- "Cắt giảm chi tiêu những dự án có vốn từ ngân sách nhà nước là việc cực kỳ khó khăn. Chính phủ phải có biện pháp hành chính chứ địa phương không thể tự làm được" - Nhận định của TS Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Cần sự can đảm của Thủ tướng và các bộ trưởng
TS Nguyễn Đức Kiên: "Chính phủ bắt buộc phải có biện pháp hành chính". Ảnh: VA
- Ông nhận định thế nào về các con số 30 địa phương, 9 bộ, ngành báo cáo số công trình cắt giảm tổng cộng gần 600 dự án, với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng?
Con số 30 tỉnh và 9 bộ, ngành mới báo cáo nói lên một điều, đó là việc cắt giảm chi tiêu những dự án có vốn từ ngân sách nhà nước là việc cực kỳ khó khăn - khó hơn là khi chúng ta ngồi bàn với nhau ban đầu.
Trong 8 nhóm giải pháp của Thủ tướng, nhóm giải pháp thứ 4 là cắt giảm đầu tư công thì ngay khi thảo luận, phía Ủy ban Kinh tế đã nói là cần làm rõ ra, cắt phải có địa chỉ và cắt phải có chủ trương.
Nếu không có chủ trương đúng thì chúng ta sẽ gặp ngay khó khăn. Trong một bề mặt phát triển kinh tế của đất nước như thế này thì địa phương nào cũng có đầy đủ lý lẽ để chứng minh những dự án của người ta là cần cả.
Bây giờ phải làm thế nào? Ở đây đòi hỏi là phải hy sinh, hy sinh quyền lợi của địa phương cho lợi ích lớn của cả đất nước.
Cá nhân tôi nghĩ rằng Chính phủ phải ra tay chứ địa phương không thể làm được, trên cơ sở ý kiến của địa phương thì Chính phủ phải quyết định.
- Nghĩa là phải có biện pháp hành chính?
Chính phủ bắt buộc phải có biện pháp hành chính nếu từ giờ cho đến hết kỳ họp Quốc hội (4/6 - PV), các địa phương, bộ, ngành còn lại vẫn không báo cáo. Bởi vì ngân sách chúng ta phân từ trên xuống dưới qua 4 cấp, từ Chính phủ xuống UBND, HĐND các tỉnh, thành.
Bây giờ nếu địa phương không làm được thì theo Luật Tổ chức Chính phủ, chúng ta phải làm việc ấy. Và chúng ta phải nói rõ, dự án của anh khi phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng phê duyệt và bây giờ với tư cách người điều phối kinh tế vĩ mô thì thôi, anh phải dừng.
Người đứng đầu Chính phủ và các bộ trưởng là tư lệnh các bộ, ngành phải có can đảm, dũng cảm nói lên điều ấy.
- Có chuyên gia nhận định rằng, phải cắt giảm được 20.000 tỷ đồng thì mới thực sự có ý nghĩa trong việc chống lạm phát. Ông có chia sẻ với ý kiến này?
Tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 112.000 tỷ đồng, cắt giảm 10% như mục tiêu của chúng ta có nghĩa là 11.200 tỷ. 20.000 tỷ là gần gấp đôi con số này thì phải xét, bởi đây là một liệu pháp sốc mà ta có thể đạt được, nhưng nếu quá chú trọng chống lạm phát mà không đảm bảo an sinh xã hội thì lại không đúng chủ trương.
Tôi cho rằng 11.200 tỷ đã là khó đạt rồi, còn 2.000 tỷ mà các địa phương, bộ, ngành báo cáo mới chỉ thể hiện là chúng ta có ý thức để cắt nhưng đúng là chưa đạt yêu cầu.
Một nhà thầu thì khó có thể mà chạy được, vì việc cắt giảm còn phụ thuộc rất nhiều vào chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường kinh tế nằm trong dự án ấy. (Ảnh minh họa: IE) |
Có lẽ lãnh đạo bộ cũng không thống nhất nổi!
