221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1100664
"Để dân lựa chọn, dân sẽ tìm ra người xứng đáng"
1
Article
null
'Để dân lựa chọn, dân sẽ tìm ra người xứng đáng'
,

 - "Chúng ta nói dân làm chủ nhưng còn làm thay dân nhiều lắm. Bây giờ phải tin rằng dân có đủ khả năng, trình độ, sáng suốt chọn ra người đại diện cho mình", nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói về chủ trương thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã.

Không nên quy định cứng                                                                                         

- Ông có nhận định gì về chủ trương thí điểm của Chính phủ để người dân tại 500 xã trực tiếp bầu chủ tịch?

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Tôi bầu người có tư tưởng đổi mới.  Ảnh: VA

Xã là cấp thấp nhất của chính quyền, cấp mà người dân có thể hiểu rõ nhất người đứng đầu. Ông chủ tịch là người nằm ngay trong lòng dân, hàng ngày tiếp xúc với dân nên ông là người thế nào dân cũng biết. 

Năm 1946, khi bầu Quốc hội, có người không tin nhưng Bác Hồ nói phải tin dân, và thực tế đúng như vậy, dân đã chọn ra những người sau này trở thành những chính khách lỗi lạc của đất nước.

Cho nên để dân lựa chọn thì dân sẽ tìm ra người xứng đáng. Có phải 1 - 2 người chọn đâu mà dân cả một xã chọn cơ mà. Vì thế không nên ngại, mà đây cũng không phải là việc làm xa lạ, nhiều nước làm như vậy. 

Mình thực ra có một cái dở: Nói dân làm chủ nhưng làm thay dân nhiều lắm. Chúng ta đã trải qua 20 năm đổi mới rồi, trình độ dân trí cao lên rất nhiều, bây giờ phải tin rằng dân có đủ khả năng, trình độ, sáng suốt để chọn ra người đại diện cho họ, nhất là với người đại diện trực tiếp chứ không phải ở đâu xa, người mà nếu không xứng đáng thì dân sẽ bãi miễn. Cho nên theo tôi, đây là việc rất đáng làm mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi. 

- Giả sử trong quá trình đề cử vào chức chủ tịch, có người có năng lực nhưng không phải là đảng viên ra ứng cử, chúng ta có chấp nhận không?

Không nên quy định "cứng" rằng ông chủ tịch xã phải là đảng viên. Sau khi người ta được dân tín nhiệm làm chủ tịch, chúng ta hoàn toàn có thể bầu họ và kết nạp họ. Vấn đề là người đó làm thế nào, người dân sẽ giám sát.

Bao nhiêu năm nay chúng ta mong muốn có một bộ trưởng không phải là đảng viên thì ở cấp cơ sở, việc gì phải đòi hỏi cao thế. Bác Hồ từng nói rồi, Đảng chỉ có từng ấy người còn dân thì đông. 86 triệu dân biết bao người tốt mà chúng ta chưa kết nạp hoặc vì lý do nào đó mà họ chưa vào Đảng.

- Cá nhân ông, nếu là một người dân bình thường ở một xã, được đi bầu thì ông sẽ bầu người như thế nào?

"Điều mà tôi hơi tiếc là chúng ta có Học viện Hành chính nhưng chưa đào tạo theo chức danh, và lớn hơn nữa là trách nhiệm không rõ ràng. Lấy ví dụ thế này, anh quản lý cấp trên về xã, thấy người ta bán thực phẩm chưa qua kiểm dịch thì anh phạt dân, còn xã có quản lý không, mặc kệ. 

Các nước quản lý theo mô hình khác. Cấp tỉnh mà cấm, về đến xã, đến huyện còn thấy thì phạt anh chủ tịch xã, huyện, bởi phạt dân là việc của các ông này".

Tôi sẽ bầu người thật xứng đáng. Người có tư tưởng đổi mới, muốn làm tốt cho dân, có ý thức đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực. Làm chủ tịch xã mà không được như thế thì dân không nhờ được. Và tôi cần danh sách mấy người chứ không phải một người để tôi lựa chọn. 

Dân đang có quá nhiều đại diện

- Là thành viên Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2001, ông có đồng tình với việc thí điểm bỏ tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường?

Bỏ HĐND quận, huyện là chủ trương từ lâu, mỗi lần sửa Hiến pháp đều được đặt ra. Nên nhớ rằng chúng ta từng có Hiến pháp quy định rằng cấp huyện không cần HĐND.

Đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946: "Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm 3 bộ: Bắc, Trung, Nam, mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND". Tức là cấp bộ và huyện có tính chất trung gian thì không có HĐND. 

Nhưng năm 1959, chúng ta tổ chức lại theo mô hình Xô Viết. Tất cả các cấp chính quyền đều có đại biểu, nhưng có vấn đề chúng ta không tính hết là một người dân của xã cũng là người dân của huyện, tỉnh, nước. Một người dân cầm lá phiếu chọn ra 4 ông đại biểu, có quá nhiều đại diện của mình ở Nhà nước.

Mà trên thực tế, vì có 4 ông nên không biết mỗi ông làm gì cả. Và vì vậy, nói cha chung không ai khóc thì không phải, nhưng mấy ông tiếp xúc cử tri thì cũng là phản ánh tình hình rồi vui vẻ về thôi, chứ không giải quyết những công việc cụ thể của dân. 

Bây giờ chúng ta cần xác định cho rõ cấp nào cần đại biểu, cấp nào dân cần đại diện của mình, và đã đại diện thì phải làm thật. Chứ việc đi bầu và duy trì bộ máy rất tốn kém. Bạn cần biết để bầu ra một ĐBQH khóa XI của tụi tôi, ngân sách chi rất nhiều, thế thì phải làm gì để xứng đáng với "đồng tiền bát gạo" mà dân đóng góp để bầu mình. 

- Tức là phải xác định cho rõ đại biểu ở trung ương làm gì cho dân, đại biểu ở tỉnh, huyện, xã thì làm gì?

Đúng như vậy. Đại biểu là phải thiết thực đại diện cho dân. Chúng ta phải xem lại tính chất đại diện cho thật rõ, đại diện thì làm gì, cấp nào thì cần. Có nhiều người đại diện quá, nhưng cuối cùng dân lại hay tìm đến nhà báo bởi nói hôm trước hôm sau lên công luận rồi, hoặc đến gặp ĐBQH chứ không phản ánh với đại biểu HĐND. Mà ngay ĐBQH cũng bị xem như cái thùng thư mà. 

Ta lâu nay có cái dở. QH họp 1 năm 2 kỳ, đến HĐND phường cũng họp như vậy, thành ra rất chung chung, mà công việc ở phường thì rất cụ thể, lẽ ra phải họp 3 tháng 1 kỳ, có chuyện gì đột xuất dân bức xúc là phải họp bất thường ngay. Như chuyện ở đồng bằng sông Cửu Long có phân bón giả, hay mưa lụt... lẽ ra HĐND phải họp ngay.

HĐND từng cấp phải giải quyết những việc cụ thể của địa phương đó, cấp càng cao thì vấn đề càng chung, còn ở dưới phải rất cụ thể, công việc hàng ngày của người dân. 

Không trái Hiến pháp

- Việc bỏ tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường có trái với Hiến pháp không, thưa ông?

Hiến pháp năm 1980 quy định các đơn vị hành chính đều có HĐND nhưng đến Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy vấn đề không đơn giản như thế nên đã tính đến việc bỏ HĐND cấp huyện. Nhưng lúc đó có một số đồng chí băn khoăn, bảo: Cấp huyện to như thế mà người dân không có đại diện của mình à? Nói thế thì bức xúc quá còn gì. 

Kết quả là Hiến pháp 1992 ghi "Việc thành lập HĐND và UBND do luật định". Nghĩa là vấn đề này không do hiến định. Như vậy, chủ trương bỏ HĐND không trái Hiến pháp. Chính phủ trình ra UBTVQH một nghị quyết - quy phạm pháp luật ngang với luật - mà đây chưa phải là xóa mà chỉ cho làm thí điểm thôi.

Cái cần cân nhắc là đạo lý của nó, có thực sự cần hay không cần. Theo thôi không chỉ phải bỏ HĐND cấp huyện mà còn phải xem xét lại tính chất đại diện của từng cấp là thế nào, nội dung đại diện đó là gì, để người dân thấy rõ rằng có vấn đề này thì tôi đến ông đại diện này, có vấn đề khác thì đến ông đại diện khác. 

  • Vân Anh
    Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,