phân rẽ với 2 quan điểm: Thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới Hà Nội hay chỉ thông qua chủ trương, sau đó giao Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, lấy ý kiến chuyên gia, rồi đưa ra để QH lựa chọn ở các kỳ họp sau.
Trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân
Một số ĐB cùng chung đánh giá là tờ trình của Chính phủ còn sơ sài, chưa đủ sức thuyết phục với sự kiện có ý nghĩa "hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm" này. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhấn mạnh: "Cần phải công khai lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử để khi QH biểu quyết phải chính xác, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với ĐB NGuyễn Ngọc Đào giờ giải lao phiên thảo luận. Ảnh: VA
Ông Minh nhất trí cao với các ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, theo đó cần làm rõ ưu điểm, hạn chế của mô hình thủ đô đa chức năng, cũng như việc Thủ đô phải có quy mô diện tích, dân số lớn như đề án của Chính phủ không.
Cũng như ông Minh, các ĐB Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An), Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) yêu cầu Chính phủ phải làm rõ "lợi ích là gì, thuộc về ai" khi lựa chọn phương án 1 để mở rộng Thủ đô. Các ĐB này lấy dẫn chứng thủ đô ở nhiều nước phát triển không nhất thiết phải là trung tâm kinh tế, đồng thời cho hay, nếu mở rộng như phương án của Chính phủ, sẽ tạo một Hà Nội phình to, trở thành thủ đô lớn "thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, London, Bắc Kinh".
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng lo lắng: "Tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm quá cao, hiện tại chiếm 23%, theo phương án mở rộng lên đến hơn 80%. Trong khi đó, trình độ dân trí, hàm lượng tri thức, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô còn quá thấp kém. Chọn lựa mô hình và hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô với quy mô về diện tích và dân số như phương án 1, theo tôi là không phù hợp với xu thế của thời đại".
ĐB - GS. Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thẳng thắn: "Nhà chật do mình bày biện kém, "vụng múa lại chê đất lồi", bây giờ mình nói chật quá thì tại sao không sắp xếp lại để cho đỡ chật?".
Giải tỏa những băn khoăn này, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ĐB Hà Tĩnh) nói: "Đề án đã dựa vào tầm nhìn lâu dài để xây dựng thủ đô của một đất nước trên 100 triệu người và có thể ổn định ở mức 120 đến 130 triệu, khác với thủ đô một nước như Singapore chỉ có 3 - 5 triệu người. Tầm nhìn lâu dài này đã xác định theo truyền thống, thủ đô là một thủ đô đa chức năng, trọng yếu là chính trị, hành chính gắn liền với văn hóa, giáo dục, khoa học và kinh tế, đối ngoại".
Khẳng định việc Thủ đô đa chức năng đã được xác định từ Hiến pháp năm 1945, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh Thủ đô, ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Thực tiễn hiện nay Hà Nội không đáp ứng được cả về kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp cũng như xây dựng và quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội đều không thể đáp ứng được. Cho nên từ thực tiễn đặt ra phải mở rộng".
Không phải bằng từ ngữ của một giấc mơ...
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) yêu cầu làm rõ quan hệ giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô. Ông Lợi đặt vấn đề: "Vì sao nằm trong phân bổ của tổng thể chung và phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc mà Hà Nội phải mở rộng để sản xuất từ cái đinh, cái bát, thìa, con gà đến mớ rau? Sao Thủ đô không phải là loại hình đa chức năng với các lĩnh vực ở trình độ cao chứ không phải là tầm trung?"
Nhắc lại vấn nạn quy hoạch thiếu tầm nhìn, ông Lợi tha thiết: "Quy hoạch Thủ đô mở rộng không phải bằng từ ngữ của một giấc mơ, mà phải bằng luận cứ khoa học thực tế và cụ thể với các điều kiện đảm bảo thực hiện có hiệu quả, không thể giữ mãi bài ca "bảo đảm nguồn tài chính là đổi đất lấy hạ tầng" với bao nhiêu tiêu cực".
ĐB Đặng Như Lợi: "Quy hoạch Thủ đô mở rộng không phải bằng từ ngữ của một giấc mơ, mà phải bằng luận cứ khoa học thực tế". Ảnh: Phạm Hải
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cũng băn khoăn vấn đề kinh phí khi mở rộng Hà Nội: "Đồng ý là phải chờ quyết định thì mới có dự toán rõ ràng, đầy đủ, nhưng phải nêu được khái toán những vấn đề lớn, kế hoạch trung hạn, dài hạn, ngắn hạn, kể cả kế hoạch 5 năm và năm 2008 này để chúng ta lượng sức chuẩn bị".
