221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1092166
FDI: Những dự án cần từ chối
1
Article
null
FDI: Những dự án cần từ chối
,

 - Khi nhận bình luận báo cáo "Đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và tác động đối với Việt Nam" của chuyên gia người Pháp Terlier Herve, tôi thực sự chờ đợi một nghiên cứu giúp giải tỏa phần nào những lo lắng lớn của bản thân về thu hút và giám sát FDI ở nước ta - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan viết cho VietNamNet.

Trước dòng đầu tư nước ngoài đang đổ ngày càng nhiều hơn vào VN, dĩ nhiên tôi rất mừng, nhưng đồng thời lại có những lo lắng không nguôi. Không chỉ vấn đề làm thế nào để giải ngân được nhiều hơn, tôi cho rằng về FDI, chúng ta còn rất cần quan tâm đến những vấn đề cốt lõi và nóng bỏng.

Thu hút FDI, không bỏ quên kinh tế tư nhân

Trước hết, xác định mục tiêu chiến lược trong thu hút FDI, đặc biệt về các nhân tố: ngành/lĩnh vực nào, công nghệ nào, từ nước nào/nhà đầu tư nào, nhằm mục tiêu phát triển cụ thể gì cho VN trong trung và dài hạn.

Trong phát triển, nội lực vẫn là quyết định nhất, không nên ưu tiên FDI thái quá. Ảnh minh họa: Internet

Chiến lược FDI tất nhiên phải phù hợp và phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN cũng như chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, các vùng quan trọng. Cần có chiến lược hợp lý không chỉ để kêu gọi, mà còn để giám sát việc thu hút FDI cho đúng trọng tâm, đúng yêu cầu dài hạn của nước nhà.  

Tiếp theo, phải xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, sòng phẳng, minh bạch, ổn định ở VN cho cả các nhà đầu tư trong nước và FDI, khắc phục những trở ngại đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề cập nhiều lần.

Trong phát triển, nội lực vẫn là quyết định nhất, không nên ưu tiên FDI thái quá. Rất cần sự phát triển hài hòa, gắn kết và bổ sung lẫn nhau giữa FDI và đầu tư trong nước, nhất là với khu vực tư nhân (khu vực tạo 90% việc làm) ở nước ta. 

Thêm nữa, cần tăng cường năng lực xem xét, thẩm định, giám sát của nhà nước và sự phối hợp giữa các ngành, giữa Chính phủ với các địa phương để cải thiện chất lượng thu hút FDI.

Đặc biệt, cần tránh những dự án bị thổi phồng về con số vốn đầu tư, về viễn cảnh lợi nhuận cho cả nước chủ nhà và nhà đầu tư. VN đã gặp không ít trường hợp này. Thực tế tới năm 2007 còn khoảng 70% doanh nghiệp FDI ở TP.HCM báo cáo lỗ là một minh chứng. Dù họ lỗ thật hay lỗ giả cũng đều đáng lo, đáng suy nghĩ. 

"Tới năm 2007, còn khoảng 70% doanh nghiệp FDI ở TP.HCM báo cáo lỗ. Dù họ lỗ thật hay lỗ giả cũng đều đáng lo, đáng suy nghĩ". 
Tránh những dự án đòi hỏi quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ. Cần tính toán kỹ vì VN sẽ khó có khả năng đáp ứng, hoặc phải trả giá cao cho những yêu cầu này.

Hiện nay không ít doanh nghiệp FDI đang hưởng trợ cấp của nhà nước ta cho các chi phí năng lượng và hạ tầng. Một số nhà đầu tư mới hoặc chuẩn bị vào cũng có thể kỳ vọng như vậy, nhất là trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung năng lượng, tài nguyên và giá cả các thứ đó leo thang như ngày nay và cả trong tương lai.

Những dự án chỉ muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên, không có cam kết hoặc năng lực chắc chắn về chế biến thì càng phải tránh. Không gì tai hại và thiệt thòi cho nền kinh tế và cả cho các thế hệ mai sau bằng việc xúc tài nguyên đi bán thô với giá rẻ (trừ lúc ta còn quá nghèo, không có gì khác, mà bây giờ thì ta không còn nghèo như vậy nữa).

Không nên cấp phép cho những dự án gây ô nhiễm môi trường: Sân golf, nhà máy đóng tàu, nhà máy giấy, xi măng, thép... sử dụng công nghệ lạc hậu; những nhà đầu tư lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo ở VN để phớt lờ yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cũng cần tránh những dự án có thể không phù hợp qui hoạch phát triển lâu dài của VN, tạo dư thừa công suất lớn mà khó có triển vọng khai thác, sử dụng hiệu quả: sân golf, các khu công nghiệp, khu resort, khu du lịch cao cấp, khu đô thị lớn ở một số tỉnh dân số không đông, kinh tế chưa phát triển cao, cảng biển, nhà máy lọc dầu, nhà máy thép, xi măng...

