- "Nếu chúng ta kết hợp nhiều nguồn thông tin từ nhiều cơ quan có trách nhiệm thì tôi nghĩ sẽ phát hiện nhiều trường hợp không trung thực, chứ không phải chỉ có trường hợp Viện trưởng Viện trưởng VKSND Cà Mau", Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Truyền nói bên hành lang Quốc hội.
Khó yêu cầu tất cả tự giác ngay
- Dù tháng 4 là thời hạn báo cáo về kê khai tài sản, nhưng đến nay, TTCP mới nhận được tổng hợp của 15 bộ, ngành và 24 tỉnh, thành. Ông nhận định thế nào về sự chậm trễ này?
Chủ trương kê khai tài sản là một trong những chủ trương quan trọng để góp phần kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, để từ đó góp phần vào việc phòng và chống tham nhũng. Lẽ dĩ nhiên đây là việc làm mới, có tính đồng bộ, đồng loạt và mang tính pháp lý. TTCP đã giúp Chính phủ có một thông tư hướng dẫn và một kế hoạch cũng rất đầy đủ, tiến hành đúng thời điểm, tức tháng 12 và kết thúc vào quý 1 để tháng 4 báo cáo lên Chính phủ.
Đến nay, nhìn chung các địa phương đã tiến hành kê khai xong nhưng nhiều nơi tổng hợp báo cáo cho TTCP chậm so với quy định. Việc chậm này không làm ảnh hưởng đến kết quả cũng như chất lượng của việc kê khai tài sản bởi đã được kê khai vào đúng thời điểm.
Tổng TTCP Trần Văn Truyền và Phó Thủ tướng, Phó Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng bên hành lang QH sáng 31/5. Ảnh: VA
TTCP đang thúc đẩy các địa phương, bộ, ngành tiến hành tổng hợp. Hôm qua chúng tôi đã thông báo là nếu đến 15/6 bộ, ngành, địa phương nào không báo cáo thì chúng tôi sẽ báo cáo lên Thủ tướng để Thủ tướng xử lý.
- TTCP có đề nghị mức xử lý cụ thể không?
Trong hướng dẫn chúng tôi chưa đưa ra chế tài gì mà chỉ yêu cầu báo cáo đúng thời điểm thôi. Nhưng nếu lần này lại chậm nữa thì đây là vấn đề có tính chất chủ trương lớn cho nên phải chấp hành nghiêm.
Nếu nơi nào không nghiêm thì phải báo cáo rõ lý do với Thủ tướng, nếu không có lý do chính đáng thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét trách nhiệm.
- TTCP đã đánh giá chất lượng kê khai chưa?
Về chất lượng kê khai, lúc này chúng tôi chưa đánh giá được. Kê khai là một cơ sở pháp lý để quản lý , giám sát cán bộ, ít nhất là đánh giá thái độ trách nhiệm, sự trung thực của cán bộ, từ đây làm cơ sở pháp lý để khi cần thiết, có dư luận phản ánh hoặc có đơn thư tố cáo thì lấy căn cứ này để xác minh xem cán bộ đã trung thực hay chưa và nếu như không trung thực thì phải bị xử lý.
Tức là nếu anh không trung thực thì tài sản anh giấu giếm đó sẽ được công khai và khi đã công khai thì đi liền với việc xử lý trách nhiệm.
Nói là ngay bây giờ cán bộ đã kê khai trung thực, đầy đủ hết thì tôi chưa đánh giá được vì chưa có kết quả trong tay và phải nói là nếu mình đưa ra yêu cầu mọi người phải tự giác ngay từ đầu hết thì cũng khó.
"Công khai trước công luận hay chưa lại là việc khác"
- Ông từng nói ngoài cán bộ từ phó phòng trở lên theo quy định phải kê khai tài sản thì cả những người ở một số vị trí khác như cảnh sát khu vực cũng phải kê khai. Ông có góp ý điều này với Bộ Nội vụ để bổ sung vào Đề án kiểm soát thu nhập không?
Với tư cách được Thủ tướng ủy quyền, TTCP đã nói rõ đối tượng rồi. Bước thứ nhất là làm theo Luật. Một số đối tượng không phải trưởng, phó phòng nhưng nắm việc, nắm tiền của Nhà nước, của xã hội thì cũng phải kê khai. Trong thông tư của TTCP đã hướng dẫn rõ rồi.
Riêng với TTCP, chúng tôi làm đến tất cả thanh tra, tức là cả thanh tra viên cũng kê khai.
- Nhưng thưa ông, nếu không công khai tài sản mà cán bộ kê khai thì làm sao giám sát được cán bộ?
Tôi đã nói nhiều lần rồi, việc kê khai là để ít nhất giúp các tổ chức có trách nhiệm quản lý cán bộ, làm cơ sở để quản lý thu nhập của họ, còn việc công khai tài sản là theo Luật.
Luật quy định trường hợp nào phải công khai thì trường hợp đó phải công khai, ví dụ một số chức danh trước khi bầu cử, hoặc khi kê khai không đầy đủ thì khi xác minh phát hiện được, yêu cầu phải công khai là công khai chứ không phải ai cũng phải công khai.
Còn việc giám sát thì tốt nhất là những tổ chức quản lý công chức đó phải chịu trách nhiệm. Còn trong xã hội nếu thấy cán bộ A, B nào đó có tài sản bất minh thì hãy phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này xem xét.
- Trong số các địa phương báo cáo kê khai tài sản, TTCP có nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nào chưa?
Việc tố cáo này không phải chờ đến thời điểm này mới có mà từ lâu đã có rất nhiều đơn thư rồi. Người dân tố cáo khi thấy cán bộ nào đó chỉ có đồng lương hay nguồn thu nhập rất bình thường mà lại có tài sản rất lớn.
- Đã có cơ quan nào đi xác minh những tố cáo đó chưa?
Trước mắt tôi thấy có lẽ chỉ có trường hợp Viện trưởng VKSND Cà Mau, nhưng ở đây, phản ánh cũng có từ trước khi có kê khai tài sản, đến khi kê khai lại thấy không đầy đủ nên xem xét lại.
- Ông thấy thế nào khi bao nhiêu tỉnh, thành mà chỉ có mỗi trường hợp này?
Đây là trường hợp mà các cơ quan công luận cùng các ngành, các cấp phát hiện, còn nếu chúng ta kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều cơ quan có trách nhiệm thì tôi nghĩ sẽ có nhiều trường hợp chứ không phải chỉ có trường hợp này.
Nhưng có điều là được công khai trước công luận hay chưa, đó lại là việc khác.
-
Vân Anh