221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1080994
Hành trình củng cố lòng tin
1
Article
null
Hành trình củng cố lòng tin
,

 - Chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc, những mối dây liên kết được thắt chặt hơn, không gian đối ngoại rộng mở hơn, cơ hội hợp tác lớn hơn được hé mở với những cam kết hợp tác kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học - kỹ thuật và an ninh, quốc phòng. 

Cái nhìn lạc quan

Chuyến thăm trước hết được ghi nhận như một hành trình củng cố lòng tin đối với kinh tế Việt Nam.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Bush. Ảnh: Kỳ Thanh
Trước khi đến Washington, trao đổi trên chuyên cơ, các đại biểu Việt Nam cho biết, họ xác định chuyến đi là cơ hội để "nói thẳng, nói rõ về tình hình, với những con số trung thực, giúp các DN và nhà đầu tư Mỹ có cái nhìn đúng đắn" về tình hình Việt Nam, "đem đến hình ảnh khách quan thông qua những thông số thực tế về tình hình kinh tế Việt Nam: dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán..."

Sau những buổi tiếp, điều đọng lại với các nhà đầu tư Mỹ là "cái nhìn lạc quan" về kinh tế Việt Nam. Những doanh nhân đang làm ăn tại Việt Nam tham gia chuyến đi mang tâm lý bất an nhưng khi nghe Thủ tướng đã thấy "an tâm" như ông Nguyễn Cao Kỳ thừa nhận.

Họ hiểu được rằng, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, giống như chú cua trong quá trình lột xác, sẽ yếu ớt và dễ tổn thương, nhất là trong hội nhập với thị trường tài chính thế giới. Quá trình chuyển đổi này cũng sẽ giúp kinh tế Việt Nam từng bước thích nghi với hệ thống quản lý mới mà không gặp sốc.  

Rất nhiều hợp tác thực chất đã đạt được từ chuyến đi, mà trước hết là việc Hoa kỳ ghi nhận việc xem xét trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, quy chế giám sát hàng dệt may, quy chế kinh tế thị trường và nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam.

"Nhìn nhận đúng thực tế, các DN sẽ biết mức độ rủi ro thực tế mình sẽ gánh khi đầu tư vào thị trường, tăng tính dễ dự đoán", một chuyên gia kinh tế phân tích. "Minh bạch thông tin và tính dễ dự đoán khiến lòng tin tăng lên".  

 Những đánh giá của "ông lạm phát", "phù thủy kinh tế" Alan Greenspan đã khiến nhà đầu tư thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

Chỉ riêng việc người đứng đầu Chính phủ chủ động gặp DN, chuyên gia kinh tế để thông tin và tham vấn chính sách đã là một thông điệp ý nghĩa về quyết tâm của Chính phủ trong xử lý vấn đề, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư vẫn là "con hổ mang khát vọng vươn tới" như cách gọi của 400 DN Hoa Kỳ tại Washington DC. Các nhà đầu tư và kinh doanh Mỹ vẫn nhìn Việt Nam như một vùng đất nổi lên của cơ hội.

Các nhà đầu tư Mỹ vẫn đang "ráo riết tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam" như khẳng định của Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp cao Mỹ - ASEAN Ernest Bower.

Rất nhiều hợp tác thực chất đã đạt được từ chuyến đi, mà trước hết là việc Hoa Kỳ ghi nhận việc xem xét trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, quy chế giám sát hàng dệt may, quy chế kinh tế thị trường và nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam.

Ngay trong cuộc đàm đạo kéo dài 90 phút với bà Susan Schwab, đại diện thương mại Hoa Kỳ, cơ quan nắm chìa khóa về việc xem xét kiến nghị trao GSP cho Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh "việc chưa cho Việt Nam được hưởng GSP là bất công, ngoài hậu quả làm thiệt hại cho các DN Việt Nam còn là không nhân đạo với những người nghèo". 

Đó là "những điều tưởng nhỏ nhưng rất lớn với Việt Nam...", Thủ tướng chia sẻ như vậy với kiều bào tại Houston, Texas. Một khi những cánh cửa được khai thông, hàng nghìn mặt hàng tiềm năng của Việt Nam hiện đang thiếu đầu ra, sẽ vào Mỹ.

Những mối dây kết nối bền chặt

Với riêng quan hệ Việt - Mỹ, chuyến thăm là dịp làm bền chặt hơn các mối dây liên kết giữa hai quốc gia.

Cựu Tổng thống Bush cha, Bill Clinton, những nguyên thủ từng ghi dấu ấn cho quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước sau khi mãn nhiệm lại tiếp tục những mối liên hệ với Việt Nam. Những nghị sỹ Mỹ có mối liên hệ cá nhân với Việt Nam, trong chiến tranh và hiện tại... đã góp phần đẩy quan hệ hai nước xốc tới. Những người từng là đối thủ đàm phán nặng kí của Việt Nam trong bình thường hóa quan hệ ngoại giao, BTA, TIFA và WTO như Albright, Virginia Foote, Barshefsky... bây giờ cũng chính là người kết nối các DN Mỹ đến với Việt Nam.

Các chính khách Mỹ là người bắc nhịp cầu quan hệ và sau đó, chính họ lại là người dẫn đường để các DN, nhà đầu tư Mỹ bước trên cây cầu đó, tới Việt Nam.

Chính các DN Mỹ đi trước là hình mẫu chứng minh Việt Nam là vùng đất lành cho các DN Mỹ neo đậu.

Vị thế Việt Nam

Trên hết, chuyến thăm giúp mang đến một bức tranh đầy đủ hơn về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, tôn thêm vị thế Việt Nam.  

Cờ Việt Nam tung bay trước Lầu Năm Góc. Ảnh: Kỳ Thanh

Tổng thống đương nhiệm G.W.Bush cũng như hai ứng cử viên kế nhiệm ông, John McCain và Barack Obama, đều khẳng định mối quan tâm tới Việt Nam, đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chiến lược khu vực của Hoa Kỳ ở khu vực và mong thúc đẩy quan hệ song phương.

Những ghi nhận về một "người chơi tích cực" trong khuôn khổ HĐBA Liên hợp quốc cũng như trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế chứng tỏ vai trò Việt Nam đang lên. Cựu Ngoại trưởng Albright cũng đặt vấn đề với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ASEAN.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đứng trước khủng hoảng lương thực, vai trò của Việt Nam càng được ghi nhận. Trong hội đàm, Tổng thống Bush đặt vấn đề tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo lên bàn trao đổi với lãnh đạo Việt Nam.

Tổng thống Gloria Arroyo đang thăm Hoa Kỳ cũng chủ động đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để chuyển lời cảm ơn của người dân Philippines tới Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo cho Philippines, giúp nước này giải quyết cái ăn cho hàng triệu người dân.

Nhìn rộng hơn vào câu chuyện đối ngoại tháng 6, chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nằm trong mạch hoạt động triển khai chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ của Việt Nam.

Không gian đối ngoại rộng rãi hơn, lựa chọn xử lý chính sách đa dạng hơn, để đạt được một vị thế cao hơn trong sân khấu chính trị quốc tế, đó là những điều Việt Nam đã gặt được trong tháng đối ngoại.

Và quan trọng hơn, "những cơ chế đối thoại chiến lược cấp cao đạt được... không nhằm chống đối ai hay làm phương hại tới lợi ích của bất cứ quốc gia, dân tộc nào", như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. 

  • Phương Loan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,