221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1070186
"Không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với nỗ lực chủ quan"
1
Article
null
'Không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với nỗ lực chủ quan'
,

 - Thay vì đối thoại trực tiếp với ĐBQH tại Hội trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng hơn 60 phút để giải trình bằng văn bản các câu hỏi mà ĐB đã gửi trước đó. Những thắc mắc mà ĐB dự kiến đưa ra đối thoại cũng sẽ được gửi để Thủ tướng tiếp tục trả lời bằng văn bản sau kỳ họp QH.

Mô tả ảnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trước khi đăng đàn QH.  Ảnh: Lê Nhung

Sẽ kiểm toán độc lập hoạt động tập đoàn

Về vấn đề "tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành" đang khiến dư luận lo ngại và cũng làm nóng suốt hai ngày chất vấn, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Tuy hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp nhưng các tập đoàn, tổng công ty NN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá. Một số DN xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường".

Thủ tướng nói, tổng vốn đầu tư vào BĐS, chứng khoán, ngân hàng đến nay là 7.370 tỷ đồng, con số không nhỏ "nhưng  chưa phải là cao so với vốn chủ sở hữu và tổng giá trị tài sản DN". 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Tập đoàn, Tổng công ty NN đang hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nắm giữ khối lượng lớn tài sản QG, chiếm tỷ trọng cao nợ nước ngoài và nợ các NH trong nước của khối DN. Hiệu quả hoạt động của khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế".

"Tính đến 31/12/2007, có 13 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư tài chính với tổng giá trị 1.061 tỷ đồng.19 TĐ, TCT góp vốn thành lập NH với 4.426 tỷ đồng. 13 TĐ, TCT góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với 420 tỷ đồng. Có 18 TĐ, TCT góp vốn đầu tư vào bất động sản với 1.463 tỷ đồng.

Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết việc thí điểm mô hình này và sẽ  ban hành nghị định. "Còn trước mắt sẽ kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty NN đầu tư vào BĐS, chứng khoán, ngân hàng. Đồng thời sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp đổi mới DNNN, thực hiện có hiệu quả việc cổ phần hoá, hình thành đa sở hữu", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, "hoạt động của khối DN này phải được giám sát chặt chẽ, đánh giá đầy đủ, nghiêm túc, minh bạch thông qua kiểm toán độc lập, tin cậy nhằm nắm chắc thực trạng. Như vậy, mới kịp có giải pháp phù hợp để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các DN này".

Ông Dũng khẳng định: "Phải khẩn trương xác định rõ hơn các nội dung cụ thể về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà lực lượng quan trọng là DNNN, tránh tự mâu thuẫn khi sắp xếp đổi mới DNNN".

Để đưa lạm phát xuống thấp cần phải có thời gian

Người đứng đầu Chính phủ cũng tranh thủ giải trình thêm căn cứ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% và dự kiến chỉ số lạm phát.

Theo đó, tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu tổng hợp, định hướng, là căn cứ quan trọng để xác định chính sách, phân bổ nguồn lực và để tính toán các chỉ tiêu khác.

Do ưu tiên kiềm chế lạm phát, Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, rà soát điều chỉnh đầu tư công, tiết kiệm chi tiêu ngân sách... và những biện pháp này đã làm giảm tăng trưởng. "Ngoài ra, do giá cả thế giới, do kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam suy giảm làm cho xuất khẩu của ta gặp khó khăn, đầu tư gián tiếp từ nước ngoài có phần giảm sút... nên việc giảm tốc độ tăng trưởng là một yêu cầu thực tế và cần thiết", Thủ tướng giải thích.

Thủ tướng: "Chúng ta phải theo dõi tình hình, cập nhật đầy đủ thông tin, thận trọng, phân tích, dự báo, đánh giá để có phản ứng chính sách thích hợp".

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc:  Vào tháng 8/2007, khi Bộ KH – ĐT cảnh báo và đưa ra chỉ số giá cả 7 tháng đầu năm 2007, Thủ tướng nói mức tăng này là cao, phải điều hành lại. 2 tháng tiếp theo đã giảm chỉ 1,1%, tức khoảng 0,5%/tháng.

Nhưng sau đó lại buông lỏng, mất cảnh giác vì khí thế đang lên, thu hút đầu tư tốt, dự báo lại nói chúng ta như con hổ đang lên, nên đã để tăng 5% trong 3 tháng còn lại, khiến CPI tăng 12,63% cả năm. Phối hợp các ngành chưa đạt yêu cầu, thậm chí số liệu không đầy đủ”.

Về lý do chọn con số 7%, Thủ tướng nói, đã giao Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH -ĐT) phối hợp với các tổ chức quốc tế tính toán các khả năng tăng trưởng và kết quả có 3 kịch bản: 7,2%, 7,6% và  6,7%. Chính phủ đã chọn phương án 7%.

