221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1095598
GDP chỉ đạt 6,5 %, chỉ số giá tiêu dùng còn cao
1
Article
null
Kết luận của Bộ Chính trị :
GDP chỉ đạt 6,5 %, chỉ số giá tiêu dùng còn cao
,

Bộ Chính trị đã thảo luận và ra kết luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008 và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm, trong đó nhấn mạnh, cần quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2008 và 5 năm 2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Chưa làm xã hội thấy được mức độ phức tạp, khó khăn

Kết luận của Bộ Chính trị điểm lại những kết quả bước đầu trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như những khó khăn, thách thức của nền kinh tế với những nguyên nhân cả về khách quan lẫn chủ quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, đặc biệt là trong quý II, triển khai thực hiện Kết luận số 22- KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 10- NQ/ CP của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, có nhiều biện pháp cụ thể khắc phục những khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn ở trong nước, đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thật ổn định và vững chắc, tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn: Tăng trưởng kinh tế (GDP) chậm lại (chỉ đạt 6,5%, thấp hơn mục tiêu đã điều chỉnh là 7%); chỉ số giá tiêu dùng còn cao, tỉ lệ nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm 2007; đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thiếu vốn, lãi suất cao, tỉ giá biến động, khả năng cạnh tranh giảm sút; dịch bệnh gia tăng; tình hình tài chính, tiền tệ và thị trường chứng khoán còn thiếu ổn định; an sinh xã hội còn nhiều bức xúc; tình trạng tái nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống của nhân dân, đặc biệt những người làm công ăn lương, gia đình chính sách, nhân dân các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và đồng bào dân tộc, người nghèo gặp nhiều khó khăn. Tình trạng đình công ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh diễn ra nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước...


Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại nêu trên chủ yếu là do: sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ, những khó khăn của kinh tế thế giới, giá cả nhiều hàng hoá, vật tư, nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nước ta.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị chỉ ra rằng: Một số cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp quán triệt Kết luận số 22- KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình, nhiệm vụ mới chưa sâu, chưa đầy đủ, chưa có chương trình hành động cụ thể, tích cực, chỉ đạo thực hiện thiếu quyết liệt và đồng bộ. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ, chưa làm cho toàn xã hội thấy được mức độ khó khăn, phức tạp của tình hình, chưa tạo được quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thách thức. Một số cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, tự giác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ảnh: VNN

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 4/4/2008, Bộ Chính trị lưu ý thêm 5 vấn đề lớn cần sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Thắt chặt tiền tệ nhưng điều hành linh hoạt

Trước hết, về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hoạt động lợi dụng tình hình khó khăn để kiếm lợi cục bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tiết kiệm trong chi tiêu đối với cả nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước phải hiệu quả. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu của mặt hàng trọng yếu, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; quản lý chặt chẽ và kiên quyết hơn nữa việc hạn chế nhập khẩu để giảm mạnh nhập siêu.

Bộ Chính trị chỉ đạo duy trì tăng trưởng bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hợp lý. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp, gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm đáp ứng yêu cầu vốn (cả ngoại tệ) cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đang có nhu cầu lớn. Sớm sơ kết tình hình thực hiện thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế, để có giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn và có chủ trương phát triển hợp lý trong thời gian tới.

 Đảm bảo an sinh xã hội

Về an sinh xã hội, Bộ Chính trị chỉ đạo phải đơn giản hóa các thủ tục, chuẩn bị tốt nguồn lực và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các chính sách đã ban hành về bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ cận nghèo, vùng bị thiên tai, người lao động có thu nhập thấp... Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ người nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách.

Chủ động trong việc dự báo, tăng dự phòng, dự trữ và tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là mùa bão lũ ở khu vực miền Trung, miền núi, ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho sản xuất và tài sản của nhân dân.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), các giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng; trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Về lãnh đạo tư tưởng, tuyên truyền, thông tin, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chỉ đạo chấn chỉnh công tác thông tin báo chí đảm bảo chủ động, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng định hướng về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tránh đưa ra những thông tin bất lợi, tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang cho nhân dân.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thống nhất nhận thức, có biện pháp triển khai cụ thể tạo sự chuyển biến tích cực, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2008 và cả 5 năm 2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra.

(Theo TTXVN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,