- “Chính phủ đã đồng ý sẽ tăng giá điện lên trung bình 20- 30%, hiện Bộ Công Thương đã lên phương án để trình Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30/9.
Tăng giá nước, xe buýt Bộ trưởng Nội vụ thông báo Chính phủ đã thông qua Đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Ảnh: LN
Theo ông Khu, từ năm 2009, giá điện sẽ tăng trung bình từ 20-30%. "Quan điểm của Chính phủ là sẽ tăng nhiều đối với giá điện sinh hoạt, các hộ nghèo sẽ được Chính phủ hỗ trợ. Sẽ giảm dần sức ép giá điện đối với khu vực sản xuất".
Trong 2 năm 2009 - 2010, giá điện sẽ được tăng theo lộ trình để giá điện Việt Nam tiệm cận giá điện trong khu vực. Tương tự, giá than cũng sẽ tăng để tiệm cận giá than trong khu vực.
Ngoài ra, theo ông Bùi Xuân Khu, các mặt hàng thuộc bình ổn của Nhà nước hiện vẫn được đang kiềm giá như nước sạch, vận tải công cộng... cũng sẽ tăng trong năm 2009.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm qua, Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng cơ chế điều hành theo giá thị trường đối với điện và than. Chính phủ sẽ hỗ trợ các đối tượng khó khăn khi điện, than tăng giá.
“Thủ tướng đã lưu ý, trong 8 nhóm giải pháp, cần nhấn mạnh vấn đề an sinh xã hội, thực hiện các giải pháp, chính sách đã ban hành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thông qua thí điểm bầu chủ tịch xã
Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã xem xét và thông qua Đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Đề án sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội sắp tới. “Sau khi làm thí điểm, nếu tốt sẽ tổng kết, sửa Hiến pháp, các luật liên quan và cho nhân rộng ra cả nước”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết.
Theo ông Trần Văn Tuấn, việc thực hiện đề án này cũng sẽ lồng ghép với việc làm rõ mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, đề cao và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
“Việc thí điểm sẽ có nhiều điểm trái với Hiến pháp hiện hành. Vì vậy, trước khi xây dựng đề án, Chính phủ đã chỉ đạo làm hết sức thận trọng, lấy ý kiến nhiều nơi, nhiều bộ phận và được nhân dân đồng tình rất cao”, Bộ trưởng nói.
Mục tiêu của đề án là nhằm phát huy dân chủ trực tiếp của người dân, tổ chức lại hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thông suốt của bộ máy.
Ông Tuấn nói: “Báo cáo của UBND và HĐND các địa phương vừa rồi cho thấy hoạt động hiện nay của HĐND ở các cấp này đã không còn phù hợp, ít có hiệu lực trong quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội”.
Điều hành linh hoạt
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong gần hai ngày họp vừa qua, các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định, tình hình kinh tế xã 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 6,52%.
Tháng 9/2008, chỉ số CPI chỉ tăng 0,18% so với tháng 8-2008. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 48,58 tỷ USD, tăng 39%. Nhập siêu giảm dần, mức nhập siêu tháng 9 còn 500 triệu USD, thấp nhất trong 9 tháng đầu năm; dự trữ ngoại tệ tăng lên, cân đối cán cân vãng lai..
“Tuy nhiên, Thủ tướng đã lưu ý, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, thách thức không thể chủ quan… Thời gian tới vẫn kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng không để ách tắc sản xuất”, ông Phúc nói.
Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế trong nước và trên thế giới để có sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, trong đó phải cập nhật thường xuyên thông tin cuả tình hình kinh tế thế giới để có giải pháp điều hành linh hoạt và hiệu quả nhất.
Thủ tướng yêu cầu chú trọng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, song phải linh hoạt. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Cân đối hàng hoá để không bị thiếu, nhất là hàng hoá phục vụ Tết Nguyên Đán. Các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, xi măng, sắt thép, lương thực, thực phẩm phải bảo đảm.
Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đủ điện, đủ vốn cho xuất khẩu. Chính phủ cũng nhất trí thời gian tới, cần tích cực xử lý các vấn đề nổi cộm về môi trường.
Về vụ Vedan, ngày 30/9, Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã kiến nghị Chính phủ xử lý các sai phạm của doanh nghiệp này theo Luật Bảo vệ môi trường. Chính phủ đang chờ kết luận chính thức của Bộ TN-MT về mức độ vi phạm để có hình thức xử lý cụ thể.
Về màn "múa nguyên thuỷ" phản cảm của hai sinh viên Trung tâm FPT Arena mà dư luận xôn xao vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch kiểm tra sự việc, báo cáo Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ có kết luận xử lý.
-
Lê Nhung
Ý kiến của bạn: