- Tiếp sau cuộc đối thoại chống tham nhũng đầu tháng 6, trong hai ngày 25 và 26/6 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức Hội thảo quốc tế về chống tham nhũng. Đề cập sâu về cải cách hành chính, đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam không "úp mở" những bất cập trong lĩnh vực này, coi đó là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp.
Nội dung trao đổi xoay quanh vấn đề cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công và từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Bắt bệnh nền hành chính Việt Nam, đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng Việt Nam cho rằng, sự yếu kém của nền hành chính nhà nước không chỉ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tham nhũng mà còn gây khó khăn, trở ngại cho việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
Gần 70% doanh nghiệp phải trả phí không chính thức
Kết quả một cuộc điều tra 6.700 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, việc các doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khá phổ biến.
Theo đó, 68,25% doanh nghiệp dân doanh đồng ý với nhận định "các doanh nghiệp trong ngành của tôi thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức".
ThS. Lê Văn Lân phát biểu tại Hội thảo: "Không ít kết luận của cơ quan thanh tra không được thực hiện". Ảnh: XL
Các khoản chi phí không chính thức này chủ yếu để giải quyết vướng mắc về thủ tục trong việc tiếp cận vốn, đất đai và mặt bằng kinh doanh, các thủ tục hành chính khác như cấp phép, phê duyệt...
Các cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng không ngần ngại chỉ ra bất cập của nền hành chính hiện nay.
Thạc sĩ Lê Văn Lân, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng chỉ ra bất cập chức năng giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra. Theo ông Lân, có những "vùng chồng lấn" về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động, nhất là giữa hai cơ quan thanh tra và kiểm toán.
"Quan hệ giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra cũng có những vấn đề chưa hợp lý nên không ít kết luận và kiến nghị của cơ quan thanh tra không được thực hiện", ông Lân nói.
Tuy nhiên phải khẳng định rằng, việc phát hiện ra nhiều như vậy là dấu hiệu hết sức tích cực, đáng ghi nhận". Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình trả lời báo giới bên lề Hội thảo
Phó Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Nguyễn Hòa Bình cho rằng một trong những nguyên nhân của sự trì trệ, nhũng nhiễu trong cơ quan hành chính nhà nước là trình độ, năng lực và phẩm chất yếu kém của cán bộ, công chức.
"Bản thân tôi cho rằng, mặc dù chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như Quốc hội đã có Luật phòng, chống tham nhũng và thực hiện rất quyết tâm nhưng càng làm thì càng thấy phức tạp và danh sách các vụ tham nhũng càng dài.
Theo ông Bình, "nếu năng lực cán bộ, công chức hạn chế, ý thức kỷ luật không tốt, đạo đức kém thì chính sách của Nhà nước tốt mấy cũng không vào được cuộc sống, chắc chắn nền hành chính đó không thể hoạt động, phục vụ người dân tốt và sẽ có nhiều phiền toái, tiêu cực".
TS Ngô Hải Phan, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng thì cho rằng, trong không ít trường hợp, thực hiện cải cách thủ tục hành chính là tự cắt bỏ quyền và lợi ích do thủ tục hành chính hiện hành mang lại. Do đó, đã gặp phải sự không đồng thuận từ phía một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước.
TS Phan nói: Nhận thức, tư duy về quản lý nhà nước trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt chậm được đổi mới. "Biểu hiện của tư duy này là muốn quản lý chặt, ôm đồm, áp đặt vẫn còn khá phổ biến ở các ngành, các cấp".
Tăng cường dân chủ trực tiếp
Chỉ ra những bất cập, các cơ quan chức năng Việt Nam xác định phải coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
Ông Trần Đức Lượng, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nói: "Việc minh bạch trong hoạt động của chính quyền trong khu vực công và toàn thể xã hội sẽ hạn chế cơ hội hối lộ hoặc bất kỳ một hình thức tham nhũng nào khác".
Một trong những bài học mà ông Nguyễn Hòa Bình nói đến là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu từ trung ương đến địa phương, đặt cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các bộ, ngành...
Một trong những việc cần "đổi mới", theo ông Bình, là tạo lập cơ sở pháp luật đảm bảo quyền giám sát của nhân dân với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước một cách thực chất.
-
Xuân Linh