221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1068311
Thẻ Bảo hiểm y tế nên được dùng như thẻ ATM
1
Article
null
Thẻ Bảo hiểm y tế nên được dùng như thẻ ATM
,

 - Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng từ 3% lương như hiện nay lên 5%, hoặc tối đa 6%, theo dự luật BHYT được bàn thảo trong phiên họp QH chiều 26/5. Tuy nhiên nhiều ĐB e ngại tăng mức đóng mà chất lượng khám chữa bệnh không tăng chưa kể thủ tục còn phiền hà.

Tăng gấp đôi mức đóng Bảo hiểm y tế

Mô tả ảnh.

Chen chúc đăng ký khám bằng BHYT. (Ảnh giadinh.net.vn)

Theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, vì mức phí BHYT hiện quá thấp, gây mất cân đối thu chi nên Bộ Y tế đề xuất tăng lên tối đa 6% lương, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3.

Báo cáo kết quả thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, chỉ nên quy định ở mức 5% lương, các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cũng được đảm bảo bằng 3% lương tối thiểu chung. Đại diện UB các vấn đề xã hội giải thích: "Tình trạng thu không đủ chi vừa qua có nguyên nhân do mệnh giá thẻ BHYT tự nguyện và BHYT người nghèo quá thấp. Cần giải quyết bằng việc điều chỉnh tăng mức đóng hai  loại bảo hiểm này sau đó mới nên tính tới việc tăng mức phí BHYT bắt buộc".

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) khuyến cáo: "Tăng gấp đôi như vậy là khá cao vì thực tế vừa qua việc đóng BHYT đang gặp khó khăn. Người sử dụng lao động tìm cách trốn đóng nhằm giảm chi phí"

Bà Tâm nói thêm, để xảy ra tình trạng trốn lậu thuế như lâu nay đã cho thấy việc quản lý thuế của các DN rất khó khăn. "Giờ liệu tăng mức đóng BHYT lên, các cơ quan có đủ điều kiện, nguồn lực và các cơ sở để buộc DN đóng đủ không?".

ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cũng lo ngại, hiện thu nhập của người lao động và cán bộ, viên chức còn rất khó khăn. Tăng như vậy, Chính phủ nên cân nhắc và giải trình thêm cơ sở của việc quy định tỷ lệ 6%.

Lưu ý tình trạng mất cân đối thu chi ngoài mức phí đóng bảo hiểm thấp còn có những nguyên nhân khác, ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) phân vân: "Ban soạn thảo đã tính được tăng thu gấp đôi có phù hợp với tình hình thực tế chưa?Nếu so sánh mức thu của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới thì thấp hay cao và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế đến đâu?".

Bà Lan cho rằng nên quy định theo mức thu nâng dần để có thể tạm cân đối ngân quỹ hoặc giảm bội chi, chứ không nên nâng gấp đôi mức thu, hoặc có thể đặt ra lộ trình nâng mức thu gắn với nâng dần quyền lợi của người đóng bảo hiểm.

 "Luật được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm, lấy số đông bù số ít, mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, không phụ thuộc vào mức đóng. Tuy vậy, mức đóng không nên quá chênh lệch", bà Lan nói.

 Đồng thời bà Lan kiến nghị tăng mức phí phải đi đôi cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh.

Cùng chi trả: Thủ tục phiền hà, đẩy khó khăn cho người bệnh

Mô tả ảnh.

Bốn trẻ sơ sinh phải nằm chung trong một khoang. (Ảnh chụp tại khoa sơ sinh BV Nhi đồng TƯ). Ảnh: LN

Cho rằng đã tăng mức phí đóng bảo hiểm thì không nên có thêm điều khoản bệnh nhân phải cùng chi trả  các mức 5%, 20% phí mà như giải trình của Bộ Y tế là để bệnh nhân được giám sát mức chi từ quỹ bảo hiểm dành cho mình, ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai) kiến nghị, tốt hơn cả là  Bộ y tế nên ban hành quy chuẩn về sử dụng dịch vụ kỹ thuật trong điều trị bệnh nhân ngoại trú. 

Ngoài ra, cần phải có quy định cụ thể trong Dự án luật về quản lý giá thuốc, đấu thầu giá thuốc để chi quỹ bảo hiểm hợp lý, sớm khắc phục tình trạng giá thuốc mà quỹ BHYT phải thanh toán cho một số bệnh viện cao hơn giá bên ngoài.

