- Biết cách nghe chuyên gia nước ngoài để nghiền ngẫm, bàn luận với họ, bình tĩnh chọn lựa các bài học, các khuyến nghị và giải pháp, và nhất là biến thành hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn đề được đặt ra sao cho có lợi nhất cho sự phát triển của mình - ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là một trong ba chuyên gia trong nước được mời bình luận về báo cáo do chuyên gia người Pháp Terlier Herve thực hiện mang tên "Đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và tác động đối với Việt Nam".
Bài viết sau đây của bà nhằm nói rõ hơn một vài điều, "để tránh những suy nghĩ không đúng về “sự cố” kể trên, hoặc tệ hơn nữa, về một chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ ta".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Chính phủ đã có một chủ trương rất đúng đắn khi đồng ý mời các chuyên gia kinh tế quốc tế tư vấn chính sách cho Việt Nam". Ảnh: LAD
Biết cách nghe để hành động
Chuyên gia như vị này - được một cơ quan VN mời, với sự tài trợ của một tổ chức quốc tế - ở VN đã có nhiều, chúng ta đã sử dụng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn các vấn đề luật pháp, chính sách, chiến lược cải cách và phát triển kinh tế, xã hội từ hàng chục năm nay.
Các chuyên gia quốc tế này đã có nhiều đóng góp to lớn, chúng ta đã học hỏi và tiếp thu rất nhiều điều ở họ trong suốt quá trình tìm tòi và tiến bước trên con đường đổi mới và phát triển của mình. Điều đó đã được khẳng định quá rõ, tôi nghĩ không cần nói nhiều thêm.
Tất nhiên cũng có những điều họ nêu ra mà chúng ta không hoặc chưa tiếp thu, hoặc do không phù hợp, hoặc do chưa “tiêu hóa” nổi, nhưng ngay cả những điều đó cũng có giá trị tham khảo hoặc giúp ta lường trước được các vấn đề có thể xảy ra (và không hiếm trường hợp một thời gian sau ta mới thấy là họ đúng!).
Trong thời đại tri thức phát triển và cuộc sống thay đổi nhanh chóng như ngày nay, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, mời các chuyên gia quốc tế đến giúp đóng góp trí tuệ, công sức để cùng các lực lượng trong nước tìm kiếm con đường phát triển tốt nhất cho đất nước mình càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Chính phủ đã có một chủ trương rất đúng đắn, sáng suốt khi đồng ý mời các chuyên gia kinh tế quốc tế tư vấn chính sách cho Việt Nam. Các ngành, các địa phương, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp… cũng rất nên làm theo, kể cả khi lập chiến lược, quy hoạch phát triển hay cân nhắc một dự án đầu tư lớn.
Vấn đề là, theo tôi, một khi đã mời, trước hết ta cần có “đầu bài” rõ ràng, mạch lạc, biết rõ ta cần gì ở chuyên gia và đảm bảo chuyên gia hoặc bên tài trợ hiểu đúng yêu cầu của ta để chọn người và thực hiện việc nghiên cứu, tư vấn cho trúng.
"Một vấn đề được chính vị chuyên gia đó thừa nhận, là vị đó chỉ làm việc ở bên ngoài, không hiểu, không có thông tin về FDI ở VN và cũng không có ai cộng tác ở VN trong suốt quá trình nghiên cứu".
Tiếp theo, cần tạo điều kiện cho họ làm việc, đặc biệt là cung cấp thông tin, tư liệu về lĩnh vực liên quan trong nước đầy đủ và chuẩn xác; cử chuyên gia trong nước tham gia một số khâu cần thiết; hỗ trợ họ trong công đoạn khảo sát thực tế; giúp họ gặp gỡ, tiếp xúc với những đối tượng cần tham vấn phù hợp với đề tài nghiên cứu…
Bất kỳ người nghiên cứu nào, bất kỳ làm ở đâu, ngoài năng lực của bản thân, cũng cần những “đầu vào” tối thiểu đó mới có được “sản phẩm” tốt. Nước ta đang ở một giai đoạn phát triển với những đặc điểm rất khác các nước khác, nên càng cần giúp các nhà nghiên cứu, tư vấn tiếp cận được những nguồn chất liệu tại chỗ cần thiết để có thể nghiên cứu, phát hiện, so sánh, vận dụng bài học từ các nước khác cho ta.
Và tất nhiên ta cũng phải biết nghe, biết cách nghe. Biết nghe, trước hết là đừng “nóng gáy” khi người ta đưa ra lời phê phán hoặc bình luận “nghịch nhĩ” đối với mình. Biết nghe, là đừng chỉ chọn những lời “thuận tai” mà nghe, đừng quá tự hào hoặc an lòng với những lời khen. Biết nghe, là thực tâm tiếp thu những điều hay lẽ phải và thực sự làm theo, chứ không phải “nghe đâu bỏ đó”.
Biết nghe, là thực sự suy nghĩ, nghiêm túc nhìn nhận những điều người ta phê phán về mình để quyết tâm sửa chữa hoặc tránh sai lầm, chứ không phải chỉ cố thanh minh hay bác bỏ điều họ nói.