Về điều này, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phải từ quyết định chủ trương điều chỉnh địa giới, QH sẽ thông qua ngân sách năm 2009. "Khi có quy hoạch thì sẽ thông qua ngân sách và chủ trương kêu gọi đầu tư để thực hiện các dự án", ông Hùng nói.
Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Hà Nội sau mở rộng phải giải 2 bài toán lớn là giải quyết công ăn việc làm cho nông dân sau khi bị thu hồi đất và giải quyết giao thông đô thị. "Chúng ta nghĩ mở rộng Hà Nội là để giải quyết vấn đề giao thông, nhưng người dân từ khắp các vùng xa xôi vài ba chục cây số cũng lại phải đi xe máy, xe đò về trung tâm để làm việc với các cơ quan chính quyền Hà Nội, vậy giao thông giải quyết được hay tắc nghẽn thêm?".
Câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng (Đắk Nông) là: "Phương án mở rộng Hà Nội do Chính phủ trình là phương án tốt, có nhiều điều kiện thuận lợi để quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại và tạo ra được những tiền đề cơ bản để giải quyết một cách bền vững những vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông".
Thuyết phục QH thông qua phương án mở rộng Hà Nội, ông Dũng đưa ra các con số cho thấy quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội mới khoảng 7%, "chỉ bằng 20-30% so với các nước trong khu vực", số km đường giao thông trên 1 km2 diện tích theo thông lệ mới bằng 20% so với các nước và khẳng định: "Với địa giới hành chính hiện nay, không thể nào thực hiện được quy hoạch giao thông, để đạt được mức trung bình của thế giới và rất khó giải được bài toán giao thông đô thị một cách bền vững và lâu dài".
"Đã tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành"
Trao đổi với báo giới giờ giải lao phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông đang "lắng nghe đại biểu". "Có những ý kiến góp ý đúng và chưa đúng, tôi sẽ phát biểu trước khi QH biểu quyết", Thủ tướng nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thì đề nghị phương án Chính phủ thành lập một Ủy ban đặc trách trực thuộc Thủ tướng về vấn đề điều chỉnh địa giới, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có một tờ trình hợp lý về ý và chặt chẽ về mặt khoa học, được ý Đảng, lòng dân.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tái khẳng định rằng đề án của Chính phủ thiếu cơ sở khoa học, "đặc biệt trong thời đại chúng ta nó phải hợp lòng dân, điều mà cách đây 1.000 năm Lý Thái Tổ đã nhắc đến: hợp lòng trời, hợp lòng người".
Nếu nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc lại câu kết Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn: "Vậy các khanh nghĩ thế nào?" cách đây ngót một nghìn năm thì ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: "Thông tin đến với nhân dân còn quá khiêm tốn, ĐBQH chỉ mới có tài liệu trong những ngày đầu về họp và được cho là nhân dân Hà Nội, Hà Tây, Mê Linh, 4 xã của Hòa Bình đồng tình, nhất trí 100%".
Tuy nhiên, lập luận này bị ĐB Vũ Văn Hiến (Hậu Giang) - GĐ Đài Truyền hình Việt Nam phản bác: "Ở một cơ quan thông tin tuyên truyền, tôi thấy người dân không có vấn đề gì về lòng dân, không có gì căng thẳng và nhiều người dân Hà Tây khi nói về Hà Nội rất phấn khởi".
Ông Hiến cũng nói, nếu lùi thời điểm quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, "vô hình chung chúng ta đẩy mấy triệu người vào một tình trạng qui hoạch treo từ nay đến năm 2010. Chúng ta không nên đánh giá thấp quyết định của HĐND các tỉnh".
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh, việc xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính TP. Hà Nội cơ bản đã "tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành", bằng cách viện dẫn Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND, UBND và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Bộ trưởng Tư pháp cũng cho rằng: "Không nên có sự nhầm lẫn giữa việc lấy ý kiến về điều chỉnh địa giới hành chính với việc lấy ý kiến một quy hoạch xây dựng được nêu trong Luật Xây dựng.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn (Nam Định) "nhận khuyết điểm về việc đã không soát xét kỹ để có những sai sót trong tờ trình như nội dung quá ngắn gọn, chưa rõ nên "đã tạo ra sự hiểu lầm, ví dụ nêu vùng rau xanh, vùng phân lũ, khắc phục độ lõm".
Trong phiên thảo luận, cũng có khá nhiều ĐB thuộc các lực lượng vũ trang lên tiếng ủng hộ đề án mở rộng, với lập luận chung là đề án sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh Thủ đô.
Sau phiên thảo luận, QH đã phát phiếu xin ý kiến các ĐB về phương án điều chỉnh địa giới Thủ đô. Các ĐB sẽ ấn nút biểu quyết vấn đề này vào chiều 22/5 tới.
-
Vân Anh
.