- Trao đổi với VietNamNet bên lề kỳ họp lần thứ 13 HĐND TP.HCM sáng 1/7, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, dự báo, để kiềm chế lạm phát trong tình hình hiện nay phải mất lộ trình khoảng 3 năm, chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm dần 6 tháng tới, và xa hơn là 2 năm 2009, 2010.
Không tự ru ngủ bằng FDI trên giấy
- Chính phủ đã giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế để chống lạm phát. Việc TP.HCM quyết giữ chỉ tiêu tăng trưởng liệu có gì mâu thuẫn không, thưa ông?
TS Trần Du Lịch. Ảnh: LN
- Đối với cả nước, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là cần thiết, bởi vì chỉ tiêu tăng trưởng là chỉ tiêu chung nhất để cân đối vĩ mô những chỉ tiêu khác, như: lượng tiền lưu thông, tín dụng, đầu tư, ngoại tệ. Muốn chống lạm phát phải rút giảm tăng trưởng và điều chỉnh các chỉ tiêu có liên quan.
Nhưng đối với địa phương, chỉ tiêu tăng trưởng không có ý nghĩa gì đối với việc cân đối. Địa phương không thể cân đối tiền tệ, tín dụng, mà chỉ có duy nhất một mục tiêu phấn đấu thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo tôi, mỗi địa phương không cần điều chỉnh chỉ tiêu vì chỉ cần huy động mọi nguồn lực phấn đấu làm hết sức mình, chỉ nên điều chỉnh trong trường hợp muốn đạt thành tích cao hơn.
- Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, ông Alan Greenspan, nguyên Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ, có góp ý với Thủ tướng, với tình hình lạm phát hiện nay, cần có các biện pháp hạn chế việc mở rộng đầu tư ồ ạt của các tập đoàn lớn. Trong khi đó, con số đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào TP.HCM tăng đột biến (bằng cả 3 năm 2005, 2006, 2007 cộng lại) vẫn được xem là một tín hiệu khả quan. Cần nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Tình trạng tăng vọt FDI của TP.HCM 6 tháng đầu năm cũng giống như cả nước. FDI 6 tháng đầu năm của cả nước cũng tăng đột biến với hơn 30 tỷ USD, vượt xa cả năm 2007 với hơn 20 tỷ USD. Cần lưu ý các dự án đó đều đi vào kinh doanh bất động sản: những khu nhà nghỉ, căn hộ cao cấp, đô thị, một vài dự án rất lớn thuộc công nghiệp nặng. Các dự án này đã được đàm phán nhiều năm.
Đây là tín hiệu tốt nhưng cũng phải xem xét kỹ. Tốt ở chỗ, đây là các dự án công nghiệp nặng, đầu tư bất động sản nên chứng tỏ các nhà đầu tư tin tưởng nền kinh tế Việt Nam, muốn làm ăn lâu dài. Nhưng phải xem xét kỹ vì tiến độ thực hiện dự án rất chậm, có khi nhiều năm nữa mới triển khai.
Để đánh giá đúng tín hiệu đầu tư, cần xem xét con số rất quan trọng mà TP cũng như cả nước chưa công bố, đó là trong 6 tháng đầu năm, FDI đã được triển khai thực hiện bao nhiêu? Con số này mới là quan trọng, con số báo cáo chỉ là trên giấy tờ, không loại trừ trường hợp mấy năm sau gặp khó khăn, các nhà đầu tư lại không triển khai dự án.
- Từ FDI trên giấy và FDI thực tế thường vướng ở khâu nào và cần quan tâm giải quyết vấn đề gì?
- Cả nước hấp thụ số vốn 30 tỷ USD là không dễ. Để hấp thụ được số vốn lớn như vậy, điều quan trọng nhất là xem xét vấn đề chuẩn bị triển khai dự án, quy trình thủ tục đối với các dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản, như: đất đai, giải toả đền bù. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn nhân lực tốt.
- Bên cạnh tín hiệu lạc quan, việc số vốn lớn đổ vào có điều gì đáng lo ngại?
- Số vốn FDI lớn là so với trước đây; nếu so với một số nước khác thì không phải lớn. Vấn đề là, vừa qua, sức hấp thụ vốn rất chậm.
Kiềm chế lạm phát trong 3 năm
- Có ý kiến cho rằng, những giải pháp kiềm chế lạm phát mà TP.HCM đưa ra hoàn toàn lặp lại chỉ đạo của Chính phủ, không có những giải pháp riêng để giải quyết vấn đề lạm phát của một đô thị lớn như TP.HCM?
- Nói như vậy không chính xác. Giải pháp của TP là cụ thể. Từ 8 nhóm giải pháp của Trung ương, TP đã xác định phải làm gì. Chẳng hạn, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn về vốn, tín dụng, ngoại hối cho doanh nghiệp. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, TP kiểm tra chống đầu cơ, nâng giá, theo thẩm quyền của mình. TP chủ động triển khai các chính sách an sinh xã hội, lo cho người nghèo.
- Theo ông, cần bổ sung giải pháp gì trong thời gian tới?
- Đối với 8 giải pháp mà Chính phủ đưa ra, cần triển khai đồng bộ hơn trong 6 tháng tới. Chỉ cần làm tốt những giải pháp đã đề ra là đạt được mục tiêu chống lạm phát.
- Theo UBND TP.HCM, trong 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm. Ông có thể dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng tới và năm sau?
- Để kiềm chế lạm phát trong tình hình hiện nay phải mất lộ trình khoảng 3 năm. Năm 2008, chúng ta chưa thể kỳ vọng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống còn dưới 20%, từ nay đến cuối năm có thể giảm xuống để mỗi tháng chỉ tăng 1%, dưới 1%, tính ra cả năm cũng tăng trên 20%.
TP cần cố gắng trong năm nay chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, tính chỉ số chung 6 tháng cuối năm thấp hơn 6 tháng đầu năm. Sang năm 2009, đặt mục tiêu kiểm soát tăng giá bằng năm 2007, khoảng 12%. Sang năm 2010, có thể giảm xuống còn 5-6%.
Với một lộ trình như vậy, nền kinh tế không bị sốc. Ngược lại, nếu chúng ta làm quá nhanh thì sẽ dẫn tới nền kinh tế bị sốc.
-
Phạm Cường (thực hiện)