- Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra sáng 2/6 tại Hà Nội, một hoạt động trước thềm Hội nghĩ giữa kỳ Nhóm Tư vấn Các nhà tài trợ (CG), đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ với Chính phủ những vấn đề phát triển kinh tế, đặc biệt là lạm phát.
Lo ngại nhưng vẫn nhiều kỳ vọng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng KH - ĐT Võ Hồng Phúc thẳng thắn nhận định, những biểu hiện bất ổn của nền kinh tế vĩ mô đang có tác động ngày càng lớn đến sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Bộ trưởng Phúc, do nền kinh tế đang trong giai đoạn thử thách, chỉ số lạm phát tiếp tục tăng cao, nhập siêu ngày càng tăng, Chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đặt mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát.
Đại diện Nhóm Tư vấn Các nhà tài trợ Việt Nam, ông Martin Rama, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, Chính phủ đã chọn hướng đi đúng và có dấu hiệu đem lại kết quả. "Chính phủ đã đưa ra biện pháp cả gói nhất quán trong việc xử lý những vấn đề phát triển quá nóng, lạm phát và nhập siêu.".
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2008. Ảnh: XL
Ông Martin Rama cũng khẳng định, về cơ bản, Việt Nam vẫn là Việt Nam của 6 tháng trước đây với những triển vọng, tiềm năng không thay đổi.
Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Sin Foong Wong đồng tình, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam.
Đại diện Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu cũng bày tỏ lạc quan về các tiềm năng trung - dài hạn của Việt Nam. "Chúng tôi hết sức hoan nghênh cam kết của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế trong nước thông qua các chính sách kinh tế thân thiện với thị trường, tiến tới dỡ bỏ những trở ngại với sản xuất, thu hút đầu tư và đẩy nhanh xuất khẩu", ông Alain Cany Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nói.
Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam Michael J.Pease cho rằng, thời điểm này không nên chỉ trích hay đổ lỗi về nguyên nhân gây nên sự bất ổn của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, "thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư của nước ngoài được xây dựng trên nền tảng những kỳ vọng sáng sủa về tình hình kinh tế và chính trị ổn định của Việt Nam".
"Chính sách tiền tệ là nguyên nhân cơ bản của lạm phát"
Chia sẻ quyết tâm của Chính phủ, các nhà tài trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cốt lõi liên quan đến lạm phát tăng cao ở Việt Nam hiện nay.
Ông Alain Cany nhấn mạnh "vấn đề tiền tệ là nguyên nhân cơ bản của lạm phát hiện tại và chúng tôi đề nghị Chính phủ nên tập trung vào chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này trong phạm vi quốc gia". Ông cũng nói, Việt Nam nên cảnh giác tránh việc sử dụng lại các rào cản thương mại vì biện pháp tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực này rất có khả năng tạo ra thêm các biến dạng cho hệ thống kinh tế.
Hoan nghênh Chính phủ cắt giảm việc thanh toán bằng tiền mặt trong hoạt động thương mại, bao gồm việc thảo luận đối với 30% vay tín dụng, nhưng đại diện cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu cho rằng "vấn đề quan trọng là Việt Nam cần bảo đảm cho các nhà xuất khẩu trong nước không phải chịu những sự tác động của những công cụ tiền tệ".
Các nhà tài trợ tại Diễn đàn. Ảnh: XL
Trong khi đó, Chủ tịch AmCham Michael J.Pease chỉ ra mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam là lạm phát tiền lương.Theo ông Michael Pease, những chính sách cải cách giúp tiếp cận tốt hơn nguồn lao động có kỹ năng từ nước ngoài không những góp phần làm giảm lạm phát về tiền lương, tiền công lao động mà còn giúp củng cố đào tạo và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển đầu tư vào công nghệ cao.
AmCham cũng lưu tâm Chính phủ cần có những hành động cấp bách đối với ngành tài chính. "Sự yếu kém của một số định chế tài chính sẽ không chỉ đe dọa riêng ngành tài chính trong nước mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài".
Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Martin Rama thì lưu ý, không nên chú ý vào con số lạm phát tổng thể mà cần tìm ra lạm phát cốt lõi để giải quyết vấn đề.
Nhiều quan tâm hậu WTO
Tại Diễn đàn, các nhà tài trợ cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện các cam kết WTO của Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Úc (AusCham) tại Việt Nam Gen Reinsh yêu cầu, các nhà chức trách giảm bớt các cơ chế điều tiết trực tiếp về thuế xuất nhập khẩu và từng bước thay thế chúng bằng các cơ chế dựa trên thị trường.
Chủ tịch AusCham cho rằng "các thay đổi quan trọng về thuế xuất nhập khẩu và sự không chắc chắn về việc áp dụng thuế xuất nhập khẩu nhất định trong khoảng thời gian ngắn mà không có báo trước sẽ hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư và đôi khi cả sự sống còn của các doanh nghiệp".
Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một khảo sát sơ bộ gần đây của VCCI đối với doanh nghiệp và hiệp hội nổi lên vấn đề là họ không được tham gia vào quá trình hình thành cam kết mở cửa thị trường cho ngành mình và các ngành liên quan, do đó bị động trong việc lên kế hoạch kinh doanh.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany thì cho rằng, sự thiếu rõ ràng trong việc thực thi các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là cho phép các công ty dược phẩm 100% vốn nước ngoài nhập khẩu và phân phối sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam. Trong khi Việt Nam cam kết rằng sẽ cho phép các doanh nghiệp này được thiết lập hiện diện pháp lý của mình từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng để thực hiện.
Chủ tịch EuroCham khuyến nghị Chính phủ thay thế đồng Đô la trong hoạt động đấu thầu và các giao dịch thương mại khác ở Việt Nam. EuroCham đề nghị các công ty nước ngoài và trong nước có thể sử dụng Euro như đồng tiền thay thế trong hoạt động đấu thầu ở Việt Nam. Chủ tịch AmCham đề xuất không trừng phạt các thành viên của xã hội và công chức tham gia chống tham nhũng. AmCham ghi nhận những hành động quyết đoán của Chính phủ trong việc loại bỏ những quan chức thiếu năng lực hoặc tham nhũng và trừng phạt thích đáng những người trực tiếp liên quan đến tham nhũng. Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) dẫn đánh giá trong Báo cáo môi trường kinh doanh mới nhất của mình cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay không hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam như trước kia. Tỷ lệ hài lòng đã giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu) xuống 41,7% năm 2007 (đứng thứ 5 trong 6 nước ASEAN).
-
Xuân Linh