221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1106270
WB: Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh
1
Article
null
WB: Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh
,

 - Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2009 khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 10/9 xếp hạng Việt Nam đứng thứ 92 về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, giảm một bậc so với xếp hạng năm 2008.

Cải cách chậm hơn các nước

Báo cáo của WB lựa chọn các nền kinh tế đã tiến hành cải cách làm cho việc kinh doanh được thuận lợi hơn trong 3 lĩnh vực hoặc nhiều hơn.

Các chuyên gia Việt Nam tại cầu truyền hình công bố Báo cáo của WB. Ảnh: XL
Năm ngoái, Việt Nam có 2 lĩnh vực cải cách được ghi nhận còn Báo cáo năm 2009 chỉ ghi nhận lĩnh vực cải cách duy nhất là hệ thống đăng ký thông tin tín dụng công.

Việc xếp hạng bậc 92 về mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh được coi là sự tụt bậc. Ông Trần Hữu Huỳnh, Ban Pháp chế của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận: "Việt Nam đứng đầu nhóm các nước nửa cuối trong khi năm ngoái đứng cuối nhóm các nước nửa đầu".

Điểm đáng lưu ý, Báo cáo của WB xếp hạng không tính các yếu tố "nút thắt cổ chai" của nền kinh tế Việt Nam như cơ sở hạ tầng, nhân lực, thể chế, lạm phát, thâm hụt ngân sách... Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Thực tế những cải cách vẫn đang diễn ra nhưng các nước khác trong khu vực cũng tiếp tục cải cách và làm tốt, nhanh hơn Việt Nam nên được xếp hạng cao hơn".

Theo bà Chi Lan, đây là điều Việt Nam phải suy nghĩ. Ở mục xếp hạng xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 67 trên toàn cầu nhưng so với các "đối thủ cạnh tranh chính" trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, hay nhóm các nước ASEAN khác, Việt Nam lại cạnh tranh kém hơn.

Bà Chi Lan lấy ví dụ chi phí cho một container xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ Việt Nam cao gấp đôi so với Trung Quốc. Điều này, theo bà, "giải thích một phần tại sao Việt Nam nhập siêu nhiều và xuất khẩu không thể vượt lên để thu hẹp khoảng cách nhập siêu". 

"Cần xem xét nguồn gốc và chất lượng các dự án đầu tư FDI đổ vào Việt Nam thời gian qua hơn là quan tâm đến số lượng gia tăng".

Ông Trần Hữu Huỳnh, Ban Pháp chế, VCCI

Một điểm lưu ý là trong khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ nhưng Việt Nam không được xếp hạng cao về bảo vệ nhà đầu tư, mà chỉ đứng thứ 137/181 các nền kinh tế.

Bà Rita Ramalho, tác giả chính Báo cáo năm 2009 của WB lý giải hai việc này không liên quan đến nhau vì nhiều nhà đầu tư vẫn có thể đến các nước chưa có bảo hộ đầu tư. Ở góc khác, ông Huỳnh cho rằng Việt Nam cần xem xét nguồn gốc và chất lượng các dự án đầu tư FDI đổ vào Việt Nam thời gian qua hơn là quan tâm đến số lượng gia tăng.

Chưa tiếp cận hết không gian cải cách   

Từ những nghiên cứu trong Báo cáo của WB, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, thường các quốc gia cải cách nhiều là các nền kinh tế chuyển đổi. "Không gian cải cách rất lớn nhưng Việt Nam chưa tiếp cận mạnh mẽ không gian đó bằng các nước trong khu vực". 

Ngay cả lĩnh vực tín dụng được ghi nhận cải cách nhưng chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng thực tiễn bức tranh tín dụng ở Việt Nam khác rất nhiều so với xếp hạng của WB.

"Ngay cả những chỉ số được xếp hạng cao hoặc lên hạng cũng không nên chủ quan, tự mãn", bà Lan nói.

Việt Nam cần tiếp cận mạnh mẽ hơn không gian cải cách.

Chuyên gia này lo ngại một thực tiễn có thể xảy đến trước mắt với nền kinh tế, đó là sự phá sản của hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào những tháng cuối năm nay và đầu năm sau. Theo bà, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thể phải ngừng hoạt động trong thời gian tới nếu không có những cải thiện cơ bản như về tín dụng cho doanh nghiệp.

Đánh giá của WB có quan liêu?

Thừa nhận những thực trạng nhưng chuyên gia Phạm Chi Lan và Trần Hữu Huỳnh, người được mời phản biện Báo cáo của WB không đồng tình việc Báo cáo chỉ thực hiện dựa trên những đối tượng điều tra thông tin hẹp.  

Mặc dù WB và IFC - Tập đoàn Tài chính Quốc tế tại Việt Nam - đã thông báo những thay đổi pháp lý ở Việt Nam cho nhóm thực hiện Báo cáo nhưng có nhiều yếu tố vẫn bị bỏ qua.

Theo bà Chi Lan, một trong điểm sáng của môi trường kinh doanh Việt Nam là cải cách về thủ tục đăng ký khởi sự doanh nghiệp đã bị WB "bỏ qua". Hay thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng áp dụng ở TP.HCM rất phổ biến từng được WB ghi nhận cách đây hai năm như một tiến bộ cũng không được nhắc đến khi nhóm thực hiện Báo cáo làm điều tra thông tin ở thành phố này.

Về bảo vệ nhà đầu tư, thực tế đã có những công cụ pháp lý liên quan đến các nhà đầu tư thiểu số khi đầu tư vào Việt Nam. Dù việc thực thi có thể chưa tốt nhưng nếu căn cứ ít nhất vào quy định pháp luật thì WB nên ghi nhận bước tiến này của Việt Nam.

Chuyên gia Chi Lan cho rằng nếu cách làm "quan liêu" như vậy sẽ hạn chế uy tín của Báo cáo. "Nếu chỉ tham vấn thông tin từ các hãng luật nước ngoài ở Việt Nam sẽ không đủ vì khách hàng của các hãng này chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài chứ không bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam".

Ông Huỳnh cũng nhận định, việc thực hiện Báo cáo phải dựa trên đối tượng điều tra thông tin "đa dạng, rộng rãi hơn để sát với thực tiễn bức tranh kinh tế Việt Nam hơn".

  • Xuân Linh
     
    Ý kiến của bạn:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,