- "Những cơ chế, chính sách đang vênh, chủ yếu là ở HĐND. Ngay bây giờ mà đòi hỏi thống nhất thì không khả thi. Chúng ta tạm thời chấp nhận thời kỳ quá độ, chuyển tiếp, trong đó bắt buộc phải áp dụng những cơ chế, chính sách hiện hành", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt nói tại buổi làm việc chiều 22/7 của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu với thường trực HĐND Hà Nội và Hà Tây.
Áp dụng chính sách cũ trong thời quá độ
Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, triệu tập viên kỳ họp hợp nhất của HĐND Hà Nội (mới) sau khi thông tin vắn tắt việc chuẩn bị của thường trực hội đồng hai tỉnh cho kỳ họp hợp nhất ngày 1/8 sắp tới, đã trình bày một số điểm còn "vướng".
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: "Bây giờ mà làm sẽ không kịp". Ảnh: LN
Ngoài những vấn đề "kỹ thuật" như HĐND sắp tới nên gọi là "khóa 13" (theo hoạt động của Hà Nội), "khóa 14" hay gọi là "khóa 1" cho mới, bà Thanh nói: ’’Phân vân lớn nhất là Hà Nội mở rộng sắp tới sẽ áp dụng cơ chế chính sách nào, xử lý ra sao với các chính sách hiện hành".
Bà Thanh nói, chủ trương là trong 5 tháng còn lại của 2008, dù hợp nhất nhưng địa phương nào vẫn cứ thực hiện chủ trương, chính sách đang có. Sau đó mới tiến hành rà soát và thống nhất chung. Tuy nhiên, không ít người đặt ra câu hỏi: "Hợp nhất xong, không lẽ vẫn duy trì một thành phố mà hai chính sách?".
Ông Lê Văn Hoạt cũng khẳng định: "Không thể thống nhất ngay lập tức được. Tạm thời chấp nhận giai đoạn quá độ, chuyển tiếp".
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý đề nghị làm rõ nếu sử dụng những cơ chế chính sách cũ, thì dùng ở mức độ nào. Hà Nội, Hà Tây, hai địa phương có những đặc thù khác nhau, nên tất nhiên không thể áp dụng chung. Chẳng hạn các mức phí, lệ phí... "Không thể tiếp tục để như cũ. Vì vậy cần rà soát tất cả để xem cái nào không còn phù hợp, kịp thời điều chỉnh".
Xuất phát từ kinh nghiệm tách - nhập các tỉnh, thành từ thời còn làm Bộ trưởng Tư pháp, Phó Chủ tich QH Uông Chu Lưu nói: "Bây giờ mà làm sẽ không kịp. Với thời kỳ quá độ, vẫn cứ áp dụng chính sách cũ. Nhưng từ nay đến cuối năm phải tập trung xem xét để kịp thời ban hành quy định mới".
"Tất cả phải được công khai"
Thế nào là cơ chế đặc thù cho bốn xã thuộc tỉnh Hòa Bình? Sáp nhập Hà Nội, Hà Tây nhưng ĐBQH và ĐB HĐND bốn xã sẽ nhập về huyện nào?... cũng là những câu hỏi gây tranh luận.
"Bộ Nội vụ đã có văn bản cho phép các xã của Hòa Bình và Vĩnh Phúc trong khi chờ đợi con dấu mới, tiếp tục được sử dụng con dấu cũ. Nhưng hướng dẫn như thế này càng khó cho chúng tôi, vì quản lý hành chính không thể là tạm giao được. Khi ban hành Nghị quyết về mở rộng HN, Quốc hội đã lường trước được những khó khăn, song Chính phủ thì chưa có sự chỉ đạo cụ thể", ông Hoạt nói.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quang Vinh cũng kiến nghị: "Có văn bản của Bộ Nội vụ rồi nhưng vẫn xin Chính phủ có ý kiến chỉ đạo rõ hơn. Về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn cũng xin đề nghị Chính phủ hướng dẫn cụ thể".
Đại diện UB MTTQ Hà Tây yêu cầu, sắp tới phải ra quy định cụ thể, có bao nhiêu phó chủ tịch HĐND, UBND? Bao nhiêu ủy viên? "Tất cả phải được công khai".
Bà Doãn Thanh cho biết, Chính phủ sẽ có dự kiến về số lượng cấp phó. "Có thể sẽ có hai phó chủ tịch HĐND và hai ủy viên thường trực", bà Thanh nói.
Ngày 1/8 sắp tới, HĐND Hà Nội mở rộng sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên. Tại đây, sẽ bầu các chức danh UBND, HĐND và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ KT - XH trong 5 tháng còn lại.
Trước đó, ngày 24/7, BCH Đảng bộ TP. HN mới cũng sẽ họp phiên đầu tiên tại trụ sở Tỉnh ủy Hà Tây.
-
Lê Nhung