221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1103882
Trẻ nghèo bỏ học vì tiền không đến đúng đối tượng
1
Article
null
Trẻ nghèo bỏ học vì tiền không đến đúng đối tượng
,

 - Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa như miễn học phí, hỗ trợ SGK... Nhưng theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, tất cả chưa đủ giúp đưa con em đến trường, vì miếng cơm manh áo đang là bức xúc số một của người nghèo trong tình hình lạm phát.

Thiếu chính sách dài hơi

Chủ nhiệm UB các vấn đề XH của QH Trương Thị Mai: "Học sinh nghèo bỏ học đang là vấn đề cộm lên trong bối cảnh lạm phát". Ảnh: L.Nhung

- Thưa bà, học hành là một trong những điều kiện tiên quyết để xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhà nước đã dành hẳn 20% ngân sách cho giáo dục. Nhưng vì sao có đến 147 nghìn HS bỏ học ở cả 3 cấp?

-  Người nghèo phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có việc cho con em đến trường. Học sinh nghèo bỏ học đang là vấn đề cộm lên trong bối cảnh lạm phát.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa như miễn học phí, hỗ trợ SGK... Ngoài ra, người nghèo còn nhận được hỗ trợ từ nhiều chương trình như 120, vay vốn từ NH Chính sách xã hội, được hỗ trợ 50% BHYT...

Nhưng chỉ như vậy cũng chưa thể giúp đưa con em đến trường, vì miếng cơm manh áo đang là bức xúc số một với đồng bào. Với tình hình lạm phát năm nay, các chính sách này mới chỉ giúp họ vượt qua khó khăn. Để bền vững thì cần chính sách dài hơi hơn.

Hiện Chính phủ đang tính toán thay đổi chuẩn nghèo.

UB Các vấn đề xã hội của QH sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về chính sách cho người nghèo. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi với Bộ LĐTBXH nhằm nắm lại tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước để cuối năm khi QH ra nghị quyết về tình hình kinh tế - xã hội, chúng ta có thể thay đổi được điều gì đó trong chính sách với người nghèo.

Vai trò của Nhà nước là phải xem xét những vấn đề căn cơ, chính sách, lâu dài cho phát triển.

5 lều trọ học nằm rải rác ven suối của gần 40 học sinh trường THCS Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: GVT

- Ngoài Nhà nước, có thể huy động thêm những kênh nào để giúp sức đưa các em đến trường?

- Theo tôi, những câu chuyện mà VietNamNet phản ánh rất tích cực, thiết thực.

Nó cho thấy ngoài chính sách của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự tham gia chung của xã hội để cùng vào cuộc giúp đỡ, hỗ trợ. Xã hội không thể tham gia chung chung mà đòi hỏi việc làm cụ thể.

Nhiều DN đã làm trường cho vùng sâu, vùng xa, lập danh sách trẻ em nghèo để trao học bổng. Lo cụ thể như vậy thì sự giúp đỡ mới cụ thể và đúng nơi, hỗ trợ trực tiếp.

VietNamNet và các phương tiện truyền thông nói chung có thể trở thành một kênh huy động sự tham gia. Không thể lo hết nhưng hãy bắt đầu từ những vùng nghèo nhất, khó khăn nhất để các em có thể đến trường khi ngày khai giảng đã đến.

Có những chính sách của Nhà nước thường không đến ngay được với trẻ em nghèo. Nhưng hỗ trợ của xã hội thì lại đến ngay lập tức.

Không thể để mặc trẻ em nghèo bỏ học

Chính sách nhiều nhưng không đến được và trước thềm năm học mới, tình trạng trẻ em nghèo bỏ học vẫn tiếp diễn, vậy lỗi là do đâu?

- Có hai vấn đề: Thủ tục hành chính và quản lý nhà nước. Thủ tục còn lắm nhiêu khê. Chẳng hạn vừa rồi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ ngư dân xăng dầu nhưng dân mãi không nhận được tiền. 

Lý do là mặc dù TƯ đã quyết, nhưng xuống đến địa phương lại bị chậm do họ đã bố trí ngân sách hết cả rồi, không biết lấy tiền từ đâu. Nào đợi tiền từ ngân sách TƯ chuyển về, lập thủ tục chuyển tiền, rất mất thời gian....

Ở phương diện quản lý nhà nước cũng có trường hợp tiền không đến đúng đối tượng. Như chính sách tín dụng cho HSSV vay, cũng có nhiều nơi cho vay không đúng, phải đi đòi lại.

Cần khắc phục hai vấn đề trên để đồng tiền Nhà nước đi đúng nơi, đúng chỗ mới có thể phát huy tác dụng với các em.

Chính phủ và Quốc hội gặp nhau rất nhiều trong quan điểm về chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng triển khai đến nơi, đi vào cụ thể rồi lại thấy không đúng. Xã hội có thể mất lòng tin vì không hiểu chính sách nhà nước ban hành ra như vậy, liệu có thể tổ chức thực hiện tốt không?

Một chính sách ban hành ra nếu tổ chức không tốt thì không đạt được mục tiêu mong muốn.

Như vậy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội dưới cơ sở có vai trò như thế nào để chính sách cho trẻ em nghèo nhanh chóng được thực thi?

- Các tổ chức chính trị - xã hội địa phương cần phải giám sát nhiều hơn nữa đối với các chính sách của Nhà nước đưa xuống cho người nghèo.

Chính sách đó đúng hay không, ngoài QH, các tổ chức chính trị - xã hội phải giám sát và tăng cường thêm để đánh giá các chính sách đã được thực hiện đến nơi đến chốn ở ngay tại địa phương mình chưa.

Chúng ta đều đang giải quyết, nhưng phải tích cực hơn nữa, không thể để kéo dài. Trẻ em nghèo phải được đến trường vì đó là chính sách phổ cập tiểu học. Nhất là năm nay lạm phát, trẻ em bỏ học nhiều, bây giờ phải bắt buộc bằng mọi giá để cho trẻ em được đến trường. Không thể để cho tình hình căng thẳng hơn.

Mặc dù đã phổ cập tiểu học nhưng năm qua ngành giáo dục đang phải đối mặt với hàng loạt hiện tượng ngồi nhầm lớp và tình trạng học sinh nghèo bỏ học gia tăng. Vậy, có nên đánh giá lại mục tiêu này hay không?

- Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo quyết liệt và QH cũng đã nhiều lần yêu cầu, làm sao để vừa đạt mục tiêu phổ cập giáo dục, lại vừa nâng cao được chất lượng giáo dục vì dù đã phổ cập xong nhưng không thể chấp nhận chất lượng nguồn nhân lực kém.

Việc này đã làm trong ba năm nay rồi. Vì đó là việc phải khắc phục và cần khắc phục sớm. Chúng ta không thể để mặc cho trẻ em nghèo bỏ học. Cần phải phối hợp giữa Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội để hỗ trợ hết sức cho trẻ được đến trường.

Năm 2010 sẽ kết thúc hai Nghị quyết, một là về "Đổi mới chương trình SGK bậc phổ thông", hai là "Phổ cập THCS". Chính phủ sẽ phải báo cáo tổng kết với QH về tình hình thực hiện cụ thể. Trong đó, chắc chắn không phải là số lượng đạt được ra sao mà là chất lượng thế nào.

  • Lê Nhung

                                                                Ý kiến của bạn:

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,