- "Thái độ tôn trọng của nhà quản lý với trí thức không phải chỉ là thái độ cá nhân dành cho một vài người. Đó phải là một tín hiệu cho toàn bộ lực lượng trí thức, rằng người ta được trọng dụng, được lắng nghe", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.
"Có những nơi, lãnh đạo chưa thật sự trân trọng trí thức"
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Tôi cứ nghĩ mãi về bài học kinh nghiệm của Bác Hồ với "anh" trí thức như một mẫu mực".
- Một trong những vấn đề đưa ra bàn tại Hội nghị HN TƯ 7 khóa X khai mạc ngày 9/7 là xây dựng đội ngũ trí thức. Là người đã tham dự nhiều cuộc tranh luận về đề án sẽ thảo luận lần này, ông thấy vấn đề về không gian, môi trường cho trí thức phát triển đã được đặt ra hay chưa?
Trước hết phải hiểu thế nào là không gian, là môi trường cho trí thức phát triển. Đây chính là nói tới cơ chế chính sách cho trí thức. Thứ nhất, là đãi ngộ thế nào.
Thứ hai, tạo môi trường để trí thức làm việc sáng tạo. Vấn đề này chúng ta đã làm nhưng chưa hẳn tốt. Chẳng hạn cơ chế đầu tư cho KHCN theo cách lâu nay, cứ ngân sách "rót" về một cục rồi "chia chác". Có những dự án không đem lại lợi ích thực tế nào vẫn được chia tiền và ngược lại.
Nghị định 15 trong KHCN đã chuyển dần sang cạnh tranh để có thể làm tốt nhưng đang là bước đầu. Vì vậy sản phẩm của trí thức chưa phải là sản phẩm cạnh tranh mà vẫn là tập trung, quan liêu, bao cấp.
Thứ ba, lắng nghe ý kiến trí thức. Chúng ta không ngại nghe tiếng nói phản biện nhưng lại chưa có diễn đàn dành cho phản biện. Thứ tư, cơ chế để họ hợp tác với nhau, tạo thành cộng đồng để đóng góp cho đất nước.
Như vậy, cái quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính sách để làm việc, về cạnh tranh, về liên kết. Nhưng tất cả vẫn chưa thành một thể thống nhất, vẫn rời rạc. Nhà nghiên cứu Việt Phương có nói "hãy làm đi" cũng là có cái lý. Ý kiến, chủ trương đã nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.
- Nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ, nguyên Bí thư TƯ Đảng Hồng Hà có phát biểu: "Môi trường với trí thức còn là thái độ đối xử trân trọng, chân thành và tin tưởng lẫn nhau". Theo ông, điều này đã có chưa?
Tùy từng địa phương, cơ quan, không thể vơ đũa cả nắm. Có những nơi, lãnh đạo chưa thật sự trân trọng trí thức cho lắm. Tôi là người của lớp cũ. Tôi cứ nghĩ mãi về bài học kinh nghiệm của Bác Hồ với "anh" trí thức như một mẫu mực.
Trong Chính phủ của Bác, có biết bao nhiêu nhà trí thức thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau và đều rất được trân trọng. Đó là hình mẫu của việc tôn trọng trí thức, lắng nghe trí thức, để họ cống hiến cho đất nước.
Bởi vấn đề không phải là thái độ cá nhân đối với một vài trí thức mà là một tín hiệu cho toàn bộ lực lượng trí thức rằng người ta được trọng dụng, được lắng nghe.
Cần tạo môi trường dân chủ cho trí thức, từ đầu tư, chính sách đãi ngộ, trọng dụng cho đến thái độ ứng xử đúng. Ảnh: IE |
Không được phản hồi sau khi góp ý kiến, trí thức sẽ nản lòng
- Hiện nay nhiều trí thức vẫn cho rằng họ chưa được tận dụng hết năng lực, trí tuệ do những ý kiến đóng góp, phản biện chưa được lắng nghe. Theo ông, do người trí thức chưa tận dụng tốt kênh phản biện hay do người làm chính sách chưa lắng nghe?
Việc đóng góp ý kiến này đã làm rồi, thông qua Mặt trận Tổ quốc.
Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc cũng thường xuyên tập hợp các ý kiến đề xuất. Chẳng hạn tập hợp ý kiến góp ý cho đề án trí thức tại Hội nghị TƯ 7 khai mạc ngày 9/7.
Hoặc, tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị khác về trí thức, nhiều lãnh đạo các ban, ngành của Đảng đã đến lắng nghe tiếp thu ý kiến.
Nhiều nhà trí thức cũng tự nguyện viết thư, viết kiến nghị lên TƯ. Có nhiều kênh để gửi ý kiến phản biện chứ không chỉ nói trực tiếp. Vấn đề là có người góp nhặt, người tổng hợp lại tất cả những ý kiến đóng góp đó để phản hồi trở lại. Lắng nghe, tiếp thu bao nhiêu phần trăm?
Bởi vì đóng góp ý kiến xong mà không có sự phản hồi thì sẽ khiến trí thức nản lòng.
- Nhưng vì sao việc lắng nghe và tiếp thu chưa được làm tốt?
Chẳng qua là do lề lối làm việc chưa được tốt mà thôi. Ý kiến gửi lên xong rồi để đấy, không tập hợp, không có sự phản hồi lại. Vẫn làm việc theo cách thủ công. Chứ hoàn toàn không phải ý thức không tôn trọng, không lắng nghe.
4 hạn chế trong việc xây dựng đội ngũ trí thức Nền giáo dục yếu kém, lạc hậu, chưa cung cấp được những trí thức chất lượng cao. Cách dạy thụ động khiến thế hệ trẻ không vượt lên, vốn kiến thức và tiếng Anh kém, thiếu những nhà trí thức có đẳng cấp và trình độ cao. Lãnh đạo và quản lý trí thức còn thiếu dân chủ nên nhiều e ngại, sợ bị chụp mũ. Dự thảo quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học đã đưa ra lấy ý kiến gần 10 năm, mà đến nay vẫn chưa được thông qua. Cách quản lý tài chính còn phức tạp gây ra tình trạng giả dối. Môi trường hoạt động của trí thức chưa được đảm bảo. Trí thức cần một môi trưởng đảm bảo phát huy hết trí tuệ. Nhưng hiện nay vẫn còn một số lãnh đạo hay nghi kỵ, ngại tiếp xúc không tin tưởng và không thích trí thức phản biện với chủ trương đề ra. Môi trường với trí thức còn là thái độ đối xử thân ái, chân tình, trân trọng và chân thành, tin tưởng lẫn nhau, chứ không chỉ là vật chất thông thường. Giải pháp cho thời gian tới, thứ nhất, nên tiến hành cách mạng về giáo dục -đào tạo trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, có quy chế dân chủ trong hoạt động KH. Thứ ba, tạo môi trường dân chủ cho trí thức, từ đầu tư, chính sách đãi ngộ, trọng dụng cho đến thái độ ứng xử đúng. Thứ tư, cần có nhận thức đúng về trí thức. (Nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ, nguyên Bí thư TƯ Đảng Hồng Hà) |
-
Lê Nhung