- 8 năm trước, ngôi trường đầu tiên của Mỹ đào tạo ở Việt Nam cấp bằng của Mỹ đã được xây dựng: Cao đẳng Cộng đồng Houston, Texas. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó chính là một dạng mô hình hạt mầm cần được nhân rộng, và mong muốn các đối tác Hoa Kỳ nghiên cứu hợp tác với VN để xây dựng mô hình tương tự.
Tối 26/6 giờ Việt Nam, 60 đại diện của các trường đại học, DN, các nhà đầu tư và các tổ chức xã hội Mỹ đã tham gia hội thảo về "Sáng kiến giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ" tại Houston.
Hiện thực hóa sáng kiến của Quỹ châu Á, hội thảo không chỉ là cuộc đối thoại về giáo dục, mà câu hỏi về vấn đề đầu tư, kinh tế cũng đã được đưa ra thảo luận và giải đáp.
"Đây là dịp các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường đại học và nhà đầu tư tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư để phát triển giáo dục Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận.
"Ở Việt Nam, chất lượng ở cấp phổ thông thì khá, nhưng giáo dục cấp đại học và trên đại học còn nhiều vấn đề, cả về số lượng và chất lượng". Theo đó, Thủ tướng đặt hàng các đối tác Mỹ hỗ trợ trong cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục đại học, để Việt Nam có được trường ĐH chất lượng quốc tế vào năm 2020.
Việt Nam đặt mục tiêu có trường Đại học chất lượng quốc tế vào năm 2020. Ảnh minh họa
Trí tuệ: Yếu tố quan trọng duy nhất của ĐH đẳng cấp quốc tế
"Để xây dựng một ĐH có chất lượng quốc tế, phải so sánh mình với quốc tế. Giới giáo dục quốc tế có tính cạnh tranh rất lớn, xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế không đơn giản", "ông Fulbright Việt Nam" Thomas Vallely, từ ĐH Harvard, nói.
"Đôi khi Việt Nam gặp trục trặc có xu hướng so sánh mình với bản thân chứ không phải so sánh mình với thế giới".
"Nhiều nước đang phát triển đã nỗ lực xây dựng ĐH tốt nhưng đa phần đều thất bại".
Ông cho biết, hiện nay, chương trình Việt Nam tại Harvard đang tiến hành 2 nghiên cứu để giúp Việt Nam. Một là, làm thế nào thực hiện mục tiêu của Thủ tướng, trường ĐH nghiên cứu của VN mà 2020 đã đạt chất lượng quốc tế, hai là, làm thế nào xây dựng hệ thống ĐH đáp ứng yêu cầu đa dạng của Việt Nam.
"Đó phải là một hệ thống giáo dục đại học được phân tầng rõ ràng, mỗi phần đáp ứng một nhu cầu".
Theo ông, Việt Nam cần xác định mục tiêu hàng đầu của trường ĐH chất lượng quốc tế là luôn nỗ lực thu hút nhân tài, giáo viên và sinh viên. Trong đó, điều kiện tài chính của từng sinh viên không quan trọng, yếu tố quan trọng duy nhất là trí tuệ.
Để xây dựng ĐH nghiên cứu quốc tế, trách nhiệm của Chính phủ tài trợ cho trường đó là tối quan trọng. Phần thu học phí, khoản tiền góp cho nó không thể đáp ứng được. Khu vực tư nhân không thể giải quyết ĐH chất lượng cao.
Ông tư vấn, Việt Nam nên xây trường quy mô nhỏ, có chất lượng, đóng vai trò đầu tàu, kéo cả nền giáo dục ĐH Việt Nam lên.
Nhân rộng những mô hình đào tạo Việt - Mỹ
8 năm trước, ngôi trường đầu tiên của Mỹ đào tạo ở Việt Nam cấp bằng của Mỹ đã được xây dựng: đại diện của ĐH Cộng đồng Houston, Texas tại Việt Nam. Đến nay, hơn 200 sinh viên Việt Nam đã theo học và nhận bằng của Mỹ mà không cần phải tới nước Mỹ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó chính là một dạng mô hình hạt mầm cần được nhân rộng. Ông mong muốn các đối tác Hoa Kỳ nghiên cứu hợp tác với Việt Nam để xây dựng mô hình tương tự cũng như tìm kiếm mô hình khác thích hợp.
Người đứng đầu Chính phủ mong hai nước sẽ có những hợp tác về giáo dục thiết thực, hiệu quả như đã có ở Houston, Texas.
-
Phương Loan (từ Houston, Texas)