- Ngày 22/9, TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, càng sớm có BHYT toàn dân càng tốt cho người dân lẫn ngành y tế.
Cần có nhiều loại hình BHYT
Nhiều đại biểu cho rằng, nên có nhiều loại hình BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhiều đối tượng có thu nhập khác nhau.
Trong điều kiện thực tế, nhiều cá nhân có thu nhập cao không mặn mà với BHYT, bởi muốn được hưởng những dịch vụ y tế tốt hơn.
Khám răng cho học sinh tiểu học ở quận Hóc Môn. Ảnh: V.G |
Nhiều đại biểu cùng đồng tình với vấn đề đặt ra: Tại sao người giàu không ai mua BHYT tự nguyện? Phải chăng vì mức phục vụ BHYT hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của họ. Tại sao BHYT không nâng mức giá cho phép họ đóng nhiều để có dịch vụ tốt hơn theo nhu cầu?
Bên cạnh đó, dù là BHYT toàn dân nhưng mức chi trả BHYT nên theo lứa tuổi và theo khả năng đóng góp từng thành phần, từng vùng khác nhau.
Bác sĩ Hồng, Viện Tim phân tích: "BHYT có 2 đầu vào quan trọng: đông chia sẻ ít, người không bệnh chia sẻ người có bệnh. Thực hiện BHYT toàn dân sớm chừng nào tốt chừng nấy và nên phân nhiều mức đóng ở nhiều đối tượng khác nhau".
Đồng tình ý kiến này, BS Nguyễn Thị Mỹ (Sở Y tế TP.HCM) khẳng định, cần sớm có BHYT toàn dân vì hiện nay chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng. "Nếu không có BHYT toàn dân thì rất không ổn vì thu không bù chi".
Trong việc xây dựng BHYT toàn dân, còn nhiều vấn đề nên "mở". Ví dụ, trẻ em dưới 6 tuổi được chi trả hoàn toàn, vậy có nên làm thẻ hay không? Điều kiện tối đa chi trả cho bệnh nhân 20 triệu, vậy trong những trường hợp đặc biệt, nếu họ không có khả năng chi trả, không lẽ để bệnh nhân mua bảo hiểm chịu nằm chờ chết? Trong hoàn cảnh này, nên có thêm những điều kiện cho phù hợp để có thể giải quyết cho bệnh nhân.
Ngoài ra, nên mở cửa BHYT thông thoáng hơn, nếu đăng ký BHYT ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, nhưng khi cần thì có thể qua nơi khác vẫn được thanh toán. Vì tiền nào cũng sẽ vào chung một túi tiền quỹ bảo hiểm - bác sĩ Hồng Sơn, quận 12 đặt vấn đề.
Nên có phần mềm quản lý bệnh nhân
Đại diện Bệnh viện Hóc Môn nêu ý kiến nên có phần mềm quản lý bệnh nhân. Hiện các bệnh viện rất khó xác minh được mục đích thực sự của bệnh nhân có cần khám chữa bệnh hay không.
Phần mềm quản lý sẽ tránh được việc bệnh nhân đến với mục đích lấy nhiều đơn thuốc để được cấp thuốc.
Cụ thể hơn, đại diện BV Tai Mũi Họng cho biết, cũng trường hợp tương tự, có khi bác sĩ biết cả gia đình bệnh nhân 4 người thay nhau đi 4 ngày trong tuần để lấy thuốc, nhưng không làm sao ngăn chặn được vì họ vẫn khai, vẫn khám có bệnh. Họ còn đòi toa thuốc đắt tiền. Điều này gây thất thu cho BHYT.
Theo ông, có thể thành lập mã số chẩn đoán và điều trị lưu trữ lại. Việc thanh toán điều trị khám chữa bệnh BHYT dựa trên đó cũng cho biết quá trình bệnh nhân. Đây là phương pháp nhiều nước đã làm mà chúng ta có thể áp dụng.
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng Sơn, Bệnh viện Y học cổ truyền nêu ý kiến, cơ quan bảo hiểm và y tế phải độc lập nhau thì làm bảo hiểm y tế mới tốt. Mối quan hệ giữa hai bên sẽ là hợp đồng trách nhiệm. Bảo hiểm sẽ ký hợp đồng với các đơn vị mình tin tưởng. Khi có những vi phạm giữa các đơn vị, ít thì cùng thương lượng, nhiều sẽ cần tới toà xử, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Chủ trì cuộc dự thảo lấy ý kiến, ông Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, những ý kiến xây dựng Luật BHYT được ghi nhận đầy đủ, chuyển ra Quốc hội trong thời gian 2 tuần tới. Ông ghi nhận, đây là những ý kiến gần với dân. Ông cũng nhấn mạnh ý kiến không muốn BHYT quy định tuyến, nhưng nếu không quy định, những bệnh viện, cơ sở y tế khu vực trung tâm sẽ không chịu được sự quá tải.
-
Vinh Giang