- Muốn giải quyết các vấn đề nông nghiệp và nông thôn hiện nay, có thể dùng các biện pháp có tính chất tình thế hay phải thay đổi cả đường lối phát triển kinh tế xã hội? Nếu tình trạng nông thôn ảnh hưởng đến tính bền vững của sự phát triển thì cần phải xét quan hệ của các vấn đề trên với đường lối phát triển.
Thiếu nghiệp đoàn, quyền lợi nông dân ít được bảo vệ
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và năng suất lao động cao, giải pháp không phải là xóa bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển trang trại mà là tổ chức hợp tác xã kiểu mới có chế biến và buôn bán chung để mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thương nghiệp công bằng. Hiện nay, đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, theo từng ngành hàng, từ việc xây dựng các tổ hợp tác như là một trường học để tiến lên hợp tác xã.
Cần một chính sách ruộng đất đúng đắn, hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân bắt đầu từ nghị quyết X, chuyển hộ nông dân lên thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến.
Trong quá trình này, ở nông thôn, nông dân sẽ trở thành doanh nhân nông nghiệp, các chủ nông trại gia đình, doanh nhân công nghiệp và dịch vụ nông thôn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh thực phẩm và hỗ trợ cho công nghiệp hóa.
Việc chuyển nông dân ra thành thị và khu công nghiệp cần phải có một chương trình như chương trình kinh tế mới trước kia, có quy hoạch, có đào tạo trong một chương trình phát triển vốn con người, đừng để cho lớp người này trở thành vô sản lưu manh với việc phát triển tội phạm và ma túy.
Quyền lợi của nông dân ít được bảo vệ vì thiếu sự hiện diện của nghiệp đoàn nông dân. Nông dân là bộ phận nhân dân yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường. Nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, bị mất đất mà không có ai bênh vực. Việc nghe theo lời khuyên của các nước phát triển thị trường ruộng đất đã dẫn đến đầu cơ khiến giá bất động sản lên cao một cách giả tạo.
Ngay ở các nước có sở hữu đất tư nhân, nhà nước vẫn kiểm soát việc sử dụng đất một cách chặt chẽ. Một chính sách ruộng đất đúng đắn cần thiết cho việc thúc đẩy việc chuyển lao động nông thôn ra thành thị, bảo vệ và phát triển đất nông nghiệp, hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Nông dân ở nước ta thường là thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ, thiếu tính năng động, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội cao. Có nhiều vùng nông dân rất năng động nhưng còn thiếu việc nghiên cứu các trường hợp năng động ấy để có thể chuyển giao tính năng động sang các vùng khác.
Nông nghiệp mâu thuẫn với phát triển nông thôn
Trong quá trình Đổi mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau, do chưa có chiến lược Đổi mới có hiệu quả.
Nông nghiệp mâu thuẫn với phát triển nông thôn. Các vùng phát triển nông nghiệp mạnh thì không chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nông thôn, không tạo thêm được việc làm và không tăng được năng suất lao động, do đó không tăng nhanh đươc thu nhập của nông dân. Việc để nông dân đi tìm việc nơi khác, không có quy hoạch lao động đã dẫn đến nhiều vùng thiếu lao động và giá lao động tăng mạnh.
Mức đóng góp của nông dân cao, họ ít được hưởng lợi về đầu tư cơ sở hạ tầng và cung cấp phúc lợi của Nhà nước.
Nông thôn còn thiếu các thể chế dựa vào cộng đồng như hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân.
Từ các hộ nông dân đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ: Nông trại gia đình, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ từ các làng nghề, nhưng các doanh nghiệp này không được các chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ. Nông thôn còn thiếu các thể chế dựa vào cộng đồng như hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân để phụ trách việc cung cấp các dịch vụ công.
Hiện nay còn thiếu một chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Muốn giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn phải có một chiến lược đô thị hóa.
Bảo hiểm nông nghiệp: Tại sao không?
Gần đây, quan niệm đô thị có ảnh hưởng lớn đến phát triển nông thôn. Chiến lược đô thị hóa tập trung dẫn đến việc thúc đẩy phát triển các siêu đô thị, hạn chế việc phát triển nông nghiệp và gây khó khăn cho việc nông thôn và nông nghiệp, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng (chủ yếu về giao thông) quá tập trung vào đô thị. Do đó, muốn thúc đẩy phát triển nông thôn, phải xây dựng một hệ thống các đô thị vừa và nhỏ trên khắp đất nước.
Chiến lược đô thị hoá phi tập trung hay theo mô hình Desakota (tiếng Indonesia: desa = đô thị, kota = nông thôn). Ở Trung Quốc, hiện nay rất phổ biến mô hình này. Ví dụ, tỉnh Quảng Đông hiện nay có 96 triệu dân là nơi có kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc. Trong 29 năm qua đã phát triển 22 đô thị vừa gọi là “thị”. Mỗi thị phát triển công nghiệp và dịch vụ và có một vành đai nông nghiệp bao quanh nên nông thôn rất phát triển.
Cần quy hoạch việc phát triển đô thị và nông thôn một cách đồng bộ. Ở các nước đang xây dựng các quy hoạch đô thị - vùng gắn các đô thị với phát triển nông thôn.
Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Để đảm bảo phát triển bền vững, cần giải quyết vấn đề một cách toàn diện, có một chiến lược phòng chống thiên tai, dịch bệnh và rủi ro thị trường đi đôi với việc xây dựng một chế độ bảo hiểm.
Tại sao tất cả các nước quanh ta đều đang làm công việc này mà ta lại không? Vấn đề là phải bàn cách làm như thế nào.
Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân và có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân thì mới hiệu quả. Các công ty bảo hiểm không dám bảo hiểm nông nghiệp vì sợ lỗ.
Ở Pháp, việc bảo hiểm nông nghiệp lúc đầu do các nghiệp đoàn nông dân lập các hội bảo hiểm tương trợ, dần dần phát triển lên thành Công ty Bảo hiểm Groupama lớn nhất nước Pháp, trở thành một tổ chức bảo hiểm toàn diện quốc tế. Ngân hàng lớn nhất có tên Tín dụng nông nghiệp (Crédit Agricole) cũng phát triển từ các hợp tác xã tín dụng của nông dân.
Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển bảo hiểm nông thôn bằng việc tổ chức các hợp tác xã bảo hiểm y tế, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều này chứng tỏ bảo hiểm xã hội tuy khó nhưng có sự kết hợp của Nhà nước, thị trường và cộng đồng thì vẫn có thể giải quyết được.
Phát triển nông thôn không phải là việc riêng của Bộ NN&PTNT
Để giải quyết các vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nông thôn có hiệu lực.
Trước hết, Nhà nước phải có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không phải chỉ tập trung vào nông nghiệp. Việc phát triển nông thôn là công việc của hầu hết các bộ chứ không phải chỉ riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi đã thành lập Hội Khoa học phát triển nông thôn để huy động lực lượng quần chúng giúp Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện công việc này.
Hiện nay, chúng ta đang được các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ hỗ trợ việc phát triển nông thôn, nhưng chúng ta không biết họ đang làm gì và hợp tác với họ một cách chặt chẽ.
Hội Khoa học phát triển nông thôn đang cố gắng xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn và xây dựng một trung tâm cung cấp dịch vụ phát triển nông thôn hoạt động theo nguyên tắc của một doanh nghiệp mang tính xã hội, coi như một mô hình kiểu mới chưa có ở nước ta nhưng rất phổ biến ở các nước.
Thứ hai, Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát triển nông thôn, xây dựng các thể chế nông thôn dựa vào cộng đồng: hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân.
Muốn giải quyết các vấn đề nêu trên, có thể dùng các biện pháp có tính chất tình thế hay phải thay đổi cả đường lối phát triển kinh tế xã hội? Nếu tình trạng nông thôn ảnh hưởng đến tính bền vững của sự phát triển thì cần phải xét quan hệ của các vấn đề trên với đường lối phát triển.
Không thể chỉ kêu gọi doanh nghiệp hoạt động từ thiện
Có ý kiến cho rằng cuộc cải cách kinh tế của nước ta và của Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa tự do mới, quá đề cao kinh tế thị trường và sự rút lui của Nhà nước, thiếu cải cách xã hội. Đấy là lý do chính làm cho khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau.
Trên thế giới gần đây đã xuất hiện một phong trào chủ trương “Toàn cầu hoá theo kiểu khác” (Alterglobalisation). Phong trào này tổ chức hàng năm các diễn đàn xã hội thế giới để đối đầu với Diễn đàn kinh tế thế giới họp ở Thuỵ Sĩ.
Tại các diễn đàn xã hội, người ta bàn nhiều đến các sáng kiến về một nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ đang nảy sinh khắp nơi. Kinh tế mang tính xã hội dùng để chỉ các nhóm người (chứ không phải là vốn) giữ một vai trò kinh tế: các hợp tác xã, các hội tương trợ và hội quản lý. Các tổ chức này mang tính tự nguyện, không lợi nhuận, hợp tác và đạo đức, độc lập đối với Nhà nước, coi trọng con người và công việc hơn là vốn trong việc phân phối thu nhập.
Kinh tế mang tính xã hội còn được gọi là kinh tế tương trợ, là toàn bộ các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ góp phần vào việc dân chủ hoá nền kinh tế bằng sự cam kết của công dân ở cấp địa phương cũng như toàn cầu.
Ở các nước đang phát triển, phong trào này giúp xác định giá công bằng cho sản phẩm của người sản xuất, tổ chức các nhóm để nâng cao năng lực của họ, giúp họ tiếp xúc với thị trường.
Thiếu một nền kinh tế mang tính xã hội và các doanh nhân xã hội, không thể cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hoá công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hoá với thị trường hoá và tư nhân hoá. Xã hội hoá là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng.
Chúng ta quên mất là chính Đảng đã phát triển quan điểm quần chúng trong quá trình vận động cách mạng. Phát triển mạnh xã hội dân sự để huy động quần chúng tham gia vào sự phát triển chính là áp dụng truyền thống quan điểm quần chúng của Đảng.
- GS.VS. Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO)
- TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm NC và PT Hệ thống nông nghiệp(CASRAD), ủy viên ban chấp hành PHANO