- Liên quan đến tiến trình vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, tối 6/10, theo giờ Việt Nam, các luật sư Mỹ đại diện quyền lợi cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam sẽ nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại quyết định của tòa án phúc thẩm số 2.
Đây là lần thứ hai phía nguyên đơn Việt Nam gửi đơn thỉnh cầu sau khi Toàn thẩm ra phán quyết bác bỏ đơn xem xét lại bản án ở tòa phúc thẩm ngày 7/5 vừa qua. Nguyên đơn Việt Nam hy vọng Tòa án Tối cao sẽ chấp thuận đơn thỉnh cầu để làm cơ sở kháng kiện, lật lại các phán quyết trước đó của tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm.
Hai nạn nhân dioxin, bà Đặng Thị Hồng Nhựt và chị Trần Thị Hoan đang có mặt ở Mỹ để vận động dư luận Mỹ ủng hộ vụ kiện. Ảnh: VAVA
Trong cuộc họp báo sáng 6/10 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: "Đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ đặt vấn đề tiếp cận ở cách thức vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam bị bác bỏ đã tách rời khỏi quy trình tư pháp được công nhận tại Mỹ".
Một trong những điểm pháp lý tranh cãi giữa hai bên tại tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm là liệu các công ty hóa chất Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.
Thực tế, vụ kiện đã được tiến hành theo luật pháp liên bang Mỹ, căn cứ vào đạo luật Alien Tort Claims Act (ATCA) ban hành năm 1789, trong đó quy định tòa án liên bang quận có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp của người nước ngoài đối với người trong nước về những thiệt hại do vi phạm luật pháp quốc tế.
Một trong những điểm tranh luận ráo riết khác giữa hai bên là việc áp dụng án lệ của Mỹ vào vụ kiện. Ý kiến của bên nguyên và bên bị hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề này.
Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã ra phán quyết, không chấp nhận vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam với lý do “không có căn cứ cho vụ khiếu kiện (của nguyên đơn) thể theo pháp luật của bất kỳ quốc gia nào hoặc thể theo pháp luật quốc tế".
Ông Thu cho biết: "Trong đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ, luật sư Mỹ đại diện cho quyền lợi của nguyên đơn Việt Nam đặt câu hỏi: Liệu quyết định của tòa phúc thẩm từ chối đơn thỉnh cầu không công nhận đơn khiếu nại của bên nguyên có mâu thuẫn với luật không?"
GS, luật sư Lưu Văn Đạt, người cố vấn cho vụ kiện, từng nói với VietNamNet rằng, phán quyết của tòa án Mỹ ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với thực tiễn đã xảy ra ở Việt Nam, đồng thời trái với đạo lý và nguyên tắc pháp lý “người nào gây ra thiệt hại phải đền bù thiệt hại, dù cố ý hay không cố ý”.
Ông Đạt cũng nhấn mạnh sự khó khăn của phía nguyên đơn Việt Nam là do "vụ kiện chưa từng có tiền lệ".
Tiến trình vụ kiện của nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam: 30/01/2004: Nguyên đơn Việt Nam nộp đơn kiện ở tòa sơ thẩm Mỹ 10/03/2005: Tòa sơ thẩm Mỹ ra phán quyết bác đơn 30/09/2005: Nguyên đơn nộp đơn kiện lên tòa phúc thẩm Mỹ 22/02/2008: Tòa phúc thẩm Mỹ bác đơn kiện 7/05/2008: Toàn thẩm ra phán quyết bác bỏ đơn thỉnh cầu xem xét lại bản án ở tòa phúc thẩm 6/10/2008: Nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ |
-
Xuân Linh