221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1112168
Nâng cao quyền, nghĩa vụ luật sư để hạn chế oan sai
1
Article
null
Nâng cao quyền, nghĩa vụ luật sư để hạn chế oan sai
,

  - Bên lề Đại hội nhiệm kỳ VIII của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/9, luật sư, TS Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân nói: "Nhà nước cần có cơ chế bảo vệ, nâng cao vai trò của luật sư trong lĩnh vực tố tụng, hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế, khiếu tố, khiếu nại, tư vấn pháp luật".

Luật sư không được coi là người thi hành công vụ

Hành nghề từ 15 năm nay, cá nhân ông nhận định thế nào về điều kiện làm việc của các luật sư?

Luật sư Trần Đình Triển: Nếu không trao cho luật sư quyền ở bên cạnh đương sự và cho đương sự quyền chỉ phát ngôn khi có luật sư thì oan sai vẫn sẽ cứ xảy ra. Ảnh: VA

Luật sư chúng tôi không ít người vẫn bị vu khống, đe dọa, kể cả tính mạng bản thân và người thân của họ. Rất nhiều vụ việc mà luật sư bị đương sự hành hung tại tòa, còn gọi điện thoại đe dọa là chuyện thường xuyên. Cá nhân tôi trước Tết vừa bị kẻ xấu dùng dầu nhớt đổ vào nhà. Luật sư Hà Đăng còn bị chúng trộn chất bẩn thỉu ném vào.

Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật mà xử sự như thế thì người ta điều tra ngay, thậm chí bắt ngay tại tòa vì tội chống người thi hành công vụ. Luật sư cũng có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN thì không được xác định như vậy. Đó là điều hết sức bất công. 

Các văn phòng luật sư chịu rất nhiều nghĩa vụ, như thuế, quỹ an ninh như đối với doanh nghiệp, nhưng khi vụ việc xảy ra, chưa một cơ quan nào điều tra xử lý để có biện pháp răn đe cả. Chính vì thế, đương sự dám làm với luật sư những điều họ không dám làm với thẩm phán, điều tra viên hay kiểm sát viên. Đoàn Luật sư cũng không thể làm được gì cả, vì không có chức năng điều tra.

Về cơ chế luật pháp, tôi cho rằng phải nâng cao quyền và nghĩa vụ của luật sư. Đến nay công an, tòa án, viện kiểm sát được quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu, trừ trường hợp tài liệu đó thuộc bí mật quốc gia, nếu không đáp ứng thì bị xử lý, còn đối với luật sư, họ cung cấp hay không thì mặc. 
 

"Số lượng luật sư ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 4.000. Trung bình 20.000 dân mới có 1 luật sư, trong khi ở Singapore, tỷ lệ này là 1.000 dân, Nhật Bản: 5.500 dân. Ở các nước phát triển thì Mỹ có 1 luật sư/270 dân, Pháp: 500 dân. 

Nếu tính hoạt động của luật sư tham gia bào chữa các phiên tòa, chúng ta mới có 20% vụ án có luật sư".

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo trước Quốc hội

Ở các nước, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ làm việc khi và chỉ khi có luật sư bên cạnh, nhưng ở ta, tại sao ra tòa nhiều bị can bị cáo kêu oan? Mở lời khai ra thì họ bảo lời khai tại cơ quan tố tụng là bị bức cung, mớm cung, đe dọa và buộc phải ký. Chúng ta không có bằng chứng nào để khẳng định điều này có thật hay không, cuối cùng tòa vẫn quyết định theo lời khai đó.

Bảo đương sự chứng minh thì chứng minh thế nào, khi họ trong bốn bức tường tạm giam chỉ có điều tra viên với họ, cơ quan tạm giam, tạm giữ cũng do công an quản lý thì họ có dám không ký không?

Tôi cho rằng, nếu không giải quyết vấn đề này bằng cách trao cho luật sư quyền ở bên cạnh đương sự và cho đương sự quyền chỉ phát ngôn khi có luật sư thì oan sai vẫn sẽ cứ xảy ra.

Thế còn điều kiện làm việc của luật sư khi tranh tụng, thưa ông? 

