- "Nhà mình bên Từ Liêm, đi làm hơn hai năm lương chưa được 1 triệu đồng, bây giờ chuyển cơ quan xuống Hà Đông, nếu đi về thì không đủ tiền mua xăng, còn ở lại, sẽ phải gom góp thuê nhà dù mình vẫn là người Hà Nội", chị T, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chia sẻ nỗi niềm khi thời hạn cơ quan chị chuyển về "nơi ở" mới - 1/8 - đang đến gần.
Thực hiện: Xuân Hoàng - Quang Phúc - Thanh Bình |
"Ngổn ngang lắm..."
Sáng 28/7, tại số 6 Dã Tượng, Phòng Một cửa của Sở Tư pháp vẫn tiếp dân đến làm thủ tục như thường lệ.
Nhưng, phía bên trong, cán bộ Phòng Hành chính đang lúi húi dọn đồ. 4 ngày nữa, tất cả mọi giấy tờ, tài liệu, con dấu của Sở Tư pháp sẽ về "nơi ở" mới là UBND Hà Đông.
Có người rơm rớm nước mắt, ngồi thụp xuống bên cạnh đống giấy tờ, hồ sơ dang dở: "1/8 chuyển mà mãi tới 24/7 mới được thông báo, chưa biết xuống đó phòng ốc thế nào, đi lại, sinh hoạt ra sao".
Trên tầng 3 đường lên hội trường, bát đũa đã xếp đầy ngoài lối đi, ngổn ngang. Sáng 28/7, chuyến xe đầu tiên chở đồ đạc đã lăn bánh về Hà Tây.
Trong khi cán bộ Sở Tư pháp tất bật thu dọn đồ đạc (trái), thì cán bộ Sở NN & PTNT vừa bố trí xong trụ sở mới để bắt đầu làm việc (phải) và chưa biết lịch chuyển đi.
Trong khi đó, tại trụ sở khang trang 7 tầng của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn HN (NN & PTNT) tọa lạc trên đường Cầu Giấy mấy hôm nay thưa thớt người qua lại. Văn phòng các lãnh đạo cửa đóng then cài vì "chánh, phó giám đốc, các trưởng, phó phòng đều sang Hà Đông họp bàn việc di chuyển trụ sở hết cả rồi", chị M, Phòng Hành chính giải thích.
Các phòng làm việc khác suốt 7 tầng lầu đều rộng thênh thang, do trụ sở mới xây xong, cán bộ chuyển về làm việc "ngồi" chưa ấm chỗ nửa năm nay.
"Mọi việc ở đây vẫn bình thường, chưa biết ngày nào sẽ chuyển. Chúng tôi cũng chưa thể hình dung ra cảnh xuống Hà Đông sẽ đi lại, làm việc thế nào", những cán bộ ở đây cho biết.
Tại Sở KHCN Hà Nội, vừa nhắc tới ba chữ "chuyển trụ sở", những cán bộ nơi đây đã lắc đầu: "Ngổn ngang lắm. Thà ở đây chật có hơn không".
Vừa xuống Hà Đông làm việc trở về, Phó GĐ Sở KHCN HN Lê Xuân Rao chia sẻ: "Hôm 24 vừa rồi, lãnh đạo hai sở đã thống nhất sơ đồ bố trí các phòng ban, chỉ đợi Sở GD-ĐT chuyển đi là cho "ốp" vào ngay vì trụ sở mới sẽ cộng từ trụ sở của Sở GD-ĐT lẫn Sở KHCN. Trước mắt, bộ phận một cửa đã bố trí để làm việc ngay, còn các phòng chuyên môn khác, chậm nhất 12/8 sẽ chuyển xuống hết".
Sở Tư pháp có tới 60% là nữ. Họ không giấu được nỗi âu lo vì đường đi làm sẽ xa hơn.
"Tôi sẽ phải đi gấp 3 lần đường"
Nhân sự Sở Tư pháp HN có trên 60% là nữ, có nhiều người trẻ vừa lập gia đình hoặc mới sinh con. Chuyển trụ sở, điều khiến mọi người "ủ ê" nhất đó là quãng đường làm việc quá xa, giao thông bất tiện nên sinh hoạt gia đình đảo lộn, gây khó khăn cho công việc.
Chị Lan cho biết: "Nhà mình ở Bách Khoa, bình thường đi làm mất khoảng 10 phút thôi, giờ mà đi sang Hà Đông sẽ phải đi gấp 3 lần đường so với bây giờ. Đi đường Trường Chinh hay Chùa Bộc đều tắc".
Ngổn ngang hơn cả là những cán bộ "ngược từ đầu thành phố đến cuối thành phố để đi làm".
Nếu chuyển sang trụ sở mới, Nguyễn Ngọc Duy, Phòng Văn bản, nhà ở Yên Viên, Cầu Đuống (Gia Lâm), phải vượt tới 4 cây cầu, cả đi cả về là... 60 km. Còn Nguyễn Thanh Nga, Phòng Tiếp dân cũng phải vượt quãng đường tương tự.
Vừa ra trường, với mức lương công chức 1,3 triệu/tháng như hiện nay, Nga nhẩm tính: "Từ bên Sài Đồng, Gia Lâm, tính trung bình tiền xăng cho 60 cây số/ngày, nhân lên với 30 ngày, bao nhiêu cho đủ? Muốn lấy chồng cũng khó". Chưa kể có những trường hợp bụng mang dạ chửa, sắp tới cũng phải "vượt" trên 50 cây số/ngày.
