- "Phải bỏ ngay kiểu đánh giá cán bộ, công chức (CBCC) theo kiểu "con hát mẹ khen hay", thay vào đó, cần đánh giá cán bộ một cách độc lập hiệu quả, trên cơ sở đó đánh giá người đứng đầu. Tránh tình trạng phổ biến là cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về vẫn thường được đánh giá cao"...
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh và ĐB Nguyễn Đình Xuân nêu ý kiến về những quy định về đánh giá và giám sát cán bộ trong dự thảo Luật CBCC sắp được ban hành.
ĐBQH Nguyễn Đình Xuân: "Khoán kinh phí gắn với khoán trách nhiệm". (Ảnh: LN) |
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):
Đo chất lượng CBCC qua sự hài lòng của người dân!
- Dự thảo Luật CBCC lần này đã đề cập đến nhiệm vụ của Thanh tra công vụ trong việc giám sát tuyển dụng, sử dụng cán bộ. Vậy tới đây, những sai phạm của CBCC liệu có được phanh phui sớm và nhanh hơn?
- Thanh tra Công vụ là một công việc rất đặc biệt. Để làm tốt, đội ngũ này phải có thực quyền hơn. Hiện tại vẫn có đội ngũ kiểm tra, giám sát CBCC nhưng hoạt động còn mang tính hình thức.
Những vi phạm của cán bộ tuy phổ biến nhưng chưa thấy cơ quan này phát hiện được gì mà chủ yếu là thông tin từ báo chí và dư luận. Chẳng hạn vụ việc công chức đi uống bia hơi thường xuyên, mà nếu không lùm xùm lộ ra vụ đánh ghen thì không ai biết.
Đội ngũ Thanh tra Công vụ nên giao cho Bộ Nội vụ, nơi mà nhiều nước xem là cơ quan có sức mạnh trong quản lý.
- Vì sao vi phạm của CBCC nhiều nhưng kiểm tra, giám sát lại không phát hiện ra? Khắc phục điều này như thế nào để hoạt động của đội ngũ thanh tra hiệu quả hơn?
- Có nhiều vấn đề trong đó có cả sự nể nang. Làm không khéo thì công chức bé sẽ luôn bị soi, còn quan chức thì được vị nể. Như những cơ quan thực thi pháp luật khác, cơ quan thanh tra cũng như trọng tài, sẽ có những quyền năng nhất định, đồng thời cũng có một số ràng buộc pháp luật để không lợi dụng quyền hạn.
- Nhưng hành vi nhũng nhiễu của một bộ phận CBCC thường xuyên tiếp xúc với dân rất tinh vi, nhiều khi do người dân tự nguỵện giúi phong bì để việc "chạy" khiến thanh tra công vụ khó phát hiện. Thay đổi điều này thế nào để làm trong sạch đội ngũ CBCC?
-
Theo báo cáo 2007 của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Bộ Y tế, cán bộ, công chức là đối tượng lạm dụng rượu bia nhiều nhất. |
Đạo đức và lương tâm là vấn đề pháp luật không đo được mà chỉ đo qua kết quả công việc, qua sự hài lòng của người dân.
Công chức cũng cần có mức lương phù hợp để họ yên tâm. Tất nhiên tăng lương là phải có lộ trình và quan trọng là giảm những chi phí thừa như giảm biên chế. Nhiều phòng ban có rất nhiều người nhưng không làm việc gì cụ thể, thậm chí gây ách tắc. Hoặc, các chuyên viên đều đã thạo máy tính thì không cần có thêm 1 người chuyên ngồi đánh máy tính.
Cần phải có lộ trình giảm dần. Khoán kinh phí cũng là một trong những giải pháp đúng đắn vì khoán kinh phí gắn với khoán trách nhiệm.
Chất lượng công chức là vấn đề được báo động nhiều nhưng chưa chuyển biến, mấu chốt là các quy định, pháp lệnh về tổ chức cán bộ vẫn còn thiếu điều gì?
- Cơ bản là thiếu một bản mô tả công việc. Gần như các cơ quan, thậm chí các phòng ban đều thiếu những bản mô tả công việc cụ thể rằng công chức đó cần phải làm những việc gì và làm như thế nào thì được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên mới có những cơ quan gần 1/2 là chiến sĩ thi đua, còn lại là lao động giỏi, do đánh giá lẫn nhau. Mà kết quả công việc thì người dân vẫn cứ kêu ca, phàn nàn.
- Vậy là cần thay đổi cách thức đánh giá CBCC?
- Bỏ ngay kiểu đánh giá "con hát mẹ khen hay", thay bằng đánh giá độc lập hiệu quả, trên cơ sở đó đánh giá người đứng đầu. Lâu nay vẫn có quy định để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng thực chất, quy chế chưa rõ ràng.
Tình trạng phổ biến hiện nay là sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về vẫn là những người được đánh giá khá cao. Còn những người năng nổ, nhiệt tình, nhưng nếu chẳng may gặp phải một sai phạm nào đó, có thể vẫn sẽ bị đánh giá thấp hơn.
Đạo đức và lương tâm là vấn đề pháp luật không đo được mà chỉ đo qua kết quả công việc, qua sự hài lòng của người dân. (Ảnh minh họa: Internet) |
95% dân hài lòng dịch vụ hành chính công - Ai tin?
- Cùng với giám sát của các cấp ủy Đảng, thanh tra, thì tiếng nói của người dân cũng là một kênh thông tin để đánh giá công chức. Vậy dự án Luật lần này đã có quy định nào về cơ chế tiếp nhận phản hồi của người dân với hoạt động của CBCC chưa?
- Hòm thư góp ý cũng như những ý kiến phản hồi của người dân cần được tiến hành công khai, minh bạch và khoa học thì mới có giá trị. Người dân cần biết những góp ý đến được với ai, có được lắng nghe hay không và có một cơ chế giải trình như thế nào.
Vừa rồi nhà nước vừa công bố một điều tra xã hội học mà theo đó tới 90 - 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công. Và không một ai tin con số này. Rõ ràng chúng ta đã làm điều tra, cũng như có hòm thư góp ý, nhưng cần xem lại phương pháp.
"Vừa rồi, ở Cà Mau có nói, nếu tố cáo tham nhũng sẽ được thưởng 100 triệu đồng. Tất nhiên với 1 vụ phá rừng quy mô lớn, những người phanh phui được sự thật phải lặn lội thu thập chứng cứ thì nếu có thưởng 100 triệu cũng xứng, vì có người đã bỏ mạng vì đấu tranh với lâm tặc". ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): |
Tất nhiên không loại trừ thông tin vu khống. Nhưng hậu quả của việc chỉ trích cơ quan công quyền là khá nặng nên không ai dám làm điều này. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích biểu dương những người gửi ý kiến phản ánh xác đáng.
- Dự án luật CBCC mà QH đang bàn thảo đã bao quát hết những chỗ vướng hiện nay chưa?
- Cuối cùng vẫn là hiệu quả thực thi, còn dự án luật hiện nhiều điều còn có kẽ hở, nên xây dựng kín kẽ hơn.
Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh (Quảng Nam):Nhiều phản ánh của dân đã được xác minh chưa?
Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh: "Luật cần hoàn thiện hơn". (Ảnh: LN)
Thanh tra công vụ nên là thanh tra chuyên ngành. Đội ngũ này nếu hoạt động sẽ nâng cao được tinh thần trách nhiệm của CBCC, giảm sự nhũng nhiễu, phiền hà. Tuy nhiên, cũng chỉ một bộ phận CBCC làm sai có thái độ nhũng nhiễu.
Còn những trường hợp cán bộ làm sai, phát hiện đến đâu đều xử luôn đến đó. Nhiều trường hợp nhân dân phát hiện ra nhưng chúng ta có tiếp thu hay không? Thực chất đã có nhiều phản ánh của nhân dân nhưng chúng ta vẫn chưa tiến hành điều tra, xác minh đến nơi đến chốn.
Luật CBCC ra đời sẽ tiêu chuẩn hóa về đội ngũ một cách rõ ràng, minh bạch hơn. Đồng thời khuyến khích tinh thần phục vụ nhân dân.
Dự thảo Luật quy định về thanh tra công vụ với nhiệm vụ thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCC các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ (Chương VI). Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh tra công vụ là thanh tra hoạt động của công chức trong việc thực hiện công vụ chứ không chỉ là thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Phạm vi thanh tra quy định như dự thảo Luật chỉ liên quan nhiều đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Quy định như vậy không đáp ứng được yêu cầu về nội dung cũng như công tác tổ chức. |
-
Lê Nhung (ghi)