Tôi nghĩ phải làm thế nào để cơ quan công tố với luật sư phải ngang quyền nhau như ở các nước. Ở ta, công tố buộc tội, luật sư gỡ tội, tòa tuyên. Còn khi họp án, ở ta có một điều rất kỳ lạ, luật thì quy định thẩm phán độc lập, kiểm sát viên, điều tra viên độc lập nhưng không bao giờ bỏ qua giai đoạn họp liên ngành, rồi họp án, tóm lại người ta gọi là án "đút túi", luật sư có đầy đủ chứng cứ chăng nữa thì người ta cứ thế quyết. 

Người ta chỉ tôn trọng tòa, tôn trọng viện kiểm sát vì viện có quyền kháng nghị, còn luật sư thì không. Có những việc họp liên ngành để định đoạt những vấn đề liên quan đến vụ việc thì luật sư không được có mặt. Cho nên oan sai vẫn rập rình trước cửa nhà các đương sự. Đấy là hậu quả nguy hiểm nhất. 

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò của luật sư, cơ chế luật pháp phải thay đổi, nâng cao vai trò, quyền và nghĩa vụ của luật sư, có vậy mới hạn chế được oan sai, đồng thời sử dụng đội ngũ luật sư tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Luật sư phát danh thiếp ở lễ hội Bà Chúa Kho!

Ông có cho rằng việc nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức của luật sư cũng là một vấn đề cần đặt ra, bởi nhiều khi luật sư không gỡ tội bằng chứng cứ mà bằng cách này, cách khác?

Muốn nâng cao vai trò các luật sư thì trước hết, bản thân họ phải tự kiểm điểm. Thẳng thắn mà nói, trình độ, năng lực của luật sư rất yếu kém. Việc trở thành một luật sư hoạt động độc lập hiện còn quá đơn giản. 

"Vẫn còn trường hợp cơ quan điều tra địa phương gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của luật sư, thậm chí ngay trong xét xử án vẫn chưa có nhiều cơ hội cho luật sư nêu rõ quan điểm lập luận của mình, chưa thực sự thể hiện vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự". 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Chỉ cần tốt nghiệp ĐH Luật dù là bằng chính quy hay đào tạo tại chức, sau đó học 6 tháng lấy chứng chỉ đào tạo nghề của Trường Đào tạo cán bộ tư pháp, rồi một năm rưỡi thực tập tại một văn phòng luật sư thôi.

Với những người đang công tác từng làm điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm tra viên, thanh tra viên đã có thời gian trên 5 năm công tác thì thậm chí không cần học để lấy chứng chỉ đào tạo nghề.

Cơ chế tập sự cũng rất buồn cười. Có những văn phòng chỉ "đánh trống, ghi tên" cả năm không biết người tập sự ở đâu cả, rồi qua một đợt kiểm tra, đoàn luật sư sẽ kết nạp, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề, thế là thành luật sư, không những có thể làm với văn phòng luật sư mà có quyền mở văn phòng, giản đơn như vậy. 

Đào tạo của ta thì hoàn toàn mang tính chất lý luận và rất bất cập, mỗi trường luật đào tạo một kiểu. Ở một số trường, luật đang hiện hành như thế nào thì quán triệt như thế, giảng dạy cho học sinh. Nếu hệ thống pháp luật không ổn định, thay đổi liên tục thì sẽ gặp vấn đề.

Một trường phái khác lại tập trung vào lý luận, tức những nguyên tắc chung, sinh viên tốt nghiệp làm nghiên cứu được, nhưng nếu không đi vào thực tiễn thì cũng chỉ là mớ lý luận suông. Ở trường an ninh hay cảnh sát có cấp bằng cử nhân luật, nhưng đào tạo ở đây cũng hoàn toàn khác nhau, chưa hẳn đã chuyên sâu vấn đề luật pháp. 

Năng lực, trình độ của luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của khách quan và chưa đủ độ tin cậy để Nhà nước giao nhiều việc cho luật sư. Đấy là chưa nói đến phẩm chất đạo đức. Chính vì thế, có những văn phòng không đủ tiền thuê nhà, điện, nước. Từ đó dẫn đến quảng cáo thương hiệu cũng đang hết sức lộn nhộn. Có những văn phòng in danh thiếp nhân lễ hội như Bà Chúa Kho, phát cho người đi lễ để quảng cáo.

Có những luật sư in thật nhiều danh thiếp "giúi" cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để họ giới thiệu việc cho mình. Việc này không ít đâu và theo tôi là không thể chấp nhận được. Hy vọng rằng sau khi ra đời trong năm nay, Liên đoàn Luật sư sẽ góp phần xóa đi những bất cập ấy.
  • Vân Anh 
                                       Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,