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) bổ sung, việc cùng chi trả không chỉ gây tốn kém mà còn rất phiền hà về thủ tục, chưa kể tăng thêm nhân lực, gây tốn kém ngân sách."Không nên viện dẫn vì khó quản lý do tiêu cực mà đẩy khó khăn cho người bệnh. Tiêu cực đối với BHYT bao gồm cả từ phía người bệnh, lẫn một số thầy thuốc, cán bộ quản lý, tại sao chỉ buộc người bệnh phải gánh chịu mà không thấy trách nhiệm của người thầy thuốc và cán bộ đâu?", ông Việt thẳng thắn.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cũng cho rằng, dùng dịch vụ kỹ thuật gì, xét nghiệm thế nào chỉ bác sĩ là người quyết định, bệnh nhân hay đại diện quỹ bảo hiểm y tế đều không thể can thiệp. "Nói là để tránh lạm dụng quỹ và người bệnh tự giám sát là chưa thuyết phục", ông Sơn khẳng định.

Thẻ BHYT nên được dùng như thẻ ATM

Nhấn mạnh tính khả thi của hình thức BHYT tự nguyện, ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) đề xuất nên có sự đa dạng hóa các chế độ bảo hiểm. Theo đó,  song song với việc quy định chế độ BHYT tự nguyện hiện hành, cần nghiên cứu, triển khai quy định thêm các chế độ bổ sung nhằm đến nhóm đối tượng có thu nhập cao muốn tham gia bảo hiểm để hưởng các dịch vụ y tế cao hơn so với gói quyền lợi cơ bản.

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cũng tán đồng với đề xuất này,

TIN LIÊN QUAN
Theo bà Hải, Luật cần bổ sung quy định mức đóng theo các gói, trong đó ngoài gói cơ bản nên có thêm gói dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu cao hơn, với mức đóng cao tương ứng. "Như vậy, theo hình thức này tất cả mọi người khi tham gia bảo hiểm đều nhận được sự chăm sóc như nhau nên dù với mức đóng thấp nhất thì người tham gia bảo hiểm vẫn được bảo đảm quyền lợi theo gói cơ bản. Tất nhiên với những mức đóng bổ trợ cao hơn thì sẽ có những loại dịch vụ tương ứng kèm theo", bà Hải nói.

Giải đáp băn khoăn của nhiều ĐB về tình trạng vượt tuyến, ĐB Trần Hồng Việt cho rằng người có thẻ BHYT nên được quyền khám chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện trong phạm vi cả nước, miễn là các bệnh viện này đã có hợp đồng với BHYT không phân biệt địa giới hành chính.

"Tại sao các dịch vụ ngân hàng họ sử dụng thẻ ATM là hoạt động trong phạm vi cả nước mà thẻ BHYT lại không được. Chẳng ai cảm lạnh, sổ mũi, nhức đầu do trái gió trở trời mà chi phí tàu xe mấy trăm cây số đổ về bệnh viện lớn, khám xong nhận được mấy vỉ thuốc vài chục ngàn đồng bạc", ông Việt khẳng định.

ĐB này giải thích, quỹ BHYT thống nhất từ TƯ, do Nhà nước làm đầu mối vì vậy rất nên ứng dụng CNTT vào quản lý. "Nếu hiện nay chưa đủ khả năng để thực hiện thì nên xây dựng lộ trình để hiện đại hóa hoạt động này", ông Việt nói.

Xung quanh dự án luật lần đầu tiên đưa ra này, QH sẽ tiếp tục dành cả buổi sáng 27/5 và nửa buổi chiều để thảo luận.

Tôi thấy yếu kém nhất hiện nay phải kể đến đó là quỹ BHYT kêu trời vì thủng quỹ, người dân than về thủ tục phiền hà, chất lượng khám chữa bệnh, bác sỹ kêu ca khung giá dịch vụ kỹ thuật không hợp lý.

Hiện tại cả 3 bên tham gia đều không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, trong đó Dự thảo luật trình ra QH lần này chưa giải quyết một cách căn cơ những tồn tại trên.

Dự thảo luật chỉ quy định những nguyên tắc, còn tất cả những tồn tại vướng mắc trong thời gian qua, tôi đọc đều thấy giao cho Chính phủ, giao cho Bộ hướng dẫn thực hiện như mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế, quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế, dẫn đến luật của ta trở thành một ví dụ rất tiêu biểu về luật khung, luật ống. (ĐB Nguyễn Văn Sơn - Tuyên Quang)
 

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,