"Ở ta đã bắt đầu xuất hiện loại dự án “cướp ngân hàng".

Đó là những nhà đầu tư ít vốn, dựa vào giấy phép hoặc đất được cấp để vay của các ngân hàng nội địa, vay xong thì lẩn tránh hoặc không thể thực hiện dự án, để lại hậu quả nặng nề cho những ngân hàng vốn đã chẳng giàu có gì lắm của nước chủ nhà".

Cần đảm bảo các dự án này không phá vỡ quy hoạch phát triển chung  và phải có căn cứ thật xác đáng về bài toán thị trường đầu ra, đặc biệt là xuất khẩu thu ngoại tệ. Nếu không, riêng việc phải bán ngoại tệ cho họ để họ chuyển lãi và vốn ra ngoài khi đến hạn cũng sẽ là một gánh nặng lớn của nền kinh tế trong tương lai.

Chủ nhà không thể chỉ đứng nhìn

Cần biết từ chối những dự án sử dụng công nghệ, thiết bị thải loại. Một số chủ đầu tư mà năng lực đánh giá, thẩm định FDI hạn chế đang tiếp nhận không ít dự án loại này từ một số nước cần nâng cấp công nghệ, thiết bị của chính họ.

Cái giá phải trả không những chỉ là chi phí ban đầu để trở thành “bãi rác công nghệ”, mà còn không biết bao nhiêu hao tổn sau này về năng lượng, vật tư, môi trường... để nuôi dưỡng nó, để nó sản xuất ra những sản phẩm khó cạnh tranh nổi trên thị trường và kìm hãm ta trong vòng lạc hậu.

Những dự án của các đối tác không có thực lực hoặc không nghiêm túc. Một số nhà đầu tư vào thương lượng xin giấy phép chỉ để bán lại, hoặc lợi dụng sự khao khát FDI của một số vị chủ nhà thiếu thông tin và không biết điều tra đối tác mà “vẽ” ra dự án. Loại này không những làm mất thời gian, công sức, chi phí đeo đuổi dự án, mà còn làm mất cơ hội và uy tín của chủ nhà trước những nhà đầu tư đích thực.

Những dự án theo kiểu “cướp ngân hàng”, như Ấn Độ đang cảnh báo. Đó là những nhà đầu tư ít vốn, dựa vào giấy phép hoặc đất được cấp để vay của các ngân hàng nội địa, vay xong thì lẩn tránh hoặc không thể thực hiện dự án, để lại hậu quả nặng nề cho những ngân hàng vốn đã chẳng giàu có gì lắm của nước chủ nhà. Ở ta cũng đã bắt đầu xuất hiện loại “cướp” này. Cứ xem họ rao bán dự án của họ thì biết. 

Cuối cùng, chúng ta cần có các biện pháp, công cụ, chế tài và nguồn lực để thực hiện những mục tiêu trên.

Không cấp phép cho những dự án gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt ngay trước mắt, chúng ta rất cần xem xét cẩn trọng các nguồn lực “đối ứng” ở trong nước để tiếp nhận các dự án FDI đang tăng lên nhanh chóng, nhất là với một số dự án qui mô hàng tỉ USD đang vào nhiều như hiện nay. Dù họ cam kết đầu tư 100% vốn của họ, song là chủ nhà, ta không thể chỉ đứng nhìn, để họ tự lo.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội phát triển các ngành của mình, các nguồn cung của ta để cung ứng cho họ. Những nguồn lực về con người - đội ngũ quản lý nhà nước các ngành, các cấp; đội ngũ tham gia quản lý và làm công việc kỹ thuật tại các dự án; đội ngũ lao động làm việc cho FDI; những nguồn lực khác: điện, giao thông, hạ tầng, các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, các nguồn nguyên liệu... sẽ cần cải thiện rất nhiều cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, ta không dễ đáp ứng, trong khi ngay cho nhu cầu phát triển trong nước cũng còn đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Nếu muốn đáp ứng cho FDI, có thể chúng ta phải đầu tư thêm rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế, hoặc phải “nhịn’ phần mình để dành cho họ, hoặc phải nhập từ bên ngoài vào, tất cả đều có giá phải trả. Liệu chúng ta có tính được hết cái giá đó, có tính được khả năng trả, và nền kinh tế cùng doanh nghiệp và người dân VN có sẵn sàng trả không? 

Đó là những vấn đề cần đi vào nghiên cứu thật sâu, thật cụ thể, và học hỏi những bài học thành công cũng như không thành công của các nước khác để cải thiện việc thu hút và giám sát FDI một cách hiệu quả, phục vụ tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. 

  • Phạm Chi Lan

    Ý kiến của bạn:

     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>