"Biết nghe, trước hết là đừng “nóng gáy” khi người ta đưa ra lời phê phán hoặc bình luận “nghịch nhĩ” đối với mình". Ảnh: obelisksol.com
Biết cách nghe, để nghiền ngẫm, bàn luận với họ và với những người liên quan, tỉnh táo nhìn nhận sâu vào vấn đề, bình tĩnh chọn lựa các bài học, các khuyến nghị và giải pháp, và nhất là biến thành hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn đề được đặt ra sao cho có lợi nhất cho sự phát triển của mình.
Chuyên gia bị "lạc đề" do hiểu sai "đầu bài"
“Sự cố” xảy ra với vị chuyên gia nói trên, trước hết có lẽ là do vị đó đã hiểu sai “đầu bài” nên đã bị “lạc đề”. Trong khi cơ quan “đặt hàng” muốn có một nghiên cứu và các khuyến nghị về “giám sát FDI”, bao gồm các vấn đề lý luận và thực tiễn như tại sao nhà nước cần giám sát FDI, giám sát cái gì, để làm gì, bằng các thể chế và công cụ nào, lấy một số kinh nghiệm và bài học của vài nước OECD và một số nước Đông Nam Á để chứng minh, thì vị chuyên gia lại viết chủ yếu về “khái niệm về FDI, sự cần thiết của FDI và chính sách thu hút FDI”.
Do vậy, những người được mời bình luận cũng như cơ quan “đặt hàng” đã khá thất vọng với những nội dung chính của báo cáo.
Hơn nữa, báo cáo có quá nhiều trang sao chép hoàn toàn từ các tài liệu của OECD không kèm theo một lời bình luận nào của tác giả, không có cả ghi chú dẫn chiếu nguồn tư liệu, cùng những thông tin, nhận xét hời hợt về FDI ở ASEAN, thiếu khách quan, đúng mực về FDI ở Trung Quốc.
"Phía “đặt hàng” và tài trợ lẽ ra cũng nên theo dõi, giám sát chuyên gia trong quá trình thực hiện hợp đồng, để đảm bảo vị ấy hiểu và làm đúng thỏa thuận, đảm bảo “sản phẩm” cuối cùng đạt chất lượng cần thiết, bõ với “đồng tiền bát gạo”.
Tệ hơn nữa, trên tổng số hơn 80 trang, báo cáo chỉ có 6 trang viết rất sơ sài, thậm chí sai lệch về FDI ở VN, được lấy lại từ một nghiên cứu của một tổ chức quốc tế khác. Các khuyến nghị phần lớn quá chung chung, còn những điều VN cần và muốn biết nhất về giám sát FDI thì chẳng thấy đâu. Một cấu trúc và cách làm báo cáo nghiên cứu như vậy thực sự không thể “nghiệm thu” được.
Một vấn đề khác được chính vị chuyên gia đó thừa nhận, là vị đó chỉ làm việc ở bên ngoài, không hiểu, không có thông tin về FDI ở VN và cũng không có ai cộng tác ở VN trong suốt quá trình nghiên cứu.
Điều này là đáng trách cho cả hai phía. Phía vị chuyên gia, thật là liều khi dám nhận và làm nghiên cứu trong điều kiện mà chính vị đó thừa nhận như trên. Lẽ ra ít nhất vị đó phải biết đòi hỏi bên “đặt hàng” hoặc bên tài trợ tạo điều kiện, hoặc bỏ tiền ra (nếu đã được trả cả gói cho một nghiên cứu hoàn toàn phải tự thân vận động) mà tìm kiếm những chất liệu tối thiểu cần thiết cho nghiên cứu của mình.
Còn phía “đặt hàng” và tài trợ, lẽ ra cũng nên theo dõi, giám sát chuyên gia trong quá trình thực hiện hợp đồng, để đảm bảo vị ấy hiểu và làm đúng thỏa thuận, đảm bảo “sản phẩm” cuối cùng đạt chất lượng cần thiết, bõ với “đồng tiền bát gạo” (nghe nói khá to cho một nghiên cứu) mà mình bỏ ra. Điều này đã được bên “đặt hàng” giải thích tại hội thảo về khó khăn do nhà tài trợ thay đổi qui chế trong việc cộng tác với chuyên gia nước ngoài.
Chắc chắn sau hội thảo, các bên sẽ rút kinh nghiệm, chuyên gia sẽ làm lại công việc của mình. Và “sự cố” này cũng sẽ chỉ là chuyện nhỏ, không có gì đáng ầm ĩ, càng không thể suy luận về thực hiện chủ trương của Chính phủ mời chuyên gia quốc tế tư vấn chính sách cho ta.
Có chăng, đây là một bài học kinh nghiệm cho các cơ quan ta khi tuyển chọn chuyên gia, đặt hàng nghiên cứu, tư vấn, cũng như khi làm việc với các tổ chức tài trợ về vấn đề này.
-
Phạm Chi Lan
Bài 2: FDI - những dự án cần từ chối
Khi nhận bình luận báo cáo này, tôi thực sự chờ đợi một nghiên cứu giúp tôi giải tỏa phần nào những lo lắng lớn của bản thân về thu hút và giám sát FDI ở nước ta. Không chỉ vấn đề làm thế nào để giải ngân được nhiều hơn, tôi cho rằng về FDI, chúng ta còn rất cần quan tâm đến những vấn đề cốt lõi và nóng bỏng.
Ý kiến của bạn: