- Chiều 3/6, với 95,54% số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế - xã hội 2008 trong tình hình mới. Theo đó, QH thống nhất với đề xuất của Chính phủ, điều chỉnh chỉ số tăng trưởng kinh tế xuống còn 7%.
Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 7%
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Nghị quyết nêu rõ: "Qua 5 tháng đầu năm 2008, tình hình kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều khó khăn, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại, lạm phát tiếp tục tăng cao, vượt xa mức dự báo. Thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động và xuất hiện những yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp".
Quốc hội quyết nghị: "Tình hình trên đã tác động nhất định đến tư tưởng và tâm lý xã hội, tâm lý của nhà đầu tư và các doanh nghiệp về sự ổn định kinh tế vĩ mô". Trong điều kiện mới, ĐBQH đã thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5-9% xuống còn 7%. Trong những tháng còn lại của 2008, phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu.
Không đưa ra một con số cố định về chỉ số tăng giá tiêu dùng, Nghị quyết chỉ khẳng định: "Mục tiêu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2008".
Trước đó, giải trình tại phiên chất vấn về căn cứ khoa học điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu tổng hợp, định hướng, là căn cứ quan trọng để xác định chính sách, phân bổ nguồn lực và tính toán các chỉ tiêu khác".
Về lý do chọn con số 7%, Thủ tướng cho biết, đã giao Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) phối hợp với các tổ chức quốc tế tính toán các khả năng tăng trưởng và kết quả có 3 kịch bản: 7,2%, 7,6% và 6,7%. Chính phủ đã chọn trình QH phương án 7%.
Rà soát hoạt động đầu tư của tập đoàn kinh tế
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện tốt mục tiêu đề ra. QH yêu cầu Chính phủ tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng còn lại.
Chẳng hạn, cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp để vừa kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, không gây ách tắc sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư kém hiệu quả, rà lại và kiểm soát hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bảo đảm đúng định hướng. Bộ, ngành, địa phương nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, thời gian tới phải phối hợp đồng bộ và có biện pháp thật cụ thể trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, tín dụng, "tránh gây biến động thị trường tiền tệ, chứng khoán, BĐS. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tung tin thất thiệt nhằm gây rối, đồng thời, đạt bằng được mục tiêu giảm nhập siêu".
Để đẩy mạnh sản xuất, Nghị quyết nhấn mạnh, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá phục vụ nhân dân. Đồng thời, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, và hành vi tăng giá bất hợp lý; thực hiện bước đi, thời điểm, quy mô, cách thức hợp lý trong lộ trình cải cách giá vật tư chủ yếu và hàng tiêu dùng thiết yếu mà nhà nước còn kiểm soát giá.
Thời gian tới, CP cần triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng nhiều năm; sớm xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
"Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành và địa phương, gắn liền với tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Chỉ đạo sâu sát, thường xuyên hơn, phát hiện kịp thời các biến động của kinh tế xã hội để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Chú trọng và nâng cao năng lực, chất lượng dự báo tình hình", QH quyết nghị.
ĐBQH cần giữ liên hệ thường xuyên với dân
Cũng trong chiều nay, sau khi biểu quyết thông qua các chỉ tiêu kinh tế xã hội sửa đổi, QH đã bế mạc kỳ họp thứ ba, QH khóa XII. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Sau 24 ngày làm việc, QH đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự theo đúng tiến độ".
Theo đó, ngoài việc điều chỉnh chỉ tiêu KT-XH, QH đã thông qua một nghị quyết quan trọng về việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, đã thảo luận và thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến về 7 dự án luật khác. "Việc ban hành các đạo luật này đã góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý nhà nước. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện để luật đi vào cuộc sống", Chủ tịch QH nói.
Ngoài ra, thông qua việc xem xét các báo cáo giám sát chuyên đề và chất vấn các thành viên Chính phủ "QH đã cùng các thành viên Chính phủ xem xét toàn diện hơn về tình hình đất nước, về trách nhiệm đối với lĩnh vực phụ trách. QH giao Ủy ban TVQH xem xét tiếp tục tổ chức việc trả lời chất vấn tại các phiên họp của ủy ban về một số nội dung cần thiết để đưa hoạt động chất vấn trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của QH".
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề mà ĐBQH đã nêu, tạo ra chuyển biến thực sự trong chỉ đạo, điều hành.
Chủ tịch QH đề nghị các ĐBQH cần sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri "giữ mối liên hệ thường xuyên và gắn bó với nhân dân để lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng nhân dân".
Ủy ban TVQH, các cơ quan của QH tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ lập pháp, chỉ đạo các đoàn ĐBQH cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tuân thủ các nghị quyết QH.
"Chính phủ cần chủ động và làm tốt hơn nữa công tác dự báo một cách nhanh nhạy, chuẩn xác để có chính sách linh hoạt, tận dụng thời cơ mới để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của đất nước", Chủ tịch QH kết luận.
-
Lê Nhung