221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1074272
Giải ngân hỗ trợ xử lý dioxin phải thiết thực
1
Article
null
Giải ngân hỗ trợ xử lý dioxin phải thiết thực
,

 - TS Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói việc giải ngân khoản hỗ trợ 3 triệu USD xử lý dioxin ở Đà Nẵng phải đáp ứng yêu cầu thiết thực, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường và giúp đỡ cộng đồng dân cư.

Như VietNamNet đã đưa tin, khoản ngân sách trị giá 3 triệu USD do Quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 2007 dành cho việc xử lý dioxin và các hoạt động y tế tại Việt Nam chính thức bắt đầu được giải ngân. 

Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Mỹ thông báo mời các tổ chức phi chính phủ tham gia xây dựng và triển khai các dự án mẫu về hỗ trợ khuyết tật tại Đà Nẵng và các vùng lân cận.

Trao đổi với VietNamNet chiều 11/6, TS Lê Kế Sơn cho biết Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đã tổ chức cho một đoàn USAID đi tìm hiểu thực tế hậu quả dioxin tại Đà Nẵng trong tháng 5 vừa qua. Trưởng đại diện USAID đã cam kết sẽ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo 33 xem xét để cùng tổ chức thực hiện các dự án giải ngân khoản 3 triệu đô la nói trên do Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái.

Nên dành một nửa số tiền cho nạn nhân dioxin

Thưa ông, cụ thể, hai bên sẽ phối hợp thực hiện các dự án giải ngân khoản ngân sách 3 triệu USD trong thời gian tới như thế nào? 

Sau nhiều lần được phía Việt Nam yêu cầu, phía Mỹ đã bắt đầu chính thức thảo luận việc triển khai giải ngân khoản viện trợ 3 triệu USD nhằm hỗ trợ xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng cũng như giúp đỡ cộng đồng dân cư bị phơi nhiễm sống gần khu vực này.

Đầu tháng 5 vừa qua, đại diện USAID và đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã trao đổi với Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 về việc này. Hai bên sẽ thỏa thuận những việc cụ thể cần phải làm.

Dù phương án nào thì yêu cầu cao nhất của phía Việt Nam là các dự án phải đáp ứng yêu cầu thiết thực góp phần xử lý ô nhiễm dioxin trong sân bay Đà Nẵng và các hồ lân cận, giúp đỡ cộng đồng dân cư sống gần khu vực sân bay, đặc biệt là người khuyết tật và những người bị phơi nhiễm dioxin, có nồng độ dioxin cao và rất cao trong máu.

Mô tả ảnh.
TS Lê Kế Sơn (áo nhạt) đang cùng các cộng sự xử lý tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, một trong những điểm nóng dioxin được phát hiện. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Phía Mỹ mời gọi các dự án đầu tiên triển khai theo nguồn tài chính hỗ trợ 3 triệu USD nói trên với đối tượng được hướng tới là người khuyết tật. Quan điểm của ông? 

Phía Mỹ thường nói "hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam bất kể nguyên nhân của tình trạng khuyết tật" là gì. Tôi hiểu câu nói này bao hàm người khuyết tật  do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân dioxin. 

Thực ra, đó chỉ là cách nói tránh vì nếu chấp nhận khái niệm nạn nhân da cam/dioxin cũng đồng nghĩa khẳng định hậu quả của chất độc đó. Đó là cách tiếp cận không khoa học và thiếu thiện chí. Dioxin là chất độc nhất trong tất cả các chất độc do con người tìm ra. Các nhà khoa học trên thế giới, kể cả các nhà khoa học Mỹ hay Việt Nam đều đã khẳng định điều đó.

Trong mỡ, máu, sữa của những người dân sống gần các vùng ô nhiễm dioxin có nồng độ dioxin rất cao. Dioxin là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ ung thư, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh ở cộng đồng dân cư sống gần vùng ô nhiễm cao hơn các vùng khác.

Như vậy trong các dự án đầu tiên được giải ngân sẽ chỉ tập trung vào đối tượng những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học sống xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng?

Tôi nghĩ nên dành một nửa khoản ngân sách 3 triệu USD cho  việc xử lý ô nhiễm dioxin trong môi trường, một nửa để hỗ trợ con người. Số tiền này còn quá ít so với yêu cầu rất lớn của việc khắc phục hậu quả dioxin ở Đà Nẵng.

Sân bay Đà Nẵng cần hỗ trợ hàng chục triệu USD

Mỗi dự án được giải ngân 500.000 USD/năm có đủ đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả cả hai mục đích: hỗ trợ tẩy độc và trợ giúp sức khỏe con người?

Nếu sử dụng một cách khoa học, hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế của hậu quả dioxin ở Đà Nẵng thì khoản giải ngân đó vẫn có thể góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, theo dõi, hỗ trợ những người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.

Trước khi mất, cách đây 1 năm, nạn nhân dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Quý  đã có chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để vận động công luận Mỹ hiểu về nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam.

Đối với việc tẩy độc môi trường, có thể làm được một phần việc trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Để xử lý triệt để dioxin trong sân bay Đà Nẵng và một số hồ ao lân cận, theo ước tính của các nhà khoa học, sẽ cần hàng chục triệu USD.

Khi giải ngân cho các dự án, Mỹ có đưa ra các yêu cầu, điều kiện nào không?

Hiện nay, chúng tôi chưa chính thức nghe bất cứ yêu cầu gì từ phía Mỹ. Chúng tôi được biết có một số một số tổ chức phi chính phủ Mỹ và Việt Nam muốn tham gia thực hiện các dự án này. USAID và Văn phòng Ban chỉ đạo 33 cần trao đổi và phối hợp với các cơ quan có liên quan của Đà Nẵng trong việc lựa chọn loại dự án, thành phần tham gia dự án, qui mô dự án với yêu cầu cao nhất là sử dụng khoản viện trợ hiệu quả, thiết thực nhất.

Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác của Mỹ trong việc xử lý dioxin/da cam ở Việt Nam?

Vài năm gần đây, quan hệ hai nước trong lĩnh vực này đã có những bước tiến nhất định. Chính phủ Mỹ đã thừa nhận sự tồn lưu của dioxin từ chất diệt cỏ do họ sử dụng trong môi trường Việt Nam. Họ thấy cần phải phối hợp với Việt Nam trong việc nghiên cứu cũng như xử lý ô nhiễm và giúp đỡ người khuyết tật mà như họ nói là do bất cứ nguyên nhân nào.

Những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cũng mới chỉ ở quy mô nhỏ thôi, trong khi đó yêu cầu đối với việc khắc phục hậu quả chất độc dioxin đối với môi trường và con người còn lớn hơn rất nhiều.

Chúng ta yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm tham gia giúp Việt Nam giải quyết hậu quả dioxin ở cả khía cạnh môi trường và con người  với quy mô lớn hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,