Chị Th, Sở NN & PTNT ngậm ngùi: "Mình và nhiều bạn ở đây mới đi làm 2, 3 năm nay, nhà toàn ở Sóc Sơn, Đông Anh, lâu nay đi làm ở Cầu Giấy vẫn gần trung tâm nhưng đã xuống đến Hà Đông là phải tính toán, cân nhắc chuyện chi tiêu, sinh hoạt, nhiều thứ bất tiện lắm". Cán bộ Sở NN & PTNT (trái) phải nhường lại trụ sở mới xây cho sở khác, còn Sở KHCN (phải) được chuyển tới nơi khang trang hơn.
Một chị phiền muộn: "Mình phải lo xin chuyển trường cho con cái nữa. Trường tư thục thì đắt mà trường công thì không chuyển được".
Có nữ cán bộ của Sở Tư pháp (xin phép được giấu tên) chưa nói được hai câu thì bật khóc: "24/7 chúng tôi mới biết mà 1/8 đã phải đi rồi. Tất nhiên là chủ trương của thành phố thì phải thực hiện. Mong sao các cấp chính quyền quan tâm hơn đến đời sống cán bộ, sớm bố trí xe đưa đón".
"Ở đây không có ai buồn cả..."
Từ thời Pháp thuộc, khối cơ quan nội chính, công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp luôn đi liền với nhau. Tuy nhiên, theo như quyết định chuyển dời trụ sở của UBND TP Hà Nội thì Sở Nội vụ, Công an TP, Viện Kiểm sát và Tòa án vẫn ở vị trí cũ, chỉ có Sở Tư pháp - cơ quan "gác cửa" cho UBND TP về mặt pháp luật - về Hà Đông.
Trong khi đó, rất nhiều giấy tờ thủ tục có liên quan mật thiết, đòi hỏi phối hợp thường xuyên giữa các sở, ngành.
"Chuyển về Hà Đông, khi cần mang hồ sơ ra ngoài, không may thất lạc, ngã xe, trộm cắp, mất cả hồ sơ của người nước ngoài thì phải làm sao? Đó là những tài liệu cá nhân rất quan trọng, nếu mất không thể lấy lại được. Người nước ngoài đến làm việc, đi từ bộ phận hành chính sang ủy ban, sang công an rồi lại mang hồ sơ về đây. Hồ sơ giờ cứ bê đi bê về. Thử hỏi, như vậy có bất cập không?", một cán bộ cao tuổi băn khoăn.
Âu lo của công chức không chỉ nằm ở chuyện quãng đường xa thêm bao nhiêu, mà là với tổ chức giao thông hiện nay, sẽ khó lòng đảm bảo được thời gian cũng như lịch sinh hoạt, làm việc.
Thanh lý nốt giấy tờ không sử dụng và chuyển đồ lên xe về Hà Đông.
GĐ Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn cho hay: "Tất nhiên có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng duy trì việc tiếp công dân theo đúng lịch. Còn những hỗ trợ, mình chưa tính đến. Việc chuyển trụ sở là phải cân đối nhiều thứ. Khó khăn thì phải khắc phục thôi".
Biết rằng "đây là chủ trương nhà nước", nhưng anh T, Sở NN & PTNT không khỏi ngậm ngùi khi chỉ vào những biển hiệu ghi tên sở và các phòng ban vừa được treo lên chưa đầy nửa năm: "Mười năm nay, chúng tôi ba lần chuyển trụ sở, toàn đi thuê ở những nơi chật chội. Giờ, được làm việc ở phòng ốc khang trang, thuận tiện đi lại chưa được bao lâu, lại chuyển".
Phó GĐ Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao đăm chiêu: "Lãnh đạo hai sở cũng đã đặt ra vấn đề tính toán mức phụ cấp đường sá, đi lại cho cán bộ nhưng do chưa có một chuẩn chung nên rất khó xác định. Công việc sẽ sắp xếp khoảng trong 1 tháng để không gián đoạn".
Ông Rao nói, ngoài việc Hà Tây phải đổi lại biển hiệu thì sở mới cũng sẽ phải chuẩn hóa lại toàn bộ biển hiệu mới. "Nhân lực thì không lo dôi dư vì với 17 người của Hà Tây và 56 người của Hà Nội lâu nay đang bị xem là còn mỏng, nay cộng lại, vừa đủ".
Với những cán bộ ở Sở KHCN, chuyển về Hà Đông là "thoát" khỏi trụ sở chật chội nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, hễ có hội thảo lớn là phải thuê ngoài, chưa kể dân "họp chợ" ngay trước cửa. Tuy nhiên, PGĐ Rao ưu tư: "Trụ sở đặt tại trung tâm như bây giờ rất thuận lợi trong giao dịch với các đối tác là doanh nghiệp, các nhà khoa học làm việc kiêm nhiệm".
Cán bộ chỉ phấn chấn hơn trước viễn cảnh, tới đây, các đầu việc sẽ được mở rộng hơn, đặc biệt trong bảo hộ thương hiệu cho các làng nghề truyền thống và có thêm "đất" cho các hoạt động ứng dụng nông nghiệp.
... Cuối ngày, cán bộ Sở Tư pháp vẫn mải miết thu gom, đóng gói. Trưởng Phòng Tiếp dân xua tay: "Chúng tôi đang bận chuyển đồ. Hẹn dịp khác nhé. Ở đây không có ai buồn cả".
-
Lê Nhung - Nguyễn Dung
Ảnh: Lê Anh Dũng - LN
Ý kiến của bạn: