Ngày 25/6/2008
Tổng thống George W. Bush hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Nhà Trắng, tiến hành cuộc hội đàm song phương lần thứ tư giữa các nhà lãnh đạo hai bên trong bốn năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Bush thảo luận những tiến bộ đạt được kể từ cuộc gặp giữa hai nhà Lãnh đạo tại Việt Nam năm 2006, cam kết có nỗ lực cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương đang ngày càng năng động.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tích cực và đang phát triển, tôn trọng lẫn nhau, và cùng cam kết hợp tác nhiều mặt mang tính xây dựng trên nhiều vấn đề để góp phần làm sâu rộng quan hệ vì lợi ích lâu dài của hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định, an ninh, dân chủ, hoà bình và trao đổi về việc đóng góp của Việt Nam và Hoa Kỳ cho mục tiêu này trong tương lai.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, ghi nhận thương mại hai chiều vượt 12 tỷ đô la năm 2007 và Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và tăng cường thương mại với Việt Nam.
Hai bên nhất trí rằng, quan hệ kinh tế và thương mại là quan trọng đối với quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT), thể hiện sự cam kết của hai bên về đối xử công bằng, không phân biệt, minh bạch đối với đầu tư nước ngoài. Tổng thống Bush khẳng định Hoa Kỳ đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam được tham gia chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) và Tổng thống ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc công nhận Quy chế Kinh tế Thị trường. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của những nỗ lực trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư tự do và cởi mở, kể cả triển vọng của một Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Bush tái khẳng định, Hoa Kỳ phản đối việc hạn chế xuất khẩu lương thực trong lúc giá đang tăng.
Hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các nước cùng nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu. Tổng thống Bush tái khẳng định cam kết Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giữ hoặc tăng mức viện trợ và giải quyết các nguyên nhân sâu xa của việc giá lương thực tăng cao.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước; ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị - quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của đối thoại thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về vai trò quan trọng của pháp quyền trong các xã hội hiện đại. Tổng thống Bush nêu lên tầm quan trọng của việc thúc đẩy cải thiện nhân quyền và các điều kiện cho giáo dân và người dân tộc thiểu số. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với Tổng thống Bush về các thành tựu và chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tổng thống Bush ghi nhận các thành tựu của Việt Nam đến nay và bày tỏ mong muốn được thấy những tiến bộ hơn nữa. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy và đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người.
Hai nhà lãnh đạo hài lòng trước những thành công của người Hoa Kỳ gốc Việt và ghi nhận sự đóng góp của họ vào việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Bush hoan nghênh những đóng góp này và tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tổng thống Bush cảm ơn sự hợp tác của Việt Nam trong nỗ lực nhân đạo của hai bên nhằm kiểm kê đầy đủ nhất những quân nhân Hoa Kỳ mất tích và việc Việt Nam sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung, ghi nhận rằng các đợt tìm kiếm chung đã giúp nhận dạng và hồi hương 629 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ. Tổng thống Bush khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm thông tin về người mất tích của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này và hoan nghênh những tiến bộ mà hai bên đã đạt được trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chứa chất đi-ô-xin trước đây ở Việt Nam, đặc biệt là việc giải ngân 3 triệu đô-la Mỹ cho các dự án khắc phục môi trường và sức khoẻ.
Tổng thống Bush chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với nhiệm kỳ 2 năm. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ tiếp tục tham vấn về các vấn đề cấp bách đặt ra đối với HĐBA. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với Tổng thống Bush Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị cho việc tham gia có hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cám ơn Tổng thống Bush về lời mời Việt Nam tham gia vào Sáng kiến các Hoạt động Hoà bình Toàn cầu (GPOI), trong đó Việt Nam sẽ tham gia vào các khoá huấn luyện và các hoạt động khác của chương trình này. Tổng thống Bush ghi nhận chuyến thăm của Tàu nhân đạo USNS Mercy đang tiến hành tại Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN- Hoa Kỳ. Tổng thống Bush đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong ASEAN. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các lĩnh vực hợp tác với ASEAN bao gồm viện trợ nhân đạo và cơn bão Nargis. Tống thống Bush nhắc lại Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với ASEAN, LHQ và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp thêm viện trợ nhân đạo rất cần thiết đối với các nạn nhân của cơn bão tàn khốc. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về sự cần thiết cho các nhân viên cứu trợ quốc tế được nhanh chóng tiếp cận các khu vực bị bão tàn phá.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục và thoả thuận sẽ thành lập Nhóm Đặc trách Giáo dục Cấp cao để xác định lộ trình và các phương thức hiệu quả cho việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh Chương trình Fulbright tiếp tục thành công tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam đến học tại Hoa Kỳ ngày càng tăng. Tổng thống Bush nhấn mạnh tầm quan trọng của một Chương trình của Đội tình nguyện Hoà bình trong tương lai tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc đối với đề nghị của Tổng thống và hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về các dàn xếp liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự hỗ trợ của Tổng thống Bush trong khuôn khổ Sáng kiến Viện trợ Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) và ghi nhận rằng nhiều người Việt Nam, trong đó có trẻ em dễ nhiễm bệnh, đang được hỗ trợ, chăm sóc và được điều trị thuốc kháng vi-rút.
Tổng thống Bush bày tỏ cam kết tiếp tục phát triển sự hợp tác về con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em và phòng chống nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam chia sẻ các mục tiêu này và sẽ chuẩn bị để sớm tham gia Công ước La Hay về con nuôi. Thủ tướng cũng hoan nghênh sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ cho bước chuẩn bị này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Tổng thống Bush về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với việc xây dựng Luật Năng lượng Nguyên tử của Việt Nam và việc cung cấp thông tin và đào tạo kỹ thuật về an toàn hạt nhân.
Cuối cùng, hai nhà Lãnh đạo thảo luận về sự hợp tác trong vấn đề khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Bush hoan nghênh việc khởi động dự án Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan trắc Toàn cầu (DRAGON) tại Việt Nam, theo đó sẽ thành lập một viện nghiên cứu tại ĐH Cần Thơ nhằm hợp tác trong huấn luyện và nghiên cứu việc xây dựng các hệ sinh thái trong lành và phát triển bền vững ở đồng bằng Sông Cửu Long. Hai nhà lãnh đạo cũng thoả thuận sẽ hợp tác để thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng thay đổi khí hậu và khả năng thích ứng của Việt Nam, bao gồm việc thành lập một Tiểu ban mới trong khuôn khổ Hiệp định song phương về Khoa học Công nghệ để thảo luận và điều phối các sáng kiến chung.