- Chưa đến phân nửa bộ, ngành, địa phương lên được danh mục dự án cần cắt giảm, theo ông đã phải xử lý những người đứng đầu chưa?
Sẽ rất khó xử lý, bởi vì khi người ta đã đứng đầu một địa phương, một bộ, ngành mà người ta không làm được kết luận của Thủ tướng thì người ta phải có lý do.
Có khi trong nội bộ ban cán sự Đảng của bộ ấy "đấu" với nhau hoặc lãnh đạo bộ thảo luận cũng không thống nhất nổi. Vấn đề là chỗ ấy. Cho nên nếu chưa tạo được sự thống nhất cao trong ban cán sự Đảng hoặc lãnh đạo bộ thì làm sao mà trình Thủ tướng được.
- Có địa phương như Hà Nội đã trình danh mục dự án cắt giảm nhưng lại chuyển toàn bộ kinh phí cắt giảm đó cho những dự án mà họ cho là thật sự bức thiết, có hiệu quả và có thể hoàn thành ngay trong năm nay?
Vấn đề là phải nhìn xem họ tiết kiệm chi là bao nhiêu, còn việc chuyển hay không thì theo Luật Ngân sách, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có quyền chuyển theo nghị quyết của họ.
Cái chúng ta cần quan tâm là họ có cắt được theo tỉ lệ 10% mà Thủ tướng yêu cầu không, nếu chưa giảm được 10% mà đã chuyển thì họ sai.
Không thể nói không có chuyện "chạy"
- Ông có lo ngại rằng việc cắt giảm dự án để chuyển tiền sang dự án khác có thể dẫn đến tình trạng là các nhà thầu sẽ "chạy" để dự án được tiếp tục?
Tôi cho là một nhà thầu thì khó có thể mà chạy được, vì việc cắt giảm còn phụ thuộc rất nhiều vào chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường kinh tế nằm trong dự án ấy. Nhưng tất nhiên là chúng ta không thể nói là không có chuyện "chạy". Người ta sẽ "chạy".
Chúng tôi đang trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư cắt như thế nào, cắt công trình của TƯ hay của địa phương, phải có những lập luận có sức thuyết phục. Phải lưu ý là có một số địa phương chúng ta không được cắt đồng nào và ngược lại, có những địa phương phải cắt rất nhiều.
- Ông vẫn kiên định với quan điểm không cắt giảm kiểu bình quân chủ nghĩa?
Có những địa phương mà nếu không tiếp tục đầu tư thì đời sống bà con sẽ rất khó khăn, hoặc là hỗ trợ trực tiếp cho bà con nông dân thì dứt khoát phải giữ. Nhưng đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, khả năng kinh tế là có thì đề nghị bản thân họ cân đối nguồn vốn của địa phương, không được phát triển nữa.
Những dự án nào của Trung ương trên đất của Hà Nội, TP. HCM cảm thấy còn vướng thì không triển khai vội.
Cắt nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tổng mức đầu tư của Nhà nước giao cho địa phương, 10% của 200 tỷ cho một tỉnh miền núi thì rất nhỏ, nhưng vốn trung ương đầu tư ở Hà Nội chẳng hạn, lên đến nhiều nghìn tỷ, 10% đã là 500 tỷ rồi.
- Ngoài ra, chúng ta có cần xem xét những dự án trị giá hàng nghìn tỉ đồng của các tập đoàn kinh tế Nhà nước?
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm, nhưng vấn đề ở đây là phải xem họ có vốn như thế nào, chứ các tập đoàn không có hàng nghìn tỷ đồng để làm các dự án đó. Nếu các tập đoàn hợp vốn và chỉ có 10 - 20% vốn của dự án thì mình khó can thiệp. Nhưng nếu 45% trở lên thì can thiệp được.
-
Vân Anh