"Mức tăng này cũng tương đương với dự báo của một số tổ chức quốc tế về tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước ta năm 2008 và phù hợp với xu thế giảm chỉ tiêu tăng trưởng ở nhiều nước trên thế giới từ 0,5 đến 2%", ông Dũng nói.

Về lý do tại sao chưa đưa ra dự kiến về chỉ số lạm phát năm 2008, Thủ tướng nói, tình hình trong và ngoài nước đang diễn biến phức tạp, khó dự báo nên CP chưa đủ căn cứ vững chắc để trình QH con số cụ thể. 

"Chính phủ đề nghị QH chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2008 là: “Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần, tạo cơ sở để đưa tốc độ tăng giá xuống một con số trong vài năm tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cam kết: "Không thể giảm nhanh lạm phát chỉ với những nỗ lực chủ quan, mặt khác để tránh những tác động bất lợi khác cho nền kinh tế cũng không nên giảm lạm phát một cách đột ngột. Kinh nghiệm chống lạm phát của các nước và nước ta trong những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho thấy, để đưa lạm phát xuống thấp cần phải có thời gian".

"Nếu không đủ quyết tâm, chỉ đạo không quyết liệt, hành động không khẩn trương và đồng bộ, không thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thì dù mục tiêu có đúng, giải pháp có tốt cũng không đạt được kết quả như mong muốn", Thủ tướng thừa nhận.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chống lạm phát, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân. Chính phủ sẽ rất coi trọng công tác kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý những vấn đề mới nẩy sinh nhằm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên từng công việc cụ thể, qua từng thời gian, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Người dân cần thận trọng với những thông tin không rõ nguồn gốc

Dẫn lại bài học sốt gạo vừa qua, người đứng đầu Chính phủ cam kết: "Sẽ thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, chủ động ngăn chặn đầu cơ nâng giá".

Thủ tướng nói: "Thông tin có tác động nhanh, mạnh đến thị trường giá cả. Thông tin không chính xác sẽ gây bất ổn làm thiệt hại cho người dân. Trong tình hình này sẽ tạo thêm khó khăn cho kiềm chế lạm phát".

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "ĐB muốn biết SCIC đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua chứng khoán? Lỗ, lãi ra sao. Nhưng theo quy định việc kinh doanh chứng khoán là số liệu tuyệt mật, xin phép QH cho chúng tôi không công bố. Trong bối cảnh hiện nay thị trường như thế này mà công bố ra thì có thể tác động bất lợi". 

Thủ tướng cũng thừa nhận, có nguyên nhân từ việc tổ chức thông tin: "Dù đã có quy định về cung cấp thông tin nhưng việc thực hiện thời gian qua chưa tốt".

Vì vậy, Thủ tướng  khẳng định, sắp tới, các cơ quan quản lý NN phải chủ động cung cấp thông tin chính thức cho dân, cho đài báo cũng như DN để nắm rõ tình hình, chủ động ứng xử.

 "Phải thiết lập hệ thống thông tin báo cáo thông suốt từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, phối hợp chặt chẽ để khi xuất hiện những thông tin không chính xác trong dư luận phải kịp thời xử lý, điều chỉnh, định hướng đúng nhằm ngăn chặn những tác động bất lợi tới sự ổn định của thị trường, giá cả", Thủ tướng nhắc lại.

Chính phủ cũng khuyến nghị nhân dân tin tưởng vào thông tin chính thức, thận trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc. Báo đài cũng cần vào cuộc ủng hộ Chính phủ.

"Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm việc đưa những thông tin sai lệch gây mất ổn định thị trường và những trường hợp tung tin sai lạc để trục lợi", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giải trình thêm băn khoăn của ĐB về phương án đối phó nhập siêu và các giải pháp bình ổn giá cả, đảm bảo an sinh.

"Mỗi gia đình, mỗi người dân đang phải giảm bớt chi tiêu, vất vả lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với đồng bào và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, càng phải ra sức phấn đấu quyết liệt để kiềm chế lạm phát", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, biến động vừa qua giúp Chính phủ nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính phức tạp trong quản lý một nền kinh tế đang chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; càng thấy rõ hơn những bất cập, yếu kém của mình; mỗi thành viên Chính phủ cũng có thêm những bài học mới, kinh nghiệm mới.

"Chính phủ nhận thức rằng: thái độ nhận khuyết điểm tích cực và có trách nhiệm nhất là nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những bất cập, yếu kém của mình với tinh thần thực sự cầu thị, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, đồng thời phát huy ưu điểm, khẩn trương hành động với trách nhiệm cao nhất để đem lại những kết quả thiết thực trong cuộc sống", người đứng đầu Chính phủ một lần nữa cam kết

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,