221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1092392
Làm rõ những đánh đổi khi kiềm chế lạm phát
1
Article
null
Làm rõ những đánh đổi khi kiềm chế lạm phát
,

- "Trong kinh tế vĩ mô, muốn giải quyết lạm phát phải có sự đánh đổi, hi sinh. Nếu như giải quyết lạm phát, phải chấp nhận mức thất nghiệp là bao nhiêu? Những vấn đề đó chúng tôi chưa thấy Chính phủ nói đến. Hầu như trong báo cáo của Chính phủ khi giải quyết vấn đề lạm phát chưa nói đến vấn đề lãi suất và thất nghiệp mà đây lại là vấn đề rất lớn" - Ý kiến của GS Vũ Đình Bách trong thảo luận góp ý kiềm chế lạm phát tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch  UBTƯ MTTQ ngày 30/7.

Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ lần thứ 12, khóa 6 chủ yếu tập trung vào vấn đề giải quyết lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống cho dân nghèo.

GS. Vũ Đình Bách.

"Phải chấp nhận thất nghiệp ở mức nào"?

GS Vũ Đình Bách - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQVN cho rằng tuy được đem ra mổ xẻ rất nhiều song việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Ông Bách, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ vẫn hướng tới sản xuất kinh doanh là chính.

Trong khi đó, những người làm công ăn lương, hưu trí không biết trông cậy vào đâu nếu như không có giải pháp trợ cấp, nâng lương. GS Bách trăn trở: "Các nhà sản xuất cũng có khó khăn, nhưng khó khăn của họ nhìn chung theo kiểu "thuyền lên thì nước lên". Còn đối với người dân, chúng ta cần phải có biện pháp gì đó giúp họ chứ?".

"Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc không phải là chỉ đường lối chính sách rồi giơ tay hoan nghênh, cũng không phải là đi xóa đói giảm nghèo, mà phải đi sâu vào giám sát, phản biện xã hội" - GS. Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQVN.

GS Bách phân tích: "Muốn giải quyết lạm phát thì phải có lãi suất thực dương, nếu âm thì không ai gửi tiền vào. Lãi suất của chúng ta vẫn chưa dương, mà nếu dương thì sợ người dân lại không đi vay nữa. Chính vì thế chúng ta cứ ở trong vòng luẩn quẩn".

Bàn về giải pháp giải quyết lạm phát, với tư cách là chuyên gia kinh tế, ông khẳng định: "Trong kinh tế vĩ mô, muốn giải quyết lạm phát phải có sự đánh đổi, hi sinh. Nếu như giải quyết lạm phát, phải chấp nhận mức thất nghiệp là bao nhiêu? Những vấn đề đó chúng tôi chưa thấy Chính phủ nói đến. Hầu như trong báo cáo của Chính phủ khi giải quyết lạm phát chưa nói đến vấn đề lãi suất và thất nghiệp mà đây lại là vấn đề rất lớn".

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM - nhận định: Tình hình kinh tế xã hội hiện nay còn rất nhiều vấn đề đáng báo động. Doanh nghiệp mất tự tin, người lao động hoang mang. Nếu trong tình hình này mà chúng ta cứ quá lạc quan thì e rằng con cháu chúng ta không chịu làm việc. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta nên nói thật" tình hình thực tế hiện nay.

Cùng chung tâm trạng với ông Thắng, ông Nguyễn Túc cho rằng khi nền kinh tế đi vào giai đoạn khó khăn nghiêm trọng, sự "quá lạc quan" ấy đã dẫn đến "cái bi quan trong dân". "Trong tình hình ấy, điều đáng làm nhất có lẽ cần phải nêu bật được vai trò của người dân, của Mặt trận để thấy được sự cố gắng của họ" - ông nhấn mạnh.

Mặt trận có nghĩa vụ giám sát tiết kiệm và an sinh xã hội

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm.

Tiếp tục với vấn đề lạm phát, ông Thắng nhìn nhận Mặt trận cần là cầu nối giữa người dân với Chính phủ, phải thúc đẩy, động viên các doanh nghiệp, tổ chức tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo.  

Ông cũng chỉ rõ thực tế hiện nay quan niệm của XH về tiết kiệm còn chưa đúng. "Hãy quên đi những định kiến rằng tiết kiệm tức là làm ăn kém. Các DN tiết kiệm không phải vì bản thân họ mà vì những người nghèo trong XH đang lao đao trong cơn bão giá".

Ông lo lắng: "Nếu các DN đóng cửa, không hoạt động được, những người lao động sẽ làm gì, đi đâu? Hãy nghĩ đến tình huống xấu nhất như thế nào, đừng lạc quan quá để có bước chuẩn bị tốt. Một đất nước muốn phát triển, cần phải hướng tới tầm nhìn xa ra 20 - 50 năm, thậm chí hàng trăm năm. Dù bão tới hay không tới, chúng ta vẫn nên có phương án chuẩn bị".

Ông Thắng chỉ rõ, đối với vấn đề đầu cơ, tìm ra nguyên nhân vì sao người ta lại biết trước hàng hóa sẽ tăng giá. Nếu không trừng trị nghiêm bọn đầu cơ, người gánh chịu và khổ nhất là người nghèo.

Về phần mình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định, để kiềm chế lạm phát phải củng cố niềm tin của người dân.

"Lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân, người nghèo và những người làm công ăn lương. Vai trò của Mặt trận không phải là chống hay kiềm chế lạm phát nhưng phải góp phần vào công cuộc đó. Với tư cách là tổ chức tập hợp đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận có nghĩa vụ phối hợp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện tiết kiệm và giám sát tiết kiệm, đảm bảo an sinh XH. Hãy nghĩ tới người nghèo bằng cách giảm đầu tư công, giảm các dự án chưa cần thiết hoặc chưa cấp bách", ông Cầm nói.

  • Nguyễn Dung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,