- Sáng 20/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi Luật Xuất bản. Nhiều đại biểu đề nghị phạt thật nặng hành vi in lậu sách, hoặc nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh. Có ý kiến cho rằng cần xem lại luật có chỗ nào tạo điều kiện cho sách lậu tràn lan không.
Chấm dứt thí điểm quản lý sau cai nghiện
Sáng 20/5, QH đã thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 với tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 350.842 tỷ đồng và tổng chi là 385.666 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách là 48.613 tỷ đồng, bằng 5% GDP, trong đó nguồn bù đắp bội chi vay trong nước: 35.864 tỷ đồng, vay ngoài nước: 12.749 tỷ đồng.
Các ĐBQH cũng đã thông qua Nghị quyết về việc giải quyết một số vấn đề sau khi Nghị quyết 16/2003/ QH11 của QH ngày 17/6/2003 về việc thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương hết hiệu lực thi hành.
Theo đó, QH quyết định chấm dứt đề án này. Với những đối tượng đang thực hiện quản lý theo đề án trên thì được kéo dài thời gian theo quy định của đề án nhưng không quá thời hạn Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/1/2009).
Chính sách không khuyến khích sách rẻ
ĐBQH thảo luận ở hội trường. (Ảnh: TTXVN)
Theo ĐB Vi Thị Tuyết (Nghệ An), mức phạt hiện nay đối với tội in lậu chỉ 30 triệu đồng là quá thấp so với mức lợi nhuận thu được. Do vậy, không ít đơn vị sau khi bị xử phạt lại tái phạm.
Mặt khác, bà Tuyết phân tích, hành vi in lậu không chỉ vi phạm Luật Xuất bản mà còn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, trốn thuế và có thể quy vào tội làm hàng nhái, hàng giả. Vì vậy, bà Tuyết đề nghị Chính phủ nâng mức hình phạt lên để đủ sức răn đe.
ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) cho rằng giá sách trên thị trường tương đối cao so với mức thu nhập của người dân, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên - hai đối tượng thường xuyên tiếp cận với sách. "Sách giáo khoa, sách tham khảo, với giá cả của các nhà xuất bản tung ra thị trường hiện nay thì học sinh, sinh viên rất khó có thể mua", bà Vân nói.
Bà Vân lý giải, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sách lậu từ các nhà sách tư nhân vẫn hút khách hàng. Bà Vân đề nghị: "Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động xuất bản để hạ giá thành sách xuống. Đồng thời, phải có cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất bản và lưu thông sách trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, dần dần loại bỏ sách lậu ra khỏi thị trường văn hóa phẩm".
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại đi tìm "gốc" của vấn nạn sách lậu. Theo ông Xuân, cần xem lại quy định của luật có chỗ nào tạo điều kiện cho sách lậu phát hành không. "Phải có cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất bản và lưu thông sách trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng" (Ảnh minh họa)
Lấy ví dụ một cuốn sách nổi tiếng chỉ được một nhà xuất bản in với số lượng 300 cuốn, ông Xuân cho rằng: "Sách hay thì lập tức có sách lậu, sách nhái ở ngoài và giá sách hiện nay của chúng ta rất cao, mà cao một cách không phù hợp, ở chỗ tác giả được hưởng rất ít, sách đắt chủ yếu ở khâu phát hành".
Ông Xuân nhận xét sách càng rẻ thì càng khó bán, vì ta in giá bán ở ngay trên cuốn sách, trong khi khâu phát hành lại hưởng phần trăm từ giá này. Chính vì vậy, ĐB Xuân đề xuất quy định nhà xuất bản chỉ ghi giá bìa là giá xuất xưởng, còn giá bán thì người phát hành phải in và tùy theo vùng gần hay vùng xa, bán được nhiều hay ít, họ có thể điều chỉnh giá trên cơ sở giá bìa và Nhà nước cũng thu thuế trên cơ sở giá bìa.
Một vấn đề khác khiến ĐBQH quan tâm là việc có cho phép ra đời nhà xuất bản tư nhân hay không. Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh (ĐB Đồng Nai) cho rằng đã đến lúc phải đặt vấn đề này dù nhạy cảm.
"Để đảm bảo cho hội nhập quốc tế bình đẳng với tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu cho phép thành lập các nhà xuất bản tư nhân, với quy chế chặt chẽ, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, kiểm soát và có một chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, minh bạch", ông Anh nói.
ĐB - GS. Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng dẫn quy định pháp luật hiện hành cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chỉ được tham gia vào khâu in và phát hành, còn khâu xuất bản dứt khoát phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp.
"Tuy nhiên, Luật Xuất bản năm 2004 đã bắt đầu huy động sự tham gia của xã hội thông qua việc cho phép việc liên kết xuất bản của nhà xuất bản với các công ty sách tư nhân", ông Thuyết nhận định.
-
Vân Anh
.