221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1080324
Kinh doanh bất động sản: Thủ tục hành chính quá nhiêu khê!
1
Article
null
Kinh doanh bất động sản: Thủ tục hành chính quá nhiêu khê!
,

- Để 1 dự án bất động sản được cấp phép triển khai xây dựng phải mất 3 năm, qua 33 cửa mới xong. Bộ XD hướng đến cải tiến chỉ còn 1 năm với 8 loại thủ tục, nhưng liệu có khả thi?

3 năm với 33 cửa còn 1 năm 8 cửa

Phát biểu tại hội thảo về hoàn thiện cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản TP.HCM tổ chức sáng ngày 27/6/2008 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liêm bày tỏ: thực trạng về thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thời gian qua quá rối ren. Có những dự án phải trải qua 40 - 50 con dấu của các cơ quan quản lý nhà nước, đôi khi chỉ một con dấu thôi chủ đầu tư phải mất cả năm trời mới có được. Theo Thứ trưởng Liêm thì điều này không thể chấp nhận được. 

Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy trình mẫu rút ngắn thủ tục hành chính và thời gian cấp phép đối với các dự án BĐS từ 3 năm 33 cửa còn 1 năm 8 cửa. Ảnh T.Thuấn

Đi vào diễn trình cụ thể vấn đề về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) trong thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng Chu Văn Chung cho biết, thủ tục hành chính trong đầu tư các dự án BĐS rất phức tạp, nhiêu khê. Thời gian để 1 dự án bất động sản hoàn thiện thủ tục để triển khai khởi công xây dựng công trình theo quy định hiện hành phải trải qua 33 khâu thủ tục và phải mất 3 năm; có những dự án phải mất đến 4 - 5 năm mới xong. Đây quả là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Thực trạng hiện nay có khá nhiều quy định đang mâu thuẫn nhau như việc Nhà nước quy định sau 1 năm dự án không triển khai sẽ bị xem xét thu hồi. Thế nhưng, để chạy xong thủ tục triển khai, động thổ dự án thì doanh nghiệp tiêu tốn mất 3 năm. Điều này quả là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Việc quy hoạch tổng thể, cung cấp thông tin quy hoạch là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, công khai minh bạch thông tin để mọi người biết chứ không có kiểu giấu giếm thông tin rồi bán, cho như là ân huệ.

Theo ông Chung, có những quy định, thủ tục do Trung ương ban hành nhưng cũng có những loại mà do địa phương tự đặt ra, thậm chí có những quy định không theo quy chuẩn nào mà do chính cán bộ, công chức thực thi "đẻ" ra làm khổ doanh nghiệp. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, rà soát lại các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, loại bỏ bớt những công đoạn, thủ tục không cần thiết hoặc ghép các công đoạn lại với nhau nhằm kéo giảm thời gian, công sức của chủ đầu tư, rút gọn thủ tục hành chính.

Để có dự án, doanh nghiệp BĐS phải mất 3 năm qua 33 cửa xin thủ tục. Ảnh H.Châu

Theo đó, sẽ loại bỏ 7 thủ tục gồm: thủ tục xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thỏa thuận địa điểm; chấp thuận đề cương đồ án quy hoạch chi tiết và nhiệm vụ 1/500; chấp thuận ranh giới, mốc giới; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Đồng thời cải tiến quy trình, nhập 8 thủ tục còn lại 2. Riêng đối với các thủ tục cần được cải tiến, loại bỏ vượt quá thẩm quyền của Bộ Xây dựng như thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; giao đất, cho thuê đất; thỏa thuận về chiều cao; cấp giấy chứng nhận đầu tư... Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ bãi bỏ hoặc cải tiến giảm quy trình, đơn giản hoá thủ tục.

Với việc cải cách về thủ tục hành chính như vậy, quy trình mẫu về thủ tục thực hiện một dự án kinh doanh bất động sản chỉ còn 8 loại thủ tục và thời gian cũng chỉ kéo dài tối đa là 1 năm. Hy vọng, với quy trình này sẽ hạn chế được việc công chức thực hành hạch sách doanh nghiệp; doanh nghiệp, chủ đầu tư không còn cảnh chạy lung tung gõ cửa nhiều nơi.

Liệu có khả thi?

Mặc dù Bộ Xây dựng đã nỗ lực rà soát quy trình, thủ tục hành chính và đề ra hướng cải cách giảm 1/3 thời gian cấp phép và giảm hơn 3/4 thủ tục đối với các dự án kinh doanh bất động sản, nhưng liệu giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra có khả thi? Nhiều doanh nhân trong ngành bất động sản đã rất mừng vì doanh nghiệp sẽ bớt khổ nhưng lại e ngại là nó sẽ không khả thi.

Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình cho rằng, muốn giải quyết triệt để sự lằng nhằng trong việc cấp phép dự án BĐS, cần phải có cơ chế tự động hóa; cơ chế giám sát, chế tài công chức thực thi, nếu không thì mục tiêu mà Bộ Xây dựng đặt ra là khó khả thi. Ông Vũ bức xúc: "Chế tài đối với các doanh nghiệp thì quá rõ, doanh nghiệp không thực hiện thì bị thu hồi dự án, bị phạt có khi phải đi tù nhưng trách nhiệm của công chức trong việc cấp phép thì bỏ ngỏ. Chưa thấy cán bộ nào làm sai bị xử lý; cán bộ làm chậm thì vẫn cứ "bình chân như vại"!

Ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Anh Tuấn cũng cho rằng, vấn đề đặt ra sẽ không khả thi vì không xác định đâu là vấn đề. Ông cho biết, doanh nghiệp của ông lập dự án từ tháng 10/2007 và đến nay đã bồi thường được trên 70% nhưng chưa có chấp thuận đầu tư của UBND TP.HCM. Mắc mớ này không biết do đâu? 

Doanh nghiệp ngành BĐS bức xúc vì thủ tục hành chính nhiêu khê. Ảnh T.Thuấn

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành thì dùng nhiều cụm từ ví von để kể khổ về đoạn trường xin thủ tục đầu tư dự án địa ốc. Theo ông Đực, quá khứ về thủ tục hành chính là "bất tận thủ tục". Ông Đực dẫn chứng dự án của công ty ông ở quận 8 khi làm thủ tục, khâu thẩm tra quy hoạch 1/500 đã phải mất 3 năm 5 tháng 21 ngày, còn dự án ở quận 12 thì nhanh hơn "chỉ có" 1 năm 4 tháng 13 ngày cũng cho khâu thẩm định quy hoạch 1/500.

Ông Đực cho rằng, tương lai của thị trường bất động sản như con thuyền có 4 người lái (Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ Tài chính và ngân hàng) theo mỗi hướng khác nhau. Đến nay, con thuyền địa ốc ấy sau thời gian chao đảo, không định hướng và sắp chìm thì 4 ông mới ra tay chấn chỉnh, cải tiến thủ tục.

Cũng theo ông Đực, thị trường địa ốc đang có nhiều cái "vô". Thị trường căn hộ diện tích nhỏ, giá thấp cho 60 - 70% dân cư đang bị bỏ ngỏ là "vô cùng"; thủ tục quá nhiêu khê là rào cản "vô tận"; cán bộ thụ lý luôn chọn các điều khoản khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp là "vô cảm"; doanh nghiệp chán chường, bất lực dẫn đến "vô vọng"...

  • Tấn